Nhà đầu tư cần lưu ý gì tại thị trường mới nổi trong năm 2023?

Các thị trường mới nổi đã phải trải qua 12 tháng đầy khó khăn khi ngày càng có nhiều chính phủ rơi vào tình trạng vỡ nợ, tiền tệ bị ảnh hưởng, chứng khoán cũng như trái phiếu thua lỗ ở mức hai con số.

Dù vậy nhiều nhà đầu tư lạc quan rằng năm 2023 có thể “lấy lại đà”. Sau đây là các sự kiện, xu hướng và chủ đề mà các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ định hình triển vọng cho các thị trường mới nổi trong năm 2023.

Tốc độ tăng lãi suất chậm lại có thể tạo tiền đề cho sự phục hồi của các thị trường mới nổi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tốc độ tăng lãi suất chậm lại có thể tạo tiền đề cho sự phục hồi của các thị trường mới nổi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tốc độ tăng lãi suất chậm lại tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác có thể tạo tiền đề cho sự phục hồi của các thị trường mới nổi vào năm 2023, khi đồng USD yếu đi và lạm phát giảm mang lại nhiều niềm tin cho nhà đầu tư.

Các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ duy trì sự khác biệt về tăng trưởng so với các nước phát triển, nhưng nỗi lo suy thoái kinh tế ở Mỹ cũng như châu Âu đang phủ bóng đen lên các thị trường toàn cầu nói chung, đặc biệt là trong nửa đầu năm nay.

David Folkerts-Landau, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Deutsche Bank, cho biết kinh tế suy giảm cùng với kế hoạch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ và những cú sốc địa chính trị và hàng hóa sẽ gây ra nỗi đau tạm thời cho các thị trường tài chính và mới nổi.

Quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc sau các đợt phong tỏa do dịch COVID-19 sẽ rất gian nan. Nước này chiếm gần 20% GDP toàn cầu, do đó triển vọng tăng trưởng mạnh vào thời điểm tăng trưởng toàn cầu chậm lại đang thu hút sự quan tâm.

Các nhà phân tích dự báo tiêu dùng và đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng mạnh từ giữa năm 2023 trở đi.

Erik Zipf, người đứng đầu bộ phận chứng khoán thị trường mới nổi tại DuPont Capital, cho biết tỷ lệ tiền tiết kiệm tại Trung Quốc hiện nay đang ở mức rất cao. Ông cho rằng số tiền đó sẽ được chi tiêu ngay khi mọi người cảm thấy thoải mái khi được ra ngoài, điều sẽ tạo ra một luồng gió lớn từ góc độ kinh tế.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm thay đổi thị trường năng lượng và sức ép lạm phát. Ảnh: Mạnh Hùng - P/V TTXVN tại Đức.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm thay đổi thị trường năng lượng và sức ép lạm phát. Ảnh: Mạnh Hùng - P/V TTXVN tại Đức.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm hỗn loạn các thị trường và nền kinh tế thế giới, và tình hình này diễn biến như thế nào vào năm 2023 cũng đặc biệt được quan tâm. Liệu căng thẳng này sẽ tiếp diễn, leo thang hay sẽ tiến tới việc tìm kiếm một giải pháp.

Trên toàn cầu, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm thay đổi thị trường năng lượng và sức ép lạm phát, an ninh lương thực và nhận thức về rủi ro địa chính trị, những yếu tố thường được các nền kinh tế mới nổi cảm nhận rõ ràng hơn. Trong khi đó, các nước châu Âu mới nổi cảm nhận thấy tác động nhân đạo tức thời, từ làn sóng tị nạn cho đến tình trạng "chảy máu chất xám" của Nga. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã chạm mức cao trong lịch sử.

Ngày càng có nhiều quốc gia lâm vào cảnh nợ nần chồng chất sau đại dịch COVID-19 và căng thẳng ở Ukraine, trong đó Zambia và Ethiopia đang cố gắng khắc phục gánh nặng nợ nần theo Khuôn khổ chung của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Sri Lanka và Ghana đã vỡ nợ trong năm 2022.

Mối quan hệ phức tạp giữa các chủ nợ, trong đó có việc Trung Quốc nổi lên với tư cách là nhà cho vay song phương hàng đầu thế giới, so với các đợt khủng hoảng nợ trước đây đã khiến các thủ tục trở nên chậm chạp và phức tạp.

Tim Samples, Phó Giáo sư Nghiên cứu Pháp lý tại Đại học Kinh doanh Terry, cho biết rất khó để các chủ nợ có thể thống nhất về cùng một phương thức giải quyết nợ.

Số lượng các quốc gia bị loại khỏi thị trường vốn trong số các nền kinh tế nhỏ hơn, rủi ro hơn cũng đang ở mức cao trong lịch sử, dù cho những nước này nhận được ưu đãi xóa nợ.

Carmen Altenkirch, nhà phân tích thị trường mới nổi tại Aviva Investors, cho biết thực tế không có nhiều khoản nợ đáo hạn vào năm 2023. Quốc gia có nguy cơ gặp rủi ro nhất là Pakistan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Nguồn: AFP/TTXVN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Nguồn: AFP/TTXVN

Tổng thống Tayyip Erdogan có thể phải đối mặt với thách thức chính trị lớn nhất trong 20 năm cầm quyền khi người dân nước này sẽ thực hiện cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất ở các thị trường mới nổi.

Đất nước này đã phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao và đồng tiền lao dốc, với đồng lira giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong những ngày gần đây.

Nhiều nhà đầu tư cắt giảm rót tiền vào tài sản đất nước do chính sách tiền tệ bất thường kéo dài nhiều năm qua. Việc thay đổi người đứng đầu đất nước có thể đánh dấu một sự thay đổi lớn.

David Hauner, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tài sản chéo của các thị trường mới nổi EMEA tại Bank of America Global Research, cho hay đây có thể là câu chuyện thú vị nhất của năm 2023, bằng cách này hay cách khác.

Một số nước khác phải đối mặt với các cuộc bầu cử. Cử tri ở quốc gia đông dân nhất châu Phi Nigeria (Ni-giê-ri-a) sẽ đi bầu Tổng thống tiếp theo vào tháng 2/2023. Tổng thống đương nhiệm Muhammadu Buhari sẽ không tham gia tranh cử do giới hạn nhiệm kỳ.

Tại Mỹ Latinh, Argentina sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống vào tháng 10/2023. Tại Ba Lan, một cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào mùa Thu và nước này có thể định hình lại mối quan hệ căng thẳng của Warsaw với Brussels./.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nha-dau-tu-can-luu-y-gi-tai-thi-truong-moi-noi-trong-nam-2023/275592.html