Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Làm thế nào để người trẻ liên kết xuất bản được một cuốn sách tốt?

Nhân việc sách của một TikToker nổi tiếng trong giới trẻ đang gây tranh cãi vì đánh giá thấp phụ nữ và những lỗi về bản quyền, phóng viên chuyên trang Sinh Viên Việt Nam có cuộc trò chuyện ngắn với nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Tác giả sách '6 bước tự xuất bản một cuốn sách' – về những điều người trẻ cần đặc biệt chú ý khi liên kết xuất bản sách.

Thưa nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, anh nghĩ sao về việc một số người trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội xuất bản sách?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi thấy đây là việc bình thường. Đây là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, trước khi làm việc này, các bạn nên hiểu rõ mục đích của việc xuất bản sách là gì, vì sách là một sản phẩm đặc thù.

Vậy theo anh, mục đích quan trọng nhất khi xuất bản sách là gì?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Theo cá nhân tôi, xuất bản sách chính là việc tác giả đóng gói kiến thức để chia sẻ cho cộng đồng. Khi cộng đồng đón nhận những kiến thức trong sách thì tác giả bắt đầu có thương hiệu. Càng nhiều người đón nhận thì thương hiệu của tác giả càng lớn. Khi tác giả có cộng đồng, thương hiệu rồi thì những giá trị khác, trong đó có giá trị tài chính, sẽ tự động đến.

Tại sao anh từng nói xuất bản sách thành công là cách xây dựng thương hiệu cá nhân đỉnh cao?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Hiện nay với các cơ chế liên kết khá mở, việc tác giả liên kết với một nhà xuất bản để xuất bản một cuốn sách không quá khó. Nhưng như tôi đã nói, xuất bản sách thành công lại là câu chuyện khác.

Bên cạnh yếu tố bán chạy, thành công ở đây được hiểu đơn giản là có nội dung tốt, giúp bạn đọc giải quyết được các vấn đề của họ. Tiếp đến là ngôn từ được dùng chuẩn mực, không có lỗi chính tả, lỗi diễn đạt; hình thức đẹp...

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh (cầm mic) đang là Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong. Anh đang chia sẻ trong một chương trình ra mắt sách của tác giả Hồng Nguyễn. Ảnh: Jason

Các tác giả trẻ nên chọn chủ đề thế nào để “an toàn” nhất?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Nếu an toàn quá thì nhiều khi lại bị lỡ cơ hội, khó thành công. Tuy nhiên, khi tư vấn cho khách hàng xuất bản sách, tôi thường khuyên mọi người hãy viết về chủ đề mình giỏi nhất và là cái bạn đọc đang cần. Nếu viết cái mình giỏi, mình thích mà bạn đọc lại không cần thì cuốn sách khi xuất bản sẽ không được đón nhận. Còn nếu viết về chủ đề hợp xu hướng, nhưng mình lại không phải là người giỏi, là chuyên gia trong lĩnh vực đó thì sẽ không thuyết phục được bạn đọc.

Được biết, anh cũng là tác giả của cuốn sách “Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất” do báo Tiền Phong xuất bản và phát hành. Xin anh cho biết những kênh nào khác, ngoài sách, có thể giúp các bạn trẻ xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả?

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi quan niệm xây dựng thương hiệu cá nhân là quá trình tạo giá trị cho bản thân, tiếp đến là trao giá trị đó cho cộng đồng, khi cộng đồng thừa nhận những giá trị này thì mình mới có thương hiệu cá nhân. Nói như vậy để thấy được rằng việc tạo ra giá trị, khiến bản thân mình có giá trị là điều quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu cá nhân. Khi mình đã có giá trị rồi thì mình dùng kênh nào để đưa giá trị đó ra cộng đồng cũng sẽ đơn giản. Sách chỉ là một kênh. Bên cạnh sách còn có nhiều kênh hiệu quả khác như: Báo đài chính thống, Mạng xã hội, Hoạt động offline...

Cảm ơn anh!

Tú Chân (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nha-bao-nguyen-tuan-anh-lam-the-nao-de-nguoi-tre-lien-ket-xuat-ban-duoc-mot-cuon-sach-tot-post1613457.tpo