Nguyên tắc và kỷ luật viết của ông hoàng truyện kinh dị

Đối với tôi, không làm việc là công việc thực sự. Khi tôi làm việc, mọi nơi đều là sân chơi, ba giờ tệ hại nhất ở nơi đó vẫn là ba giờ tuyệt hảo.

 Nhà văn Stephen King đã xuất bản hơn 60 cuốn sách. Ảnh: ULF Andersen.

Nhà văn Stephen King đã xuất bản hơn 60 cuốn sách. Ảnh: ULF Andersen.

Nếu “đọc nhiều, viết nhiều” là Lời răn Vĩ đại (tôi đảm bảo với bạn đó là sự thật) thì viết bao nhiêu là nhiều? Điều đó tùy thuộc vào từng nhà văn, đương nhiên rồi. Một trong những câu chuyện ưa thích của tôi về chủ đề này - có lẽ phần nhiều là giả tưởng hơn sự thật - có liên quan tới James Joyce.

Câu chuyện kể rằng một người bạn đã tới thăm James vào một ngày nọ và thấy người đàn ông vĩ đại ấy đang nằm bò trên bàn với dáng vẻ tuyệt vọng.

“James, có chuyện gì thế?”. Người bạn hỏi. “Chuyện công việc à?”.

Joyce im lặng đồng tình mà chẳng cần ngẩng đầu lên. Đương nhiên là công việc rồi, chẳng phải luôn như vậy sao?

"Hôm nay anh viết được bao nhiêu?”. Người bạn tiếp tục hỏi.

Joyce (vẫn tuyệt vọng, vẫn sấp mặt xuống bàn): “Bảy”.

“Bảy ư? Nhưng James ơi... thế là tốt mà, ít nhất là với anh!”.

“Ừ”, Joyce đáp, cuối cùng cũng ngẩng lên. “Chắc là thế... nhưng tôi không biết xếp chúng theo thứ tự nào cả!”.

Ở phía bên kia quang phổ là những nhà văn khác như Anthony Trollope. Ông ấy viết tiểu thuyết hài (Can you forgive her? - Tha thứ cho nàng nhé? là một ví dụ thích hợp, các độc giả hiện đại có thể đặt tựa tác phẩm đó là Kết thúc giùm đi nhé) và có tốc độ sáng tác ổn định tuyệt vời.

Ban ngày, ông ấy làm thư ký ở Ban Bưu chính Anh Quốc (hộp thư công cộng đỏ rực trên toàn nước Anh là phát minh của Anthony Trollope). Ông ấy viết hai tiếng rưỡi mỗi sáng trước khi đi làm. Lịch làm việc niêm chặt. Nếu ông ấy mới viết được nửa câu mà hết hai tiếng rưỡi, ông ấy sẽ bỏ dở câu đó tới sáng ngày hôm sau. Nếu ông ấy hoàn thành một cuốn sách dày sáu trăm trang mà còn mười lăm phút nữa, ông ấy sẽ viết Kết, gập bản thảo lại và viết cuốn tiếp theo.

John Creasey là một tác giả tiểu thuyết kỳ bí người Anh từng viết năm trăm (đúng, bạn không đọc nhầm đâu) cuốn tiểu thuyết dưới mười bút danh khác nhau. Tôi đã viết được khoảng ba mươi lăm - một số có độ dài của Trollope - và được coi là có lý lịch làm việc khá - dài, nhưng chả là gì so với Creasey.

Nhiều tiểu thuyết gia đương đại khác (bao gồm Ruth Rendell/Barbara Vine, Evan Hunter/Ed McBain, Dean Koontz và Joyce Carol Oates) đã dễ dàng viết được nhiều như tôi, một số còn viết được nhiều hơn thế.

Mặt khác - mặt có James Joyce - ta có Harper Lee, người chỉ viết độc có một quyển sách (cuốn Giết con chim nhại hay tuyệt). Nhiều người khác, bao gồm James Agee, Malcolm Lowry và Thomas Harris (cho tới giờ) viết ít hơn năm cuốn.

Điều đó tốt thôi, nhưng luôn khiến tôi tò mò hai điều về họ: họ mất bao lâu để viết cuốn sách họ đã viết; họ làm gì suốt thời gian còn lại? Đan đồ kiểu Afghanistan? Tổ chức hội chợ nhà thờ?

Chắc tôi hơi thô lỗ, nhưng hãy tin đi, tôi thật sự tò mò đấy. Nếu Chúa ban cho bạn tài năng, tại sao bạn không sử dụng nó nhân danh Ngài?

Lịch làm việc của tôi khá rõ ràng. Buổi sáng thuộc về sự mới mẻ bất kỳ - bản viết đang thực hiện. Buổi chiều dành để ngủ và thư từ. Tối là để đọc, bầu bạn với gia đình, chơi Red Sox trên tivi và lo những gì cần soát, sửa gấp. Đơn giản mà nói, ban sáng là thời gian viết chính của tôi.

Khi đã bắt tay vào một dự án, tôi không dừng lại và không giảm tốc độ trừ khi bắt buộc phải thế. Nếu tôi không viết mỗi ngày, nhân vật trong đầu sẽ không còn mới mẻ - họ có vẻ dần biến thành nhân vật thay vì người thật. Giọng kể sắc sảo sẽ gỉ sét còn tôi bắt đầu tuột tay khỏi cốt truyện và nhịp điệu.

Tệ hơn cả, guồng quay phấn khích của điều mới mẻ dần tan biến. Công việc thành ra có cảm giác của công việc, mà với hầu hết tác giả, đó là nụ hôn thần chết. Viết được hay nhất - luôn luôn, luôn luôn, luôn luôn - khi đó là trò chơi đầy cảm hứng cho nhà văn. Tôi có thể vô cảm ngồi viết nếu phải làm thế, nhưng tôi thích viết nhất khi thấy mới mẻ và gần như nóng phỏng tay.

Tôi từng nói với một phóng viên rằng tôi viết mỗi ngày trừ Giáng sinh, ngày Quốc Khánh và sinh nhật mình. Đó là lời nói dối. Tôi nói như vậy với họ vì nếu đồng ý nhận phỏng vấn, bạn phải nói cái gì đó, tốt hơn là cái gì đó nghe có tý khôn ngoan.

Hơn nữa tôi không muốn người ta coi mình là ông dẩm cuồng công việc (cuồng công việc thôi là được rồi).

Thực ra, khi đang viết dở dang, tôi viết mỗi ngày, ông dẩm cuồng công việc hay không cũng được. Tức là bao gồm Giáng sinh, Quốc Khánh và sinh nhật tôi (ở tuổi tôi, dầu sao bạn cũng sẽ cố gắng lờ sinh nhật đi thôi).

Còn khi không làm việc, tôi hoàn toàn không làm việc, mặc dù trong những khoảng thời gian ngừng hẳn đó, tôi thường thấy mình đang ở bên phía cuối chơi vơi của chính bản thân và mất ngủ.

Đối với tôi, không làm việc là công việc thực sự. Khi tôi làm việc, mọi nơi đều tựu là sân chơi, ba giờ tệ hại nhất ở nơi đó vẫn là ba giờ tuyệt hảo.

Tôi từng viết nhanh hơn hiện tại. Một trong số những cuốn sách của tôi (Người chạy bộ) được viết trong vòng có một tuần, một thành quả hẳn John Creasey sẽ trân trọng (mặc dù tôi từng đọc được rằng Creasey viết nhiều cuốn truyện kỳ bí của mình trong hai ngày).

Tôi nghĩ việc bỏ thuốc đã khiến mình chậm lại, nicotine là chất xúc tác tuyệt vời cho các khớp thần kinh. Đương nhiên, vấn đề là nó đồng thời giết mòn bạn trong lúc giúp bạn tỉnh táo.

Tuy nhiên, tôi tin bản thảo đầu tiên của cuốn sách - kể cả một cuốn dài - không nên bị trì hoãn quá ba tháng, độ dài của một mùa. Nếu dài hơn thế - ít nhất là với tôi - câu chuyện sẽ nhuốm cảm giác xa lạ như thông điệp từ Ban Công Vụ của Romania hoặc sóng ngắn cao tầng trong thời kỳ vết đen Mặt trời hoạt động mạnh.

Tôi đặt mục tiêu viết mười trang một ngày, tức là khoảng hai nghìn từ. Tức là 180.000 từ trong khoảng thời gian ba tháng, một độ dài đẹp với một cuốn sách nếu - đủ để người đọc vui vẻ lạc mình trong nó, nếu câu chuyện hay và được giữ tươi mới.

Có những ngày, mười trang tuôn ra trôi chảy. Tôi sẽ đứng dậy, ra ngoài và đi làm gì đó tới mười một rưỡi sáng, vui vẻ như chuột sa chĩnh gạo. Nhiều ngày hơn, khi tôi dần già đi, tôi thấy mình ăn trưa ở bàn làm việc và hoàn thành công việc của ngày tầm lúc một giờ ba mươi chiều.

Đôi lúc, khi từ ngữ trở nên trúc trắc, tôi loay hoay tới tận bữa xế. Với tôi, kiểu nào cũng ổn cả, nhưng chỉ khi gặp chuyện nghiêm trọng, tôi mới cho phép mình dừng trước khi hoàn thành hai nghìn từ.

Sự hỗ trợ lớn nhất để sản xuất đều đặn (theo lối Trollope?) là làm việc trong bầu không khí tịch mịch. Ngay cả những nhà văn có khả năng viết nhanh thiên bẩm cũng khó mà làm việc được trong bầu không khí toàn tiếng còi hú và sự di động.

Khi được hỏi “bí quyết thành công” của mình (một ý tưởng ngớ ngẩn, nhưng không tài nào tránh được), đôi lúc tôi trả lời bằng hai điều: tôi giữ sức khỏe (ít nhất là tới khi một chiếc xe van hất tôi ra lề đường vào mùa hè năm 1999) và tôi chăm sóc cuộc hôn nhân của mình. Đó là câu trả lời hay vì nó đuổi câu hỏi đi và có chứa một phần sự thật trong đó.

Sức mạnh tổng hợp từ một cơ thể khỏe mạnh và một mối quan hệ bền vững với một người phụ nữ tự cường không bao giờ chịu đựng mấy trò vớ vẩn của tôi hay bất cứ ai khác đã duy trì cuộc sống công việc cho tôi.

Tôi tin rằng điều ngược lại cũng đúng: văn chương và niềm vui từ nó đã góp phần duy trì sự ổn định của sức khỏe và gia đình tôi.

Stephen King/NXB Thanh niên & 1980 Books.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-tac-va-ky-luat-viet-cua-ong-hoang-truyen-kinh-di-post1439474.html