Nguyên nhân liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Đáng chú ý, một số vụ ngộ độc tương đối lớn khiến hàng trăm người mắc và phải nhập viện...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin được Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, ngày 21/5.

NHIỀU VỤ NGỘ ĐỘC VỚI SỐ MẮC QUY MÔ LỚN

Báo cáo tại hội nghị, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), nhưng số mắc lại tăng hơn 1.000 người. “Có những vụ ngộ độc với số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện”, ông Long cho hay.

Đáng chú ý, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất làm 518 người mắc, tăng 457 trường hợp so với cùng kỳ 2023. Số vụ ngộ độc trong trường học và số mắc đều giảm so với cùng kỳ.

Về nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ông Long cho biết ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật khiến 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; chiếm 30,6% tổng số vụ, nhưng chiếm đến 58% số mắc. 2 vụ ngộ độc xảy ra do nguyên nhân hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định nguyên nhân.

Một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn thời gian gần đây, như tại Sóc Trăng, vụ ngộ độc xảy ra hồi tháng 1/2024 tại hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà, làm 150 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội.

Còn ở Khánh Hòa, hồi tháng 3 cũng xảy ra một vụ ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh, làm 369 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà. Quán cơm này không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm…

Hồi cuối tháng 4, tại tỉnh Đồng Nai, vụ ngộ độc ở tiệm bánh mì Cô Băng cũng làm 547 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mì này cũng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Giữa tháng 5/2024, xảy ra vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc), khiến 438 người mắc và đi viện. Nguyên nhân vụ ngộ độc hiện vẫn đang chờ kết quả điều tra…

Theo Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, thông qua các vụ việc vừa qua cũng cho thấy nhiều vấn đề nổi lên về an toàn thực phẩm.

Đó là vi phạm quy định an toàn thực phẩm của cơ sở nhỏ lẻ, đặc biệt là thức ăn đường phố; thực trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc ở cổng trường học, các khu công nghiệp với đối tượng là học sinh, công nhân phức tạp, chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Tại các địa phương, các cơ quan được phân công không đồng nhất và có sự đan xen. Việc quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ còn chưa hiệu quả...

KHÔNG ĐỂ NGUYÊN LIỆU TRÔI NỔI CUNG CẤP VÀO BẾP ĂN TẬP THỂ

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho rằng vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm rất quan trọng, bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, mà cả đến an ninh trật tự, kinh tế xã hội, hay vấn đề an sinh.

Chẳng hạn, vừa qua xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn ở Khánh Hòa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc..., đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, việc đảm bảo an toàn thực phẩm liên quan đến nhiệm vụ của các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương và của toàn dân, chứ không chỉ của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Công thương.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới...

Đồng thời, các địa phương cần tực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

"Không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành Nông nghiệp, Công thương cấp theo quy định, nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất", lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Riêng đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu cần chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn theo quy định cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguyen-nhan-lien-tiep-xay-ra-hang-loat-vu-ngo-doc-thuc-pham.htm