Nguy cơ xảy ra khủng hoảng đa chiều ở Sudan

Ngày 15/10 đánh dấu tròn 6 tháng diễn ra cuộc xung đột tàn khốc ở Sudan trong khi vẫn chưa có giải pháp hòa bình nào hé lộ. Quốc gia Bắc Phi nghèo nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng đa chiều tồi tệ chưa từng gặp phải.

Người dân chạy khỏi Sudan ngồi bên ngoài một phòng khám dinh dưỡng tại một trung tâm quá cảnh ở Renk, Nam Sudan. (Ảnh: AP Photo/Sam Mednick, File)

Từ ngày 15/4, các cuộc đụng độ ác liệt giữa quân đội Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đã bùng phát ở thủ đô Khartoum và lan sang nhiều khu vực khác. Bạo lực đã giết chết hàng nghìn thường dân, khiến hàng triệu người phải di dời và phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng của đất nước, đặc biệt là ở Khartoum. Bất ổn kéo dài cũng làm cho tình hình kinh tế của quốc gia nghèo khó ở Bắc Phi vốn đã ảm đạm lại càng trở nên tồi tệ hơn.

Trong tuyên bố đánh dấu 6 tháng bùng phát chiến sự ở Sudan (15/4/2023 - 15/10/2023), Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhấn mạnh: "Trong sáu tháng, dân thường ... đã không có thời gian nghỉ ngơi trước cảnh đổ máu và khủng bố... Những báo cáo khủng khiếp về hiếp dâm và bạo lực tình dục vẫn tiếp tục xuất hiện".

Ông Griffiths cho biết các cuộc giao tranh tiếp diễn nhiều ngày qua giữa SAF và RSF đã giết chết tới 9.000 người và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Xung đột đã dẫn đến “các cộng đồng bị chia rẽ. Những người dễ bị tổn thương không được tiếp cận với viện trợ và làm gia tăng nhu cầu nhân đạo ở các nước láng giềng, nơi hàng triệu người đã phải chạy trốn".

Trong bối cảnh chiến sự kéo dài, nhiều chính trị gia Sudan và các tổ chức nhân đạo quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về kịch bản người dân nước này sẽ phải gánh chịu nhiều đau khổ và bạo lực hơn nếu các bên xung đột không đạt được giải pháp chính trị.

Ông Siddiq Al-Mahdi – một thành viên thuộc Liên minh Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) ở Sudan cảnh báo, nếu chúng ta không đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột quân sự hiện nay, Sudan sẽ trở thành trung tâm và nguồn gốc của thảm họa trên thế giới và khu vực.

Đồng quan điểm, lãnh đạo FFC kiêm Chủ tịch Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan – ông Yasir Arman cũng lo ngại rằng hiện các bên xung đột ở Sudan đều thiếu một chiến lược rõ ràng để quản lý khủng hoảng và đi đến một giải pháp chính trị.

“Cả SAF và RSF đều sẽ không chấp nhận yêu cầu của nhau và tìm kiếm nhiều lợi ích hơn” – ông Arman nói, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế thúc đẩy lệnh ngừng bắn nhân đạo lâu dài tại Sudan.

Cụ thể, lãnh đạo FFC thúc gục Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Ả rập (AL) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra quyết định chung nhằm thiết lập vùng cấm bay, đồng thời ngăn chặn các cuộc tấn công vào các khu dân cư. Ông Arman cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan tâm về nhân đạo và bảo vệ dân thường.

Cuộc khủng hoảng đa chiều ở Sudan

Trên mạng xã hội X, phái đoàn Liên hợp quốc tại Sudan cho biết, khoảng 5,6 triệu người đã phải di dời trong và ngoài Sudan kể từ khi bắt đầu xung đột. Theo Liên hợp quốc, các đối tác nhân đạo đã tiếp cận hỗ trợ được khoảng 3,6 triệu người, song hiện nay, Kế hoạch ứng phó nhân đạo Sudan năm 2023 sửa đổi mới chỉ nhận được 33,5% tài trợ.

Trong số 4,5 triệu người phải di dời trong nước trên khắp Sudan, ước tính có khoảng 1.062.000 phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản, trong khi có khoảng 105.753 người hiện đang mang thai và cần được tiếp cận kịp thời với các dịch vụ cứu sinh và sức khỏe sinh sản thiết yếu.

Chiến tranh cũng làm gián đoạn các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, do các trường học phải đóng cửa. Trong một thông tin đưa ra trên mạng xã hội X nhân tròn 6 tháng bùng phát xung đột ở Sudan, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng bày tỏ lo ngại sự gián đoạn các dịch vụ cơ bản có thể tác động tiêu cực đến tương lai của 24 triệu trẻ em. Theo số liệu do UNICEF đưa ra ngày 15/10, hiện có tới 19 triệu trẻ em ở Sudan không được tiếp cận giáo dục, trong khi 14 triệu trẻ em khác không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Bà Mandeep O'Brien, đại diện quốc gia của UNICEF tại Sudan cảnh báo: “Sudan đang trên bờ vực bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất thế giới… Giờ đây, khi buộc phải rời xa lớp học, giáo viên và bạn bè, các em học sinh có nguy cơ rơi vào khoảng trống đe dọa tương lai của cả một thế hệ”.

Về khía cạnh kinh tế, bất ổn kéo dài nhiều tháng qua đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cấp lương thực, khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tình trạng thù địch kéo dài 6 tháng ở Sudan đã đe dọa an ninh lương thực trên khắp đất nước.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng hoạt động kinh tế ở Sudan dự kiến sẽ giảm 12% do xung đột nội bộ khiến sản xuất bị đình trệ, phá hủy nguồn nhân lực và làm tê liệt năng lực điều hành.

Các báo cáo không chính thức chỉ ra rằng hơn 400 cơ sở ở Khartoum trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và nhiều ngành công nghiệp khác đã ngừng hoạt động do xung đột. Trong khi đó, các dự án sản xuất và nông nghiệp trên khắp đất nước Sudan cũng gặp khó khăn do thiếu vốn.

Nhu cầu hỗ trợ không ngừng gia tăng

Phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân dễ bị tổn thương trong xung đột. (Ảnh: Ahmad Mahmoud/MSF)

Kể từ khi xung đột bùng nổ ở Sudan, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã triển khai các phòng khám di động đến các địa điểm trên khắp đất nước Sudan nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ và sức khỏe sinh sản của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi xung đột. Hàng nghìn dịch vụ - bao gồm chăm sóc trước khi sinh, xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), sàng lọc ung thư cổ tử cung, chăm sóc sau sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh - đã được cung cấp cho đông đảo cộng đồng người dân Sudan. Các phòng khám được điều hành bởi một bác sĩ y khoa, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nữ hộ sinh và dược sĩ. Hiện có bốn phòng khám như vậy đã được triển khai ở Tây Darfur, Blue Nile và White Nile. UNFPA cũng đang triển khai thêm các phòng khám tạm thời ở các bang Kassala, Gedaref, Aj Jazira, Nam Darfur, Bắc, Sông Nile và Biển Đỏ, nơi có số lượng lớn người phải di dời đang sinh sống.

Nguồn cung cấp y tế duy nhất vào Sudan hiện nay phụ thuộc vào các tổ chức viện trợ, không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Khi tình hình kinh tế xấu đi, khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo vệ và sức khỏe thiết yếu và cứu sống cũng giảm sút. Hơn nữa, những rủi ro về bảo vệ - bao gồm các mối đe dọa bạo lực, quấy rối, lạm dụng và bóc lột tình dục đang gia tăng. Bạo lực trên cơ sở giới đã được báo cáo ở cả những khu vực đang diễn ra chiến tranh và ở những khu vực có người phải sơ tán.

Hiện UNFPA đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác, bao gồm Canada, Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương, Ủy ban châu Âu, Viện trợ nhân đạo của Liên minh châu Âu, Hà Lan, Thụy Điển, Anh và Mỹ để mở rộng quy mô chăm sóc sức khỏe sinh sản sẵn có cho các nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Tuy nhiên, nhu cầu hỗ trợ tại Sudan vẫn đang tăng từng ngày trong bối cảnh bất ổn tiếp tục lan rộng. Ông Mohamed Lemine, đại diện của UNFPA tại Sudan khuyến nghị cần xem xét các tình huống khác nhau có nhu cầu hỗ trợ, nhất là trong trường hợp UNFPA không có phương tiện để cung cấp các dịch vụ liên quan do hạn chế về khả năng tiếp cận hoặc thiếu kinh phí./.

T.Lan (Theo Xinhua, UNFPA)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/nguy-co-xay-ra-khung-hoang-da-chieu-o-sudan-649486.html