Nguy cơ vùng Sừng châu Phi làm dậy sóng bờ bên kia Biển Đỏ

Khi thế giới vừa đón chào năm mới 2024 với cuộc khủng hoảng Biển Đỏ và đang tập trung vào cuộc chiến Israel - Hamas, thì vùng Sừng châu Phi lân cận lại đang dậy sóng khi Ethiopia và Somaliland ký một thỏa thuận gây tranh cãi ở Vịnh Aden.

Một thỏa thuận gây giận dữ

Văn bản chính xác của thỏa thuận được ký bởi các nhà lãnh đạo Ethiopia và Somaliland vẫn chưa được công khai. Theo BBC, có nhiều phiên bản khác nhau về những gì hai bên đã nhất trí trong Bản ghi nhớ (MoU). Và dù Bản ghi nhớ là một tuyên bố về ý định chứ không phải là một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý nhưng điều có vẻ rõ ràng là Somaliland sẵn cho Ethiopia thuê cảng biển.

Tổng thống Somaliland, Muse Bihi Abdi (bên phải) và Thủ tướng Ethiopia, Abiy Ahmed tại lễ ký kết thỏa thuận cho phép Ethiopia sử dụng cảng biển của Somaliland. Ảnh: Horn Observer

Nếu được Somaliland mở đường, Ethiopia, quốc gia đông dân nhất trong số những nước không giáp biển trên thế giới, sẽ tiếp cận các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ thông qua eo biển Bab al-Mandeb giữa Djibouti (ở vùng Sừng châu Phi) và Yemen (ở Trung Đông), đồng thời kết nối Biển Đỏ và Vịnh Aden.

Ngoài ra còn có một khía cạnh quân sự: Somaliland cho biết họ có thể cho hải quân Ethiopia thuê một phần bờ biển dài khoảng 20 km ở Biển Đỏ, một chi tiết cũng đã được Addis Ababa xác nhận. Đổi lại, Somaliland sẽ có cổ phần trong Ethiopia Airlines, hãng hàng không quốc gia đang hoạt động rất thành công của Ethiopia.

Vào ngày ký kết (1/1), Tổng thống Somaliland Muse Bihi Abdi cho biết thỏa thuận bao gồm một phần nêu rõ Ethiopia sẽ công nhận Somaliland là một quốc gia độc lập vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Tuy nhiên, Ethiopia chưa xác nhận điều này. Thay vào đó, trong nỗ lực làm rõ những gì có trong Bản ghi nhớ, Chính phủ Ethiopia vào ngày 3 tháng 1 cho biết thỏa thuận này chỉ bao gồm “các điều khoản... nhằm đánh giá sâu về việc đưa ra quan điểm liên quan đến những nỗ lực của Somaliland nhằm được công nhận”.

Những diễn ngôn có vẻ như rất thận trọng. Nhưng như vậy cũng đã đủ thắp lên mồi lửa.

Somaliland tuyên bố độc lập khỏi Somalia vào năm 1991 và có tất cả cơ sở vật chất của một quốc gia, bao gồm một hệ thống chính trị đang hoạt động, các cuộc bầu cử, lực lượng cảnh sát và đồng tiền riêng. Nhưng nền độc lập của Somaliland chưa được bất cứ quốc gia nào công nhận. Và vì thế, Somalia đã phản ứng đầy giận dữ trước những động thái của Ethiopia.

Bộ Ngoại giao Somalia gọi thỏa thuận giữa Ethiopia và Somaliland là sự vi phạm chủ quyền nghiêm trọng với Somalia. Bộ này nhấn mạnh rằng “không có không gian cho hòa giải trừ khi Ethiopia rút lại thỏa thuận bất hợp pháp” với Somaliland, đồng thời tái khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chính phủ Somalia đã yêu cầu cả Liên minh châu Phi (AU) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập các cuộc họp về vấn đề này, đồng thời triệu hồi đại sứ của mình tại Ethiopia để tham vấn khẩn cấp. Phát biểu tại Quốc hội Somalia, Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud tuyên bố đầy cứng rắn: “Somalia thuộc về người Somali. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của mình và không tha thứ cho những nỗ lực từ bỏ bất kỳ phần nào của Tổ quốc”.

Nguy cơ gây bất ổn thêm cho Sừng châu Phi và Biển Đỏ

Thỏa thuận giữa Ethiopia và Somaliland lập tức hứng chịu sự chỉ trích từ các nước láng giềng khác, như Djibouti - nước vẫn đang hưởng lợi từ việc cho Ethiopia thuê cảng và Eritrea, Ai Cập - những quốc gia lo ngại về sự hiện diện trở lại của hải quân Ethiopia ở vùng biển chiến lược: Biển Đỏ và Vịnh Aden.

Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi chỉ trích mạnh mẽ động thái của Ethiopia và cho biết Cairo luôn sát cánh với Somalia. “Ai Cập sẽ không cho phép bất kỳ ai đe dọa Somalia hoặc ảnh hưởng đến an ninh của nước này. Đừng thử thách Ai Cập hoặc cố gắng đe dọa những người anh em của chúng tôi, đặc biệt nếu họ yêu cầu chúng tôi can thiệp”, ông El-Sissi nói khi đón tiếp Tổng thống Somalia, Hassan Sheikh Mohamud tới thăm Cairo cuối tuần qua.

Bản đồ Vùng Sừng châu Phi nằm đối diện Yemen phía bờ bên kia Biển Đỏ, với Ethiopia là quốc gia duy nhất không giáp biển. Ảnh: GI

Mối quan hệ giữa Ai Cập và Ethiopia vốn gặp rắc rối trong hơn một thập kỷ qua do việc xây dựng và vận hành Đập lớn Phục hưng Ethiopia, một siêu dự án cơ sở hạ tầng mà Ethiopia đã xây dựng trên sông Nile Xanh, thượng nguồn của Ai Cập.

Các cuộc đàm phán giữa hai bên, cùng với nước láng giềng Sudan, cho đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và Cairo tiếp tục lên tiếng lo ngại về an ninh nguồn nước. Do đó, việc Ethiopia đạt thỏa thuận thuê cảng của Somaliland càng làm mâu thuẫn thêm sâu sắc.

Liên minh châu Phi (AU) cũng bày tỏ sự quan ngại về thỏa thuận giữa Ethiopia và Somaliland. Hội đồng An ninh và Hòa bình (PSC) của tổ chức này hôm thứ Tư (17/1) đã ra thông cáo báo chí cho biết: “Hội đồng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng căng thẳng đang diễn ra… và tác động bất lợi tiềm tàng của nó đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực”, đồng thời kêu gọi Ethiopia và Somalia “kiềm chế, giảm căng thẳng và tham gia đối thoại có ý nghĩa nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề”.

Theo các nhà quan sát, thỏa thuận của Ethiopia có thể xem như một mồi lửa nguy hiểm đối với Vùng Sừng châu Phi, khu vực vốn đã là điểm nóng hàng đầu thế giới về bất ổn chính trị. Sự việc cũng có thể sẽ góp phần khiến khu vực Trung Đông và Biển Đỏ tiếp tục dậy sóng, sau khi đã quá biến động bởi cuộc chiến ở Gaza và các cuộc tấn công giữa Mỹ và Houthi.

Suốt nhiều thập kỷ qua, vùng đất rộng 2 triệu km2 này chưa chưa khi nào yên bình. Từ chiến tranh Ethiopia-Somalia những năm 1977-78 và năm 2006 tới cuộc nội chiến ở Somalia dẫn tới việc Somaliland ly khai năm 1991, rồi nội chiến tại Sudan và chiến tranh Eritrea–Ethiopia dẫn tới việc Eritrea tách khỏi Ethiopia…, những cuộc xung đột đẫm máu đã khiến Vùng Sừng châu Phi điêu đứng.

Kinh tế không phát triển, thiên tai thường xuyên ghé thăm và nạn đói luôn thường trực, khu vực này trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tổ chức khủng bố, những phong trào Hồi giáo cực đoan ăn sâu bén rễ. Điều này có thể thấy rõ ngay tại Somalia, khi suốt 2 thập kỷ qua, nước này đã bị tàn phá bởi Al-Shabaab, một chi nhánh của Al-Qaida được hình thành tại Somalia sau sự kiện Ethiopia tấn công Somalia năm 2006.

Bây giờ, những mâu thuẫn vừa bùng lên giữa Ethiopia và Somalia nếu trở thành một cuộc chiến, tình cảnh của Vùng Sừng châu Phi càng thêm thê thảm, đồng thời khiến những nỗ lực chống khủng bố của các cường quốc tại khu vực này gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tuần trước, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, John Kirby, cũng bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng gia tăng giữa Somalia và Ethiopia, có thể làm suy yếu những nỗ lực rộng lớn hơn trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố đang hoạt động mạnh tại Somalia.

Vì sao Ethiopia mạo hiểm theo đuổi thỏa thuận?

Sau khi Eritrea ly khai khỏi Ethiopia vào năm 1993 và trở thành một quốc gia độc lập, Ethiopia hoàn toàn bị “cách ly” đại dương. Không có đường ra biển, Ethiopia đã phải sử dụng cảng ở nước láng giềng Djibouti để vận chuyển khoảng 95% hàng hóa xuất nhập khẩu của nước này.

Khoản phí 1,5 tỷ USD mỗi năm mà Ethiopia chi để sử dụng các cảng của Djibouti là số tiền khổng lồ đối với một quốc gia đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ lớn. Việc mở đường ra Biển Đỏ, vì thế, được nhiều người Ethiopia coi là một vấn đề mang tính sống còn đối với sự phát triển cũng như an ninh của đất nước.

Cảng Berbera của Somaliland từng suýt được Ethiopia mua lại 19% cổ phần vào năm 2018 - Ảnh: AFP

Trong nhiều năm, Chính phủ Ethiopia đã tìm cách đa dạng hóa khả năng tiếp cận cảng biển, bao gồm cả các lựa chọn thăm dò ở Sudan và Kenya. Năm 2017, Ethiopia đã mua cổ phần cảng Berbera tại Somaliland như một phần của thỏa thuận liên quan đến tập đoàn logistic hàng đầu UAE là DP World để mở rộng cảng này. Vào thời điểm đó, Somalia cũng phản đối mạnh mẽ, dẫn tới việc Ethiopia phải rút lại các cam kết và cuối cùng mất cổ phần vào năm 2022.

Nhưng trong những tháng gần đây, Thủ tướng Ethiopia, Abiy Ahmed trở nên quyết đoán hơn về tham vọng của đất nước ông trong việc mua lại một cảng dọc bờ biển Đông Phi. Phát biểu trên truyền hình nhà nước vào tháng 10, ông Abiy Ahmed từng nhấn mạnh rằng, chính quyền của ông cần tìm cách đưa 126 triệu người ra khỏi “nhà tù địa lý” của họ.

Theo các chuyên gia, sự quyết đoán ấy được thúc đẩy bởi khó khăn kinh tế của Ethiopia đang lên đến mức đỉnh điểm. Ngay trước thềm năm mới 2024, cơ quan xếp hạng Fitch có trụ sở tại Mỹ đã xếp Ethiopia vào tình trạng “vỡ nợ hạn chế” sau khi chính quyền ở Addis Ababa không thanh toán khoản trả góp mua trái phiếu Eurobond. Ethiopia cũng đang trong quá trình đàm phán về gói viện trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm vực dậy nền kinh tế ốm yếu của mình.

Những tai ương kinh tế của Ethiopia một phần xuất phát từ cuộc chiến kéo dài hai năm (từ 2020-2022) ở tỉnh Tigray phía bắc của nước này, nơi lực lượng nổi dậy TPLF đã chiến đấu chống lại quân đội chính quyền trong một cuộc xung đột khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời khỏi nơi ở.

Một năm sau khi chiến tranh kết thúc, rất nhiều thứ đã bị phá hủy, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nạn đói đe dọa ở Tigray và vùng lân cận Amhara. Chính quyền tại Addis Ababa ước tính chi phí tái thiết các vùng đất này lên tới 20 tỷ USD, khoản tiền quá sức đối với họ.

Việc mở một tuyến đường mới ra Biển Đỏ, do đó không chỉ giúp Ethiopia tìm được lối thoát về thương mại, mà còn có thể chuyển bớt áp lực trong nước ra bên ngoài. Nhưng cái giá phải trả cho quyết định mạo hiểm này có thể vẫn còn ở phía trước, và có lẽ cũng không nằm trong tầm kiểm soát của các nhà hoạch định tại Addis Ababa.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguy-co-vung-sung-chau-phi-lam-day-song-bo-ben-kia-bien-do-post282020.html