Nguy cơ tử vong do sốc sốt xuất huyết

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 4 trường hợp tử vong do sốc sốt xuất huyết ở Hà Nội chủ yếu đến viện muộn, có biểu hiện cảnh báo nặng như sốc, suy giảm thể tích máu cô đặc, suy đa phủ tạng.

Không thể chủ quan

Chiều 20/9, có mặt tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm bệnh nhân đến khám sốt xuất huyết, trong đó 20-30 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện.

Sống trong ổ dịch sốt xuất huyết ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (Hà Nội), 5 ngày trước, anh Đ.V.B (43 tuổi, làm nghề tự do) lên cơn sốt đột ngột. Sốt cao 39 độ, đau đầu dữ dội, mệt mỏi, anh B. được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc) khám, sau đó được tư vấn về nhà theo dõi, 2 ngày sau khám lại.

Nam bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm khi đến viện kip thời. (Ảnh: Trần Hằng)

Hai ngày sau, cơn sốt đỡ, anh B. không đi tám khám và không làm xét nghiệm tiểu cầu. Ai ngờ, đến ngày thứ 3, cơn sốt trở lại và sốt cao tới 40 độ, kèm theo tức ngực, bứt rứt, kiệt sức, chảy máu chân răng.

Anh B. vào nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh với chỉ số cảnh báo sốt xuất huyết Dengue nặng, anh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Tại đây, bệnh viện không còn tiểu cầu để truyền, anh tiếp tục được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

“Bệnh nhân vào viện trong giai đoạn nguy hiểm, sốt cao, tiểu cầu tụt thấp xuống dưới 5g/l, xuất huyết nhiều nơi, đi ngoài phân đen, xuất huyết tiêu hóa… Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ cấp cứu, truyền tiểu cầu. Do điều trị theo dõi kịp thời, đến hôm nay, sau 3 ngày, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”, PGS Cường cho biết.

Nhiều bệnh nhân phải truyền tiểu cầu.

Chăm em trai ở bệnh viện, chị gái anh B. cho biết, hiện con gái anh cũng đang sốt, nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên.

Chia sẻ về ca bệnh này, PGS Cường đánh giá: “May mắn bệnh nhân đến viện kịp thời, vì bệnh nhân đã xuất huyết tiêu hóa và đi ngoài phân đen, mất máu. Nếu tới muộn, bệnh nhân có thể bị giảm thể tích tiểu cầu, thoát dịch dẫn tới cô đặc máu đi vào sốc, nguy cơ rối loạn đông máu, suy đa tạng, tử vong rất cao”.

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cũng cho biết, sốc của sốt xuất huyết Dengue sẽ khó điều trị hơn giảm tiểu cầu.

Sốc sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?

PGS Cường đặc biệt nhấn mạnh, có 2 cơ chế trong sốt xuất huyết. Một là giảm tiểu cầu chảy máu. Nhưng cơ chế thứ 2 ít người biết và khó phát hiện đó chính là tình trạng thoát huyết tương ra khỏi lồng ngực dẫn đến hiện tượng cô đặc máu, tụt huyết áp đi vào sốc. Cơ chế thứ hai nguy hiểm và khó điều trị hơn rất nhiều.

“Hai cơ chế này không đi đôi với nhau. Có một số trường hợp sốc nhưng chưa hạ tiểu cầu mà chỉ chăm chăm thấy tiểu cầu hạ và lo lắng chảy máu. Nhưng cơ thể thoát huyết tương gây sốc khó chữa, khó theo dõi và điều trị khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế nhiều người không thấy xuất huyết nhưng rất có thể lúc này cơ thể bị cô đặc máu. Trường hợp này, người bệnh sẽ được chỉ định dùng dung dịch cao phân tử hoặc truyền dịch chống sốc rất khó khăn, tỷ lệ tử vong cao”, PGS Cường cảnh báo.

Chia sẻ thêm về nguy hiểm của sốc sốt xuất huyết, ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8 cho biết: Với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, sốc là biến chứng rất nguy hiểm, dù không có bệnh nền điều trị cũng rất khó khăn, phức tạp, nguy cơ tử vong cao, nhiều bệnh nhân đã không qua khỏi. Người bị sốt xuất huyết nặng thường từ ngày thứ 3 trở đi, có thể diễn biến nặng hoặc sốc rất nhanh, thậm chí nguy kịch do sốc, xuất huyết nhiều nơi, suy đa tạng, có thể tử vong nếu không được cấp cứu điều trị tích cực, kịp thời, đúng phác đồ.

Theo các bác sĩ, các trường hợp vào viện nặng, tử vong do sốt xuất huyết thời gian qua chủ yếu rơi vào cơ chế sốc.

PGS.TS Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. (Ảnh: Trần Hằng)

Ngoài 3 ca tử vong do sốt xuất huyết ở Hà Nội, mới đây ghi nhận thêm 1 ca tử vong là bệnh nhân nam H.X.T, 30 tuổi (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).

Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai về Bệnh viện 19-8 vào ngày 12/9. Trước đó, ngày 6/9 nam thanh niên xuất hiện sốt cao, rét run, đau đầu, đau mỏi người, tự mua thuốc giảm sốt về uống nhưng không đỡ. Ngày 9/9, nam thanh niên được đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, rối loạn điện giải, được truyền dịch, bù điện giải nhưng bệnh đỡ ít và còn mệt nhiều.

Ngày 10/9, anh này được chuyển đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở tăng dần, chảy máu mũi, đi ngoài phân đen và được chẩn đoán: sốt xuất huyết Dengue nặng, xuất huyết tiêu hóa. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hóa, suy đa tạng được đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu.

Sau 1 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, toan chuyển hóa nặng, sốc tụt huyết áp, bác sĩ giải thích tình trạng cho gia đình. Theo nguyện vọng của gia đình, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân về Khoa Điều trị tích cực và Chống độc - Bệnh viện 19-8 điều trị trị tiếp.

Ngay khi mới vào Khoa Điều trị tích cực và Chống độc - Bệnh viện 19-8, bệnh nhân đã bị ngừng tim, sau khi được cấp cứu ngừng tim ngay lập tức bệnh nhân được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, song do quá nặng, bệnh nhân tử vong ngay trong đêm 12/9 do sốc sốt huyết nặng, xuất huyết đa cơ quan, suy đa tạng.

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh. Vì thế, người dân cần phải chú ý theo dõi sức khỏe khi có sốt, làm xét nghiệm hằng ngày xem chỉ số công thức máu.

Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận ca bệnh nặng lên do đến muộn, suy đa tạng hoặc sốc do giảm thể tích, sốc do mất máu, sốc do truyền tiểu cầu.

PGS Cường lưu ý người dân không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt. Việc truyền dịch cần được thực hiện tại cơ sở y tế vì nếu chỉ số hemoglobin giảm, người bệnh cần được truyền dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch chứ không truyền dung dịch thường vì sẽ sốc hoặc bệnh nặng thêm do truyền dịch.

“Giai đoạn nào truyền dung dịch cao phân tử, giai đoạn nào truyền tiểu cầu, máu phải hết sức lưu ý. Nhân viên y tế phải cập nhật, điều trị sốt xuất huyết tại cơ sở chuyên khoa theo đúng hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế”, PGS Cường khuyến cáo.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/-nguy-co-tu-vong-do-soc-sot-xuat-huyet--i707921/