Nguy cơ mất nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ở Tân Kỳ

Xã Nghĩa Đồng là địa phương duy nhất trên địa bàn huyện Tân Kỳ có nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề truyền thống này hiện không còn nhiều hộ dân bám trụ, nguy cơ mất nghề hiện hữu.

Về xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ những ngày tháng 5, đi trên các con đường làng không còn thấy xuất hiện các cánh đồng dâu trải dài, xanh mướt như trước. Thay vào đó là những hàng mía, ngô phủ kín đang trong kỳ sinh trưởng.

 Diện tích dâu tại xã Nghĩa Đồng đã giảm hơn 50%. Ảnh: Quang An

Diện tích dâu tại xã Nghĩa Đồng đã giảm hơn 50%. Ảnh: Quang An

Gia đình ông Đào Xuân Nam, xóm 3 là một trong những hộ có thâm niên làm nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương. Mặc dù vậy, ông Nam đã nghỉ nghề này hơn 2 năm nay. Trong nhà, những nong nuôi tằm không còn được sử dụng, dựng tạm một góc sân.

Ông Nam chia sẻ: Chúng tôi làm nghề cũng gần 20 năm, đây là công việc chính cho thu nhập trong suốt thời gian đó. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc trồng dâu nuôi tằm gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là giá cả và đầu ra sản phẩm không còn như trước. Cộng thêm sức khỏe của vợ chồng ngày càng yếu, không thể thức khuya dậy sớm, chăm sóc tằm đều đặn, con cái cũng đi làm ăn xa không theo nghề, nên gia đình buộc phải từ bỏ công việc này dù rất tiếc nuối.

 Cánh đồng dâu của nhà ông Nam đã thay thế hoàn toàn bằng ngô, mía. Ảnh: Quang An

Cánh đồng dâu của nhà ông Nam đã thay thế hoàn toàn bằng ngô, mía. Ảnh: Quang An

Nói rồi, ông Nam chỉ vào cánh đồng ngô trước nhà và chia sẻ: Trước đây, gia đình có 6 sào dâu, giờ thay thế hoàn toàn bằng ngô và sắn rồi. Thu nhập có thể không bằng nhưng được cái công chăm sóc đỡ vất vả hơn, sức khỏe đảm bảo.

Gia đình ông Nam là một trong hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Đồng từ bỏ nghề trồng dâu nuôi tằm trong những năm qua. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là đầu ra không ổn định và giá cả sụt giảm. Trước đây, có thời điểm giá kén dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, tuy nhiên giai đoạn Covid – 19 đã giảm mạnh, chỉ còn từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, nhiều hộ dân không thể bám trụ vì công chăm sóc lớn, buộc phải nghỉ nghề, sau khi dịch qua đi, hầu hết đều đã chuyển sang trồng cây mới hoặc tập trung cho chăn nuôi.

 Các vật dụng làm nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đã bị xếp vào góc, không còn được sử dụng. Ảnh: Quang An

Các vật dụng làm nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đã bị xếp vào góc, không còn được sử dụng. Ảnh: Quang An

Gia đình bà Mai Thị Lý là một trong số ít những hộ dân còn trụ lại với nghề trên địa bàn xã Nghĩa Đồng. Bà Lý cho biết đã gắn bó với nghề truyền thống này từ những ngày còn nhỏ, nên không muốn nghề cha ông bị mai một, do đó vẫn cố gắng giữ nghề, hiện bà vẫn còn duy trì 5 sào dâu để nuôi tằm.

Theo bà Lý thì ngoài nguyên nhân về giá cả, đầu ra sản phẩm thì có một nguyên nhân nữa khiến việc trồng dâu nuôi tằm gặp bất lợi tại địa phương đó là lá dâu không đảm bảo chất lượng.

 Thức ăn của tằm duy nhất chỉ có lá dâu và phải đảm bảo sạch. Ảnh: Quang An

Thức ăn của tằm duy nhất chỉ có lá dâu và phải đảm bảo sạch. Ảnh: Quang An

Cụ thể, theo chia sẻ của bà Lý, sau khi các hộ dân từ bỏ nghề, các cánh đồng dâu thay thế bằng những cây trồng khác như mía, ngô, sắn… Những năm trở lại đây, diện tích cây trồng thay thế này xuất hiện các loại dịch bệnh nên người dân buộc phải sử dụng các loại thuốc để phun trừ. Việc này đã làm cho thuốc theo gió bay qua các cánh đồng dâu. Dẫn đến việc sau khi hái lá dâu về cho tằm ăn thì xuất hiện tình trạng tằm chết hàng loạt.

“Lá dâu là thức ăn duy nhất của con tằm, không có nguồn thức ăn khác bổ sung. Lá dâu nuôi tằm cần nhiều dinh dưỡng, lá xanh đậm, nhiều nhựa, hái lá đúng tuổi và tuyệt đối phải sạch. Năm 2023, lá dâu nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, gia đình không biết nên vẫn hái về cho tằm ăn, chỉ vài hôm tằm đã bị nhiễm bệnh và chết nhiều, không thể đan kén, cả vụ coi như mất trắng…”, bà Lý chia sẻ.

Mong muốn của bà Lý cũng như các hộ dân còn lại vẫn đang bám trụ với nghề là địa phương sẽ quy hoạch một khu vực trồng dâu riêng biệt, có lớp đất cát phù hợp, cách xa một khoảng cách nhất định với các cây trồng khác để bà con yên tâm trồng dâu, duy trì nghề truyền thống này.

 Người làm nghề trồng dâu nuôi tằm hiện chỉ có các bậc trung niên, còn lớp trẻ không gắn bó với nghề nên việc duy trì gặp khó khăn. Ảnh: Quang An

Người làm nghề trồng dâu nuôi tằm hiện chỉ có các bậc trung niên, còn lớp trẻ không gắn bó với nghề nên việc duy trì gặp khó khăn. Ảnh: Quang An

Qua trao đổi, chính quyền xã Nghĩa Đồng cho biết: Địa phương rất tự hào vì là nơi duy nhất có nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện. Chất lượng tơ tằm tại Nghĩa Đồng đã được khẳng định trên thị trường nhiều năm.

Mặc dù vậy, đến nay, nghề truyền thống này đang dần mai một. Nếu như giai đoạn trước năm 2020, toàn xã có khoảng 100 hộ làm nghề thì theo thống kê mới nhất trong năm 2024 chỉ còn 19 hộ, diện tích trồng dâu cũng từ hơn 20ha nay cũng đã giảm hơn 50%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là giá cả thị trường biến động, thu nhập người làm nghề suy giảm, bên cạnh đó, lực lượng trẻ tại địa phương đa phần đã đi xuất khẩu lao động, làm ăn xa nên việc duy trì nghề gặp nhiều khó khăn.

Đối với vấn đề người dân quan tâm về khu vực trồng cây dâu riêng biệt, hạn chế tối đa ảnh hưởng của sâu bệnh cũng như các loại thuốc. Địa phương sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phù hợp trong thời gian tới để nghề truyền thống này không bị mất dần theo thời gian./.

Quang An

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguy-co-mat-nghe-truyen-thong-trong-dau-nuoi-tam-o-tan-ky-post289203.html