Nguy cơ Mali lún sâu vào khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng ở Mali tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Chính phủ của Đại tá Assimi Goita (A.Gôi-ta), người lên nắm quyền tại Mali sau hai cuộc đảo chính vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021, đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp 5 năm. Việc chính quyền quân sự ở Mali kéo dài quá trình chuyển sang chính quyền dân sự đã buộc các nhà lãnh đạo thuộc Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) thông qua một loạt biện pháp trừng phạt Mali.

Xe quân sự của Liên hợp quốc trên đường phố Mali. Ảnh Middle-east-online.com

Xe quân sự của Liên hợp quốc trên đường phố Mali. Ảnh Middle-east-online.com

Chính phủ lâm thời của Mali được thành lập sau các cuộc đảo chính vào năm 2020 và 2021, đề xuất kế hoạch trì hoãn các cuộc bầu cử lên đến 4 năm, với lý do tình trạng mất an ninh thường xuyên khiến việc tổ chức bầu cử một cách an toàn là bất khả thi. Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về Mali, ông Ghassim Wane (G.Oan-nơ), lên tiếng cảnh báo, 10 năm sau khi giao tranh bùng phát ở Mali, hy vọng về giải pháp cho cuộc xung đột ở quốc gia này đã không thành hiện thực. Mali rơi vào bất ổn nghiêm trọng, tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi. Ước tính, hơn 1,8 triệu người ở Mali cần hỗ trợ lương thực trong năm 2022, tăng mạnh so 1,3 triệu người trong năm 2021. Đây là tình trạng mất an ninh lương thực tồi tệ nhất ở quốc gia Tây Phi này kể từ năm 2014.

ECOWAS và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) đã thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao đối với Mali, trong đó có việc đóng cửa biên giới trên không và trên bộ, cũng như áp đặt lệnh cấm thực hiện các giao dịch tài chính và thương mại đối với quốc gia này. Tổng thống chuyển tiếp của Mali Assimi Goita tuyên bố, Chính phủ Mali đã thông qua kế hoạch ứng phó các biện pháp trừng phạt. Đó là “một kế hoạch toàn diện, cố gắng tính đến những ưu tiên và mối quan tâm của người dân về việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu”. Kế hoạch này còn bao gồm một số nội dung nhằm giải quyết các vấn đề ngoại giao, địa chính trị, kinh tế, tài chính, cũng như các vấn đề xã hội. Tổng thống Goita khẳng định, Chính phủ Mali không mong muốn đối đầu với ECOWAS và UEMOA, mà mong muốn của Bamako là các biện pháp trừng phạt càng ngắn gọn càng tốt, vì lợi ích của người dân Mali, cũng như lợi ích của các quốc gia thành viên ECOWAS và UEMOA.

LHQ cho rằng, tình hình Mali sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu không có sự tham gia của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả việc triển khai Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ (MINUSMA) từ năm 2013. Mới đây, Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cử biệt đội gồm khoảng 100 binh sĩ đến Mali để tham gia vào Lực lượng đặc nhiệm Takuba của châu Âu chống thánh chiến ở khu vực Sahel châu Phi. Lực lượng Takuba đồng hành cùng các binh sĩ Mali trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến, được thành lập hồi tháng 3/2020 nhằm kế nhiệm một phần cho lực lượng quân sự chống thánh chiến Barkhane của Pháp. Ngoài Pháp là quốc gia dẫn đầu, lực lượng này còn bao gồm các binh sĩ của Hà Lan, Estonia, Thụy Điển, Bỉ, CH Séc, Na Uy, Bồ Đào Nha, Italia và Hungary. Mục tiêu của lực lượng này là giúp ổn định Mali và một số khu vực ở vùng biên giới Liptako-Gourma giữa Mali, Niger và Burkina Faso cũng như bảo vệ dân thường chống các nhóm khủng bố. Nhóm binh sĩ Đan Mạch được cử tới khu vực lần này gồm hầu hết là những binh sĩ tinh nhuệ và các bác sĩ phẫu thuật quân sự, đóng quân ở thị trấn Ménaka, phía đông Mali.

Trước diễn biến tình hình tại Mali, cộng đồng quốc tế cảnh báo những hậu quả tiềm ẩn về chính trị, an ninh và kinh tế trong quá trình chuyển tiếp kéo dài; đồng thời kêu gọi tránh gia tăng căng thẳng trong khu vực và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Chính phủ lâm thời tại Mali cần tổ chức đối thoại trên tinh thần xây dựng và thiết thực với ECOWAS nhằm đạt được một kế hoạch chấm dứt khủng hoảng, có tính đến các yêu cầu quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân Mali.

HÀ LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/nguy-co-mali-lun-sau-vao-khung-hoang-684725/