Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm cao vào cuối năm

UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm (CGC) vào các tháng cuối năm 2022.

Các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đối với các địa bàn giáp ranh, kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia cầm; tuyên truyền vận động người kinh doanh, buôn bán sản phẩm gia cầm đã qua kiểm dịch đúng quy định...

Khi xảy ra ổ dịch CGC, cần tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tổ chức tiêm vaccine bao vây ổ dịch CGC. Phối hợp ngành thú y lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC, xác định nguyên nhân gây bệnh, kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh…

Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh CGC A/H5N1 đã xảy ra tại xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom và xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ với 4,4 ngàn con vịt bị tiêu hủy. Kết quả giám sát tại chợ đã phát hiện lưu hành virus CGC subtype H5N1 và subtype H7 trên gia cầm.

Tính đến cuối tháng 7, cả nước đã xảy ra 25 ổ dịch CGC tại 25 xã thuộc 22 huyện của 15 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 64 ngàn con gia cầm.

Trên thế giới, hàng trăm ổ dịch CGC trên gia cầm và chim hoang dã xảy ra tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ tập trung chủ yếu ở châu Âu, rải rác trên các khu vực châu Á, Bắc Mỹ và châu Phi. Mầm bệnh của đợt dịch này chủ yếu do các chủng virus độc lực cao như H5N1 và H5N8 gây ra.

Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh CGC xảy ra và lây lan trên phạm vi rộng là rất cao, có nguy cơ lây nhiễm sang người. Riêng trên địa bàn tỉnh, nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus CGC thể độc lực cao thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, thông qua chim di cư.

Lê Quyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202210/nguy-co-lay-lan-dich-cum-gia-cam-cao-vao-cuoi-nam-3138122/