Nguy cơ gia tăng lao động trẻ em do COVID-19

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 2020 có 160 triệu lao động trẻ em (LĐTE) thông thường và 79 triệu trẻ em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổ chức này cảnh báo số LĐTE trên toàn thế giới sẽ tăng lên 168,9 triệu vào năm 2022. Ở Việt Nam, kết quả khảo sát quốc gia về LĐTE năm 2018 cho thấy LĐTE từ 5-17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm 5,4% tổng dân số (giảm hơn 4% so với năm 2012), thấp hơn so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu năm 2016 tương ứng là 9,6% và 10,6%.

Riêng tại Phú Yên, qua hơn 5 năm triển khai kế hoạch về phòng ngừa giảm thiểu LĐTE, số trẻ em có nguy cơ lao động sớm tính đến năm 2020 là 248 em. Theo ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH), đạt được kết quả trên là nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động sớm. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc sử dụng LĐTE tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng LĐTE trái quy định pháp luật.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, để hỗ trợ trẻ em và tránh tình trạng trẻ em lao động sớm, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp LĐTE và trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE ở các địa phương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Hỗ trợ LĐTE, trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE và gia đình tiếp cận chính sách, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì công tác phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động; tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật về sử dụng LĐTE. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị bóc lột sức lao động.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) Đặng Hoa Nam, Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE có ba mục tiêu cốt lõi: Ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp LĐTE trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE; nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE.

Bộ LĐ-TB-XH vừa triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương này theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/268644/nguy-co-gia-tang-lao-dong-tre-em-do-covid-19.html