Nguy cơ đóng cửa nhiều tuyến xe buýt vì các hợp tác xã thua lỗ

Liên tục từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải tại TP Hồ Chí Minh kiến nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cho trả một số tuyến xe buýt vì sản lượng hành khách giảm mạnh chưa từng có, ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu và thu nhập của các xã viên hợp tác xã (HTX).

Liên tục từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải tại TP Hồ Chí Minh kiến nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cho trả một số tuyến xe buýt vì sản lượng hành khách giảm mạnh chưa từng có, ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu và thu nhập của các xã viên hợp tác xã (HTX).

Hành khách liên tục giảm, HTX lâm nợ

Trong văn bản gửi Sở GTVT và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (GTCC) thành phố mới đây, HTX Vận tải 19-5 đề nghị thành phố cho đơn vị ngưng hoạt động tuyến xe buýt 41 (chạy tuyến Bến xe An Sương - Bến xe Miền Đông) từ ngày 1-3. Đây là tuyến xe buýt được nhiều hành khách sử dụng vì có lộ trình đi qua các khu vực trọng điểm của thành phố. Theo Giám đốc HTX Vận tải 19-5 Nguyễn Văn Triệu, lý do HTX xin đóng tuyến 41 vì qua nhiều năm hoạt động, lượng hành khách sử dụng xe buýt liên tục giảm, đến cuối năm 2019 hệ số sử dụng trọng tải chỉ đạt 0,54 trên mỗi chuyến xe, nghĩa là trung bình một chuyến xe chỉ dưới 20 hành khách sử dụng (đạt 50% so với hệ số sử dụng xe là 40 hành khách). Từ số lượng hành khách quá thấp đã dẫn đến doanh thu của HTX giảm mạnh, không đủ chi phí trang trải về mọi mặt như chi phí nhiên liệu, lương trả cho tiếp viên, kinh phí tu bổ sửa chữa xe... Ghi nhận thực tế hoạt động của tuyến xe buýt này vào sáng 28-2 cho thấy, mặc dù trong khung giờ cao điểm 8 giờ sáng, nhưng chuyến xe xuất phát từ Bến xe An Sương chỉ có vài hành khách, xe chạy đến các trạm trong hành trình cũng chỉ có thêm một số hành khách lên xe. Chị Nguyễn Thị Nhanh, tiếp viên của chuyến xe cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến giờ, gần như ngày nào cũng thưa khách, có hôm chỉ tầm 10 hành khách cho cả hành trình, trong khi trước đây, số hành khách ngồi trên xe cũng trên dưới 30 người. “Tình hình này kéo dài đã hai năm nay nên Ban điều hành HTX, các xã viên không thể tiếp tục cầm cự nữa, chưa kể phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng để đầu tư mua sắm xe buýt mới”, ông Triệu lo lắng nói.

Ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX xe buýt TP Hồ Chí Minh cũng đang đứng ngồi không yên vì nhiều tuyến xe buýt do HTX khai thác sụt giảm quá nhiều số lượng hành khách sử dụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động chung của HTX. Ông Hải chia sẻ: Trong nhiều tháng qua, tuyến xe buýt số 56 (Bến xe Chợ Lớn - Trường đại học Giao thông vận tải) và tuyến xe buýt số 14 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây) lượng khách tụt giảm mạnh, nên mỗi xe nợ lên đến 300 triệu đồng. Nếu tính tổng số 60 xe cho cả hai tuyến thì số tiền nợ hàng chục tỷ đồng, cho nên Ban điều hành và các xã viên gần như đuối sức, nhất là khả năng bị ngân hàng siết nợ rất cao do HTX đi vay để đầu tư mua sắm xe mới. Theo ông Hải, nếu vướng mắc này còn kéo dài thì Liên hiệp HTX xe buýt TP Hồ Chí Minh sẽ đề xuất Sở GTVT xem xét cho đóng hai tuyến này trong tháng 3. Trước đó, cũng do lâm vào tình trạng xe buýt quá vắng khách, thu không đủ bù chi nên HTX Vận tải thành phố đã xin Sở GTVT cho ngưng hoạt động tuyến xe buýt số 54 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Chợ Lớn) từ ngày 17-1. Đây là tuyến xe buýt thu hút khá nhiều hành khách đi lại nhưng trước đề nghị của đơn vị vận tải, Sở GTVT đã chấp thuận nhằm giải quyết và tháo gỡ khó khăn trước mắt về tài chính cho đơn vị.

Nên xem lại trợ giá xe buýt

Cùng với sản lượng hành khách đi xe buýt giảm mạnh khiến các HTX vận tải đối mặt với nhiều khó khăn thì nguyên nhân khiến hoạt động xe buýt lâm cảnh bế tắc còn do cơ chế, chính sách tính toán và chi trả tiền trợ giá của thành phố chưa hợp lý. Ông Phùng Đăng Hải phân tích, tình hình trợ giá cho xe buýt từ năm 2017 đến hết năm 2019 không còn thỏa đáng vì kinh phí trợ giá không đủ chi phí tối thiểu cho xe buýt hoạt động. Đơn cử, kinh phí trợ giá cho tuyến 14 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây) do đơn vị khai thác trong tám tháng của năm 2019 là 80.492 đồng/chuyến (kể cả chi phí chênh lệch nhiên liệu) và từ tháng 9 đến tháng 12-2019 giảm xuống còn 58.190 đồng/chuyến (kể cả chi phí chênh lệch nhiên liệu). Trong khi đó, mức khoán doanh thu 18% theo kỳ vọng của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng áp cho các đơn vị vận tải là quá cao mà thực tế sản lượng hành khách lại giảm sẽ kéo theo doanh thu giảm và các HTX sẽ “hụt hơi” chạy theo mức khoán doanh thu. Theo lãnh đạo các HTX vận tải, nếu thành phố không kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của xe buýt nói chung, trước mắt là việc phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách không được đáp ứng. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cho biết: Hiện trung tâm đã nhận được phản ánh của các HTX về việc xin ngưng chạy một số tuyến xe buýt cũng như cách tính và chi trả tiền trợ giá chưa phù hợp nên trung tâm sẽ làm việc với Sở GTVT và Sở Tài chính để có hướng khắc phục tháo gỡ.

Thống kê của Sở GTVT mới đây cho thấy, số lượng hành khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng xe buýt năm 2019 là 159 triệu lượt hành khách, giảm mạnh so với năm 2018 là 194 triệu lượt và 2017 là 229 triệu lượt. Do đó, ngành GTVT thành phố cần nhanh chóng đề ra các giải pháp kịp thời để duy trì và phát triển số lượng hành khách sử dụng xe buýt đang giảm mạnh, trong đó cần tính đúng, tính đủ và sử dụng nguồn kinh phí trợ giá từ ngân sách sao cho hiệu quả, nhằm đạt chỉ tiêu thành phố đề ra đến năm 2020, vận tải công cộng sẽ chiếm từ 15 đến 20% nhu cầu đi lại của người dân (hiện nay mới đạt 10%).

VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43460902-nguy-co-dong-cua-nhieu-tuyen-xe-buyt-vi-cac-hop-tac-xa-thua-lo.html