Nguy cơ đằng sau cuộc đua trồng cây bù đắp khí thải carbon tại Anh

Đất đai nông nghiệp ở Anh có nguy cơ bị các tập đoàn lớn thâu tóm để trồng cây dưới danh nghĩa chống biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn Anh Mark Spencer cảnh báo.

Chính phủ Anh lo ngại đất đai nông nghiệp ở Anh có nguy cơ bị các tập đoàn lớn thâu tóm để trồng cây nhằm bù đắp khí thải carbon. Ảnh: struttandparker.com

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Mark Spencer nói rằng chính phủ phải cẩn trọng, không để quá nhiều đất nông nghiệp được chuyển sang trồng cây và các chương trình bù đắp khí thải carbon khác nhằm mục đích “tẩy rửa xanh” của doanh nghiệp.

Thuật ngữ “tẩy rửa xanh (greenwashing) ám chỉ đến việc các công ty đưa ra tuyên bố không có cơ sở để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của họ là thân thiện với môi trường hoặc có tác động môi trường tích cực hơn so với thực tế.

“Chúng ta cần cảnh giác với mục đích sử dụng đất và chúng ta không thể cho phép kiểu tẩy rửa xanh đó. Nếu chúng ta không cẩn thận, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn dầu khí Shell và hãng hàng không British Airways sẽ mua toàn bộ đất ở Anh chỉ để trồng cây trên nhằm bù đắp lượng khí thải carbon của họ”.

Các công ty môi giới đất đa ở Anh đang chứng kiến sự gia tăng số lượng người mua đang tìm kiếm đất để trồng cây và triển khai các chương trình môi trường khác. Điều này diễn ra khi giới doanh nghiệp chạy đua để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng zero và giảm lượng khí thải nhà kính họ bằng cách mua tín chỉ bù đắp carbon.

Mỗi tín chỉ carbon, đại diện cho một tấn khí thải carbon tránh được hoặc bị loại bỏ khỏi khí quyển, được tạo ra thông qua đầu tư vào hoạt động phục hồi và bảo vệ môi trường.

Các công ty dầu khí, hãng hàng không và nhà sản xuất ô tô nằm trong số những doanh nghiệp sử dụng chính sách bù đắp carbon nhiều nhất trên thế giới.

Nhưng thị trường tín chỉ carbon đang bị giám sát chặt chẽ hơn. Các nhà hoạt động và nhà nghiên cứu về khí hậu chỉ trích hệ thống tính toán tín chỉ carbon không đủ chính xác và nhiều dự án không loại bỏ carbon khỏi khí quyển một cách hiệu quả như tuyên bố.

“Đó không phải là mô hình mà chúng tôi tạo ra”, ông Spencer nói khi đề cập đến việc bán đất nông nghiệp cho các chương trình bù đắp carbon.

Hồi tháng 3, chính phủ Anh công bố Khung Chiến lược tài chính xanh và các thị trường tự nhiên nhằm tăng quy mô dòng tài chính tư nhân vào thiên nhiên, đồng thời đảm bảo thị trường hoạt động một cách liêm chính và tránh những tác động bất lợi.

Để đạt được mục tiêu đưa phát thải khí carbon ròng về zero, các cố vấn khí hậu của chính phủ Anh cho biết đất nước cần tăng độ che phủ rừng từ 13 lên 17% vào năm 2050.

Các hiệp hội nông nghiệp và tổ chức môi trường cảnh báo rằng những người nông dân Anh, vốn đang vật lộn với chi phí đầu vào tăng cao và hoạt động với lợi nhuận thấp, có thể bị bán đất thay vì trồng lương thực.

Tom Bradshaw, Phó chủ tịch Hội Nông dân quốc gia Anh, nói: “Chúng ta phải đảm bảo rằng đất nông nghiệp phục vụ mục đích sản xuất không bị mất vĩnh viễn và tiếp tục cung cấp thực phẩm, chất xơ và năng lượng cho quốc gia”.

Hồi đầu năm nay, một báo cáo của tổ chức tư vấn môi trường Green Alliance cảnh báo, việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp mà nông dân Anh nhận được theo Chính sách nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu (CAP) có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán của các trang trại và nguy cơ các trang trại nhỏ bị thâu tóm.

Nhiều mảnh đất trang trại ở vùng đồi và đất nông nghiệp trống trải ở xứ Wales và Scotland đã được bán cho các chương trình trồng cây.

Năm ngoái, Ủy ban các vấn đề xứ Wales kêu gọi chính quyền xứ Wales và Anh phải tăng cường tính minh bạch và quản lý về việc bán đất nông nghiệp còn hiệu quả sản xuất để phục vụ các chương trình bù đắp carbon. Ủy ban này cũng cảnh báo rằng những nông dân muốn mở rộng trang trại đang chịu sức ép vì đất tăng giá.

Theo Công ty tư vấn và môi giới bất động sản Carter Jonas, trong năm tính đến tháng 6, giá trị đất trồng trọt trung bình ở Anh và xứ Wales tăng 6,4% lên 9.517 bảng (11.600 đô la Mỹ) /mẫu Anh, tương đương 4.046 mét vuông.

Carter Jonas cho biết, nguồn cung đất nông nghiệp mới ở Anh trong quí 2 đang ở mức thấp lịch sử, thấp hơn 29% so với mức trung bình 10 năm.

Andrew Chandler, đối tác của Carter Jonas, cho biết đây chỉ là mới những ngày đầu của thị trường bù đắp catrbon mới nổi và nhu cầu mua đất trồng cây vẫn còn rất lớn.

British Airways cho biết công ty chưa bao giờ mua đất để trồng cây nhằm bù đắp lượng khí thải và các dự án bù đắp carbon mà công ty đầu tư đều có chất lượng cao và được xác minh đầy đủ.

Trong khi đó, người phát ngôn của tập đoàn Shell giải thích, tín chỉ carbon là một phương pháp quan trọng giúp bù đắp lượng khí thải carbon đến từ quá trình sản xuất và sử dụng nhiều thứ, bao gồm cả những thứ mà ông Spencer mua.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguy-co-dang-sau-cuoc-dua-trong-cay-bu-dap-khi-thai-carbon-tai-anh/