Nguy cơ cháy, nổ tại các chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát

Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) bị bỏ ngỏ... cùng với sự lơ là, thiếu cảnh giác của các tiểu thương trong việc kiểm soát nguồn lửa, nguồn nhiệt là nguyên nhân 'bà hỏa' viếng thăm các chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát.

Đội Quản lý trật tự đô thị phường Khai Quang (Vĩnh Yên) kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh tự phát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Ảnh: Chu Kiều

Chưa có con số thống kê cụ thể, song theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát, tập trung chủ yếu ở các khu đông dân cư, xung quanh các nhà máy, xí nghiệp, KCN.

Các chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát được xây dựng, lắp ghép khá sơ sài, thường bằng khung sắt, lợp tôn làm ốt kinh doanh, thậm chí cắm cọc tre, gỗ, phủ bạt tạo thành điểm bán hàng.

Quá trình kinh doanh, các tiểu thương thường cơi nới lắp đặt thiết bị điện, nguồn nhiệt, lấn chiếm các lối đi, lối thoát nạn để bày bán hàng hóa… Trong khi đó, công tác PCCC dường như bị bỏ ngỏ; tiểu thương kinh doanh lơ là, thiếu cảnh giác với nguồn nhiệt, nguồn lửa...

Đây chính là những nguyên nhân khiến các chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát dễ xẩy ra hỏa hoạn. Khi cháy, rất dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn và gây khó khăn cho việc khống chế, dập lửa đám cháy.

Điển hình như vụ cháy xảy ra rạng sáng ngày 24/5 vừa qua, tại địa điểm kinh doanh tự phát trên đường Lạc Long Quân, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) đã nhanh chóng thiêu rụi toàn bộ các quầy bán hàng trên diện tích 200 m2 và cháy lan sang khu nhà ở và kinh doanh của Công ty TNHH Hải Âu, gây thiệt hại lớn cho các tiểu thương; bao nhiêu tài sản gom góp của nhiều gia đình bỗng chốc hóa thành tro bụi

Trước thực trạng trên, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương rà soát các chợ dân sinh, chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn có nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ cao để kịp thời xử lý; yêu cầu chấm dứt hoạt động theo thẩm quyền hoặc kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát đối với các cơ sở kinh doanh, chợ truyền thống, trung tâm thương mại… đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao để kịp thời khuyến cáo biện pháp phòng, chống cháy nổ. Kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về PCCC.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, ngành chức năng, địa phương đã đồng loạt ra quân tuyên truyền về công tác PCCC, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Hà Thanh Hùng, Chủ tịch UBND phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố cháy tại điểm kinh doanh tự phát trên đường Lạc Long Quân, UBND phường đã rà soát và xây dựng kế hoạch giải tỏa các điểm kinh doanh tự phát tồn tại đã lâu như điểm kinh doanh tự phát khu vực nhà văn hóa Tổ dân phố (TDP) Vĩnh Thịnh; ngã tư Mậu Lâm; các điểm bán xung quanh KCN Khai Quang...

Từ ngày 26/5 - 25/6/2023, phường Khai Quang ra quân thực hiện cao điểm giải tỏa, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để tập kết vật liệu xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng, bày chậu hoa, cây cảnh, hộp xốp trồng rau, hộp xốp đựng rác, ghế đá, xây, hàn bục bệ lên xuống, mái che, mái vẩy, "chuồng cọp"…, nhằm tạo đường thông, hè thoáng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Phường Khai Quang cũng đã có tờ trình đề nghị thành phố Vĩnh Yên tiếp tục hỗ trợ phường hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, PCCC dự án chợ Khai Quang (đã khởi công từ năm 2016) để tạo điều kiện cho các tiểu thương trên địa bàn kinh doanh.

Đảm bảo an toàn PCCC ở các cơ sở kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, phát hiện xử lý, phòng ngừa nguy cơ cháy nổ theo chức năng; đồng thời làm tốt công tác tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, hướng dẫn, quản lý PCCC đối với các cơ sở kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại...

Kiên quyết giải tỏa việc xây thêm các quầy sạp, làm thêm mái che lấn chiếm đường giao thông và khoảng cách an toàn PCCC. Chủ động rà soát, nắm chắc các cơ sở kinh doanh, chợ truyền thống, trung tâm thương mại có nguy cơ cao về cháy, nổ để tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, khắc phục những hạn chế, thiếu sót không để xảy ra cháy, nổ.

Yêu cầu Ban Quản lý các chợ, trung tâm thương mại thường xuyên phát thanh, cảnh báo, nhắc nhở về công tác PCCC đối với khách hàng tham quan, mua sắm, nâng cao ý thức đảm bảo an toàn PCCC.

Hướng dẫn xây dựng phương án, lực lượng và trang bị phương tiện chữa cháy đầy đủ theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, duy trì và đưa công tác tự kiểm tra an toàn PCCC trở thành nhiệm vụ thường xuyên liên tục của cơ sở kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại, góp phần phòng ngừa cháy, nổ đạt hiệu quả.

Thực tế, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh đã có nhiều cách làm hay như: Xây dựng nhân rộng mô hình chợ, trung tâm thương mại điển hình tiên tiến về PCCC. Đến nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại đều thành lập được các tổ, đội phụ trách PCCC, tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các tiểu thương về vai trò, biện pháp PCCC.

Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: Để ngăn ngừa “bà hỏa” viếng thăm các cơ sở kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại, nhất là các chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, các tiểu thương cần nhận thức rõ hậu quả khôn lường khi có cháy, nổ xảy ra. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ, chấp hành nghiêm công tác PCCC.

Trần Tỉnh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94787//nguy-co-chay-no-tai-cac-cho-tam-diem-kinh-doanh-tu-phat