Nguồn nhân lực ngành xuất bản và câu chuyện giáo dục khai phóng

Nhân dịp Ngày truyền thống của Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10), chúng ta sẽ cùng luận bàn về ngành xuất bản, nhưng không từ góc độ thị trường sách, mà từ khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực. Bởi, câu chuyện đào tạo ở ngành xuất bản không riêng gì so với các ngành khoa học xã hội khác: có nên coi nó là đối tượng của giáo dục khai phóng hay không?

Vị thế của xuất bản chưa bao giờ mờ nhạt

Theo Khung thống kê văn hóa UNESCO (FCS) năm 2009, sách và ấn phẩm (bao gồm sách, báo và tạp chí, các ấn phẩm in khác, thư viện và thư viện số, hội chợ sách) cũng là một trong sáu trụ cột của lĩnh vực văn hóa và đồng thời là một thành tố của công nghiệp văn hóa. Điều này phần nào phản ánh xuất bản phẩm và đào tạo ngành xuất bản chưa bao giờ mờ nhạt đi vị thế của nó.

Một nghiên cứu trường hợp ở Bandung, Indonesia láng giềng cho thấy xuất bản sách đã trở thành một trào lưu chủ đạo trong làn sóng các ngành kinh tế sáng tạo và văn hóa[1]. Bản thân việc Bandung là một thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, đã thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo trong thành phố phát triển. Nền kinh tế sáng tạo là xu hướng kinh tế mới hiện đang sôi động tại Indonesia.

Đông đảo bạn đọc tham gia Hội sách Nhã Nam – Sài Gòn 2022. Ảnh: Nhã Nam

Nền kinh tế sáng tạo đóng một vai trò quan trọng trong bình đẳng kinh tế ở Indonesia, đặc biệt đối với những tầng lớp thiệt thòi vốn có rất ít cơ hội làm việc cho các tổ chức lớn do thiếu nền tảng giáo dục. Trong thập kỷ qua, vai trò của nền kinh tế sáng tạo, đặc biệt là ngành xuất bản, đã nổi lên như một tiểu ngành kinh tế thay thế để tạo ra các nguồn hoạt động và việc làm mới, đồng thời đẩy nhanh phúc lợi đô thị.

Trên thế giới, theo số liệu cung cấp của Cục Thống kê lao động Mỹ vào năm 2021, khoảng 250.000 người làm việc trong ngành này trên toàn nước Mỹ. Trong ngành xuất bản, mức lương trung bình vào năm 2021 là 64.840 đô la Mỹ/năm. Quản lý trong ngành này có thu nhập trung bình khoảng 135.000 đô la Mỹ, với các vị trí giám đốc điều hành có thể kiếm được hơn 230 ngàn đô la Mỹ. Xếp phía sau giám đốc điều hành, thì luật sư, những người đàm phán hợp đồng, đại diện cho công ty và xử lý các vấn đề pháp lý khác, có thu nhập cao nhất trong ngành.

Cuộc khảo sát gần đây nhất của Publishers Weekly cho thấy rằng thu nhập ngành hầu như không thay đổi: mức lương trung bình của nam giới vào năm 2021 là 80 ngàn đô la Mỹ, trong khi mức lương của phụ nữ cao hơn một chút, với mức trung bình tăng lên tới 62.750 đô la Mỹ. Và điều này tương ứng trong hầu hết các năm, gần một nửa số người được hỏi cho biết mức tăng lương vào năm 2021 là 3% hoặc thấp hơn (mức này hầu như không đủ bù đắp cho mức lạm phát tăng đáng kể trước năm 2022). Một số nhà xuất bản đã tăng mức lương khởi điểm lên khoảng 45.000 đô la Mỹ mỗi năm.

Câu chuyện đào tạo xuất bản ở Việt Nam

Trong đào tạo hiện nay, chuyên ngành xuất bản cho thấy khuynh hướng tích hợp và liên ngành/đa ngành, vốn là một khuynh hướng cần thiết và hợp với xu thế hiện tại, không chỉ trong đào tạo, nghiên cứu, mà còn trong cả việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng đa dạng của các đơn vị.

Nội hàm của chuyên ngành đào tạo xuất bản, bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn khu biệt trong xuất bản và phát hành, còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác có tính ứng dụng cao, ví dụ như quản trị kinh doanh, truyền thông – marketing, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, xuất nhập khẩu… Nhưng thực tế không phản ánh như vậy.

Hiện nay ở Việt Nam, thống kê sơ bộ có 3 cơ sở đào tạo xuất bản, đó là khoa Xuất bản – Phát hành của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Văn hóa TP.HCM (đào tạo chuyên ngành Kinh doanh xuất bản phẩm), khoa Xuất bản Học viện Báo chí và Tuyên truyền (đào tạo chuyên ngành Biên tập – Xuất bản và Xuất bản điện tử).

Tọa đàm "Tư vấn hướng nghiệp: Câu chuyện khởi nghiệp và cơ hội việc làm cho ngành xuất bản, phát hành" do Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.

Theo kết quả khảo sát được công bố chính thức của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2023 [2] số sinh viên trúng tuyển nhập học ngành Kinh doanh xuất bản phẩm là 99, nhưng số sinh viên tốt nghiệp chỉ là 37. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm gần như dao động ở mức 90%. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp, năm 2020 số sinh viên được khảo sát là 49, nhưng chỉ có 11 sinh viên là có việc làm đúng ngành đào tạo, còn số liệu năm 2021 tương ứng là 10/32 sinh viên làm đúng ngành. Còn lại chiếm hơn 60% là làm những ngành gần hoặc không liên quan đến chuyên ngành đào tạo.

Còn dựa trên một điều tra không chính thức tại các công ty phát hành sách, thì lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh xuất bản phẩm hay Xuất bản làm việc tại các đơn vị này không chiếm đa số. Theo tiết lộ của giám đốc nhân sự một công ty sách thì cơ hội việc làm và ưu tiên tuyển dụng đối với cả vị trí biên tập viên lẫn nhân viên kinh doanh lại thường rơi vào nhóm ứng viên tốt nghiệp những trường đại học “top trên” như Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân…

Vậy lý do tại sao? Giả dụ khi nói về công việc chuyên môn như biên tập, ngoài nghiệp vụ biên tập (vốn không chỉ đơn thuần là sửa morat) thì đòi hỏi một biên tập viên phải có phông kiến thức nền tương đối sâu rộng, chưa kể là khả năng ngoại ngữ đối với sách dịch. Còn đối với công việc kinh doanh – phát hành, thì rõ ràng sự năng động và hiểu biết của các sinh viên ngành kinh tế là một lợi thế.

Một trong những khó khăn chủ yếu hiện tại đối với các đơn vị tuyển dụng, là việc phải đào tạo lại nhân sự mới để đáp ứng theo yêu cầu và quy trình của công việc. Tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp thụ động cần phải được “cầm tay chỉ việc” là rất phổ biến. Đây cũng là hiện trạng chung của đa phần ngành nghề hiện tại, bởi nếu không phải tái đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ, quy trình, thì cũng phải thay đổi về tư duy làm việc, tư duy độc lập-sáng kiến của nhân sự mới, thậm chí khía cạnh thứ hai còn đòi hỏi phải mất nhiều thời gian hơn.

Nhiều thế hệ sinh viên ra trường và trở nên bơ vơ, không được trang bị kỹ năng để dấn thân vào công việc thực tế. Không đơn vị đào tạo đổ ra những cái khuôn, và rồi các cử nhân tốt nghiệp phải tự đi học lại ngoài xã hội. Bởi vậy, mới đặt ra vấn đề giữa bản thân chuyên ngành đào tạo trong nhà trường, với hệ thống các đơn vị tuyển dụng trong ngành, cần có sự liên kết chặt chẽ, thậm chí tham dự sâu vào xuyên suốt cả quá trình đào tạo cử nhân.

Hội sách Hà Nội lần thứ VIII - 2023 với chủ đề 'Thắp lửa tri thức - Kiến tạo tương lai' tổ chức tại phố đi bộ Hoàn Kiếm.

Có nên coi xuất bản là một ngành khai phóng?

Đào tạo về xuất bản trên thế giới đã vượt ra khỏi quy mô của một chuyên ngành đào tạo nghiệp vụ, vận động theo hướng liên ngành và khai phóng.

Điển hình, Xuất bản và Biên tập là một trong những chuyên ngành làm nên thương hiệu của Đại học Susquehanna, Pennsylvania, Mỹ, ngôi trường với lịch sử 165 năm. Chương trình của trường nhấn mạnh vai trò văn hóa của xuất bản, lịch sử sách và ý nghĩa của việc chuyển đổi sang xuất bản số. Sinh viên sẽ được giảng dạy rất nhiều môn học về lịch sử ngành xuất bản và sách, về văn học (bao gồm lịch sử văn học, thể loại văn học và văn học các quốc gia), môn viết sáng tạo, nhằm đảm bảo toàn diện cả về kiến thức nền, hiểu biết văn hóa và nghiệp vụ cụ thể.

Trường Đại học Bath Spa (Anh) nơi đào tạo chuyên ngành Báo chí và Xuất bản.

Trường Đại học Bath Spa (Bath, Anh) cung cấp đào tạo trình độ Cử nhân về Báo chí và Xuất bản với thời lượng ba năm. Trong đó, năm thứ nhất sinh viên sẽ được giới thiệu các nguyên tắc xuất bản cốt lõi, tập trung vào viết quảng cáo và biên tập, được làm quen với phần mềm dàn trang, chế bản và xuất bản. Cùng với đó, sinh viên sẽ bắt đầu xây dựng kiến thức chuyên sâu về ngành xuất bản và có cơ hội cộng tác làm việc trong các dự án có tính thử thách.

Cho tới năm thứ hai, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về các lĩnh vực xuất bản cụ thể, chẳng hạn như marketing, biên tập và thiết kế. Các học phần tùy chọn cho phép sinh viên tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực như sách minh họa, tạp chí độc lập, chỉnh sửa tiểu thuyết cũng như vận dụng các kỹ năng xuất bản cho doanh nghiệp xã hội và công tác từ thiện.

Đến năm cuối, sinh viên sẽ được hướng dẫn tập trung cho các kỹ năng và kiến thức xung quanh sở thích nghề nghiệp và sáng tạo cá nhân. Sinh viên sẽ được khuyến khích phát triển cách tiếp cận cá nhân của mình với tư cách là người sáng tạo, giám tuyển hoặc người quản lý dự án; portfolio cuối sẽ phản ánh điều này và giới thiệu khả năng của sinh viên tới các nhà tuyển dụng tiềm năng. Các học phần tùy chọn bao gồm đặt hàng thiết kế bìa sách, xuất bản dành cho trẻ em và xuất bản kỹ thuật số đa nền tảng.

Trụ sở Pearson plc tại London, một trong những nhà xuất bản lớn nhất thế giới với 20.000 nhân viên và 4,88 tỷ đô la doanh thu năm 2022.

Cũng về xuất bản, nhưng mang tính chất liên ngành và chuyên về thiết kế, là chương trình Cử nhân Thiết kế Xuất bản hệ 4 năm của Trường Đại học Nghệ thuật Norwich. Chương trình sẽ nuôi dưỡng tình yêu của sinh viên với thiết kế sách và báo chí, dàn trang, nghệ thuật sắp chữ (typography), kiểu chữ (typefaces), sáng tạo hình ảnh và định hướng nghệ thuật.

Nhờ đó, sinh viên sẽ được sử dụng phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp để khám phá nhiều phương pháp thiết kế biên tập, từ kể chuyện bằng văn bản và hình ảnh, đến thành thạo kiểu chữ, đóng sách và hoàn thiện bản in chuyên nghiệp, cuối cùng đến trực quan hóa dữ liệu phức tạp và đồ họa thông tin (infographics). Ngay trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được cộng tác với rất nhiều đối tác trong ngành xuất bản, cũng như tham gia các cuộc thi thiết kế.

Ngành xuất bản vẫn là một ngành phát triển với những hấp dẫn và cơ hội của nó, với tư cách là một ngành kinh tế văn hóa và sáng tạo. Mặt khác, một số chương trình đào tạo chuyên ngành xuất bản trên thế giới cho thấy xu hướng khai phóng trong giáo dục – “lấy người học là trung tâm”.

Nhà trường chính là môi trường, một hệ sinh thái giúp người học trau dồi, phát triển bản thân, có tư duy độc lập – sáng tạo, đồng thời mở ra những cơ hội sớm được tiếp xúc với ngành nghề ngay từ trên ghế nhà trường. Giáo dục khai phóng luôn là đích đến của mọi nền giáo dục.

Trang Ngọc

[1] Adiwan Aritenang & Renny Ratna Dewi (2022), Indie books publishing: Actor collaborations and knowledge preservations, Cogent Social Sciences, 8:1.

[2] https://huc.edu.vn/c/5411/Ba-cong-khai.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguon-nhan-luc-nganh-xuat-ban-va-cau-chuyen-giao-duc-khai-phong-41301.html