Nguồn lực tiếp sức cho bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS

Chương trình MTQG 1719 đã tiếp thêm nguồn lực quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch.

Những năm gần đây, tỉnh An Giang đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS.

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã tiếp thêm nguồn lực quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương, trong đó có tỉnh An Giang.

Một nghi lễ trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang.

Một nghi lễ trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang.

Giữ gìn những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay, những giá trị di sản văn hóa truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh An Giang. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc đặc trưng riêng. Đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết: Trong quá trình bảo tồn giá trị văn học dân gian, tỉnh tiếp thu, phát triển, đảm bảo gìn giữ nội dung cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong kho tàng văn học dân gian của các DTTS. Nghệ nhân và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành văn hóa truyền thống của các DTTS đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng các DTTS.

"Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu, nhất là tác phẩm, thể loại có nguy cơ mai một." – ông Hiệp nói.

Gìn giữ văn hóa truyền thống với Hội đua bò Bảy Núi, tỉnh An Giang.

Gìn giữ văn hóa truyền thống với Hội đua bò Bảy Núi, tỉnh An Giang.

Ngoài các lễ hội dân gian truyền thống, các ngành chức năng còn tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch để tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Khmer; khơi dậy niềm tự hào và giáo dục giới trẻ ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Sãi cả Chau Khi, Trụ trì chùa Tà Ngáo ở xã An Phú (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) chia sẻ sự phấn khởi, xúc động trước việc chính quyền các cấp đã rất quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Khmer bảo tồn, phát huy dòng nhạc dân tộc thông qua những lời hát, điệu múa uyển chuyển, những vở tuồng Dù kê ẩn chứa bao tự tình và các nghi thức cúng tế dịp lễ, tết, trong những bộ trang phục truyền thống vô cùng rực rỡ.

Đối với dân tộc Chăm, anh Du Số 41 tuổi ở ấp Hà Bao 2 (xã Đa Phước huyện An Phú, tỉnh An Giang) vui mừng cho biết: "Lễ hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch của đồng bào Chăm không ngừng được cải tiến về nội dung và hình thức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của bà con. Hiện nay, lễ hội đã được nâng lên thành một trong những lễ hội chính thức của tỉnh, được luân phiên tổ chức hàng năm tại các địa bàn có đông đồng bào Chăm sinh sống".

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, An Giang được phân bổ cho công tác Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch là 8.170 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương là 7.427 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 743 triệu đồng.

Theo đó, giai đoạn 2023 – 2026, tỉnh phấn đấu sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê hàng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các DTTS trên địa bàn; sưu tầm, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số lĩnh vực này, góp phần lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy.

Tỉnh phấn đấu 20% tác phẩm (có nguy cơ mai một) được bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung, văn học dân gian của các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; 40% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại vùng đồng bào DTTS đưa văn học dân gian vào sinh hoạt ngoại khóa, ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu hình thành 1 – 2 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian vùng DTTS để thực hành, biểu diễn và trao truyền thể loại văn học dân gian.

Dàn nhạc ngũ âm chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) phục vụ bà con trong phum, sóc vào dịp lễ hội.

Dàn nhạc ngũ âm chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) phục vụ bà con trong phum, sóc vào dịp lễ hội.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang, ông Nguyễn Phú cho biết: Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc truyền thống của các DTTS; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Cùng với đó, tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS.

"Khuyến khích hỗ trợ cá nhân, những Người có uy tín, có kỹ năng biểu diễn nghệ thuật dân gian phấn đấu trở thành đội ngũ nghệ nhân trao truyền bí quyết, kiến thức thực hành các di sản văn hóa phi vật thể nói chung và dân ca, dân vũ, dân nhạc tham gia hoạt động truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ trong nhà trường, cộng đồng" – ông Phú nói.

Trong ngôi nhà của người Chăm, bên những khung cửi gỗ truyền thống, người phụ nữ Chăm cần mẫn dệt nên những họa tiết hoa văn thổ cẩm mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình.

Trong ngôi nhà của người Chăm, bên những khung cửi gỗ truyền thống, người phụ nữ Chăm cần mẫn dệt nên những họa tiết hoa văn thổ cẩm mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thị Minh Thúy nhận định: Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS, phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan, như du lịch, giáo dục, an ninh, thông tin – truyền thông, môi trường. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào DTTS trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch dân tộc học, du lịch nông thôn miền núi, hướng phát triển du lịch nội địa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS. Đây là một trong những điểm rất thuận lợi để địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án 6, Chương trình MTQG 1719.

Việc quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số bằng những việc làm cụ thể, sát với nhu cầu thực tế, đã, đang và sẽ góp phần tạo nên sức lan tỏa, trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Uyên Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguon-luc-tiep-suc-cho-bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-dtts-169231102135921601.htm