Nguồn lực thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh lại bị 'chôn' vào đất

Đề cập hệ lụy của đầu cơ đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị 'chôn' vào đất.

Sáng 13/5, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Bên cạnh đó, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Cơ quan thẩm tra nêu số liệu, đến nay mới có 29/63 UBND tỉnh công bố 69 dự án tham gia chương trình nhưng chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, tổng nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỷ đồng; tổng số tiền đã giải ngân đạt 640 tỷ đồng cho 8 chủ đầu tư và giải ngân 6 tỷ đồng đối với người mua nhà tại 3 dự án.

Trong khi đó, giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy.

"Người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai, trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Cùng đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2024 đến nay, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nợ công, nợ quốc gia được bảo đảm. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.

Chính phủ cho biết, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I kể từ năm 2020 và cao hơn kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01. Khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Quy mô gói tín dụng hỗ trợ cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản được nâng lên 30.000 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện trong năm 2024.

Thời gian tới, Chính phủ nêu định hướng tiếp tục ưu tiên thúc đẩy mạnh tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm tuyệt đối an ninh năng lượng, nguồn cung ứng điện, xăng dầu trong nước; hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng.

Chính phủ cũng quán triệt cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguon-luc-thay-vi-danh-cho-dau-tu-san-xuat-kinh-doanh-lai-bi-chon-vao-dat-ar870680.html