Nguồn lực lớn trong chiến lược phát triển

Trên thế giới, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo phát triển nhanh chóng, được nhiều nước quan tâm. Với khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể, không ít quốc gia đã đưa công nghiệp văn hóa và sáng tạo trở thành lĩnh vực đột phá, nguồn lực lớn trong chiến lược phát triển đất nước.

Phim truyền hình là một thế mạnh trong xuất khẩu công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc.

Theo nhận định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), ngành công nghiệp văn hóa ngày càng được coi là lĩnh vực mũi nhọn vì rất nhiều lý do. Thứ nhất, thông qua các sản phẩm văn hóa, ngành công nghiệp này đã giúp hình thành sức mạnh mềm, từ đó tác động, lan tỏa làm nên sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thứ hai, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đem lại cơ hội việc làm bền vững cho đất nước từ việc sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, kết hợp với kỹ năng kinh doanh và công nghệ. Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là nền tảng phát triển các tài năng sáng tạo của đất nước.

Theo thống kê của UNESCO, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tổng doanh thu lên đến hơn 2,2 nghìn tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. Ðặc biệt, đây là ngành công nghiệp trẻ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi thu hút gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15 - 29, cao hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào. Còn theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa vào khoảng 4,04% trong tổng doanh thu toàn cầu và đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới.

Không chỉ vậy, công nghiệp văn hóa và sáng tạo được xem như chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước thuộc châu Á. Những năm gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành thị trường công nghiệp văn hóa và sáng tạo lớn nhất thế giới, vượt cả châu Âu và Bắc Mỹ. Cả hai quốc gia Bắc Á này đều coi công nghiệp văn hóa, đặc biệt là văn hóa giải trí, là phương tiện quan trọng để thúc đẩy quan hệ quốc tế.

Tại Nhật Bản, sự phát triển của công nghiệp văn hóa đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa Nhật Bản như truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi công nghệ cao, thời trang, âm nhạc, ẩm thực... đã dần trở nên quen thuộc ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đó là kết quả của quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ngoài do chính phủ Nhật Bản đề xướng từ lâu.

Hằng năm, các sự kiện lớn như Liên hoan phim quốc tế; Liên hoan quốc tế Nhật Bản về truyện tranh, phim hoạt hình, Tuần lễ thời trang Nhật Bản, Tuần lễ ẩm thực Nhật Bản... được tổ chức rầm rộ không chỉ giúp đẩy mạnh công nghiệp văn hóa trong nước mà còn quảng bá nhanh chóng và sâu rộng nền văn hóa Nhật Bản tới bạn bè quốc tế. Thông qua các chiến lược bài bản, nền công nghiệp văn hóa còn góp phần tạo nên một hình ảnh “nước Nhật Bản mới”.

Tại Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa phát triển có vai trò khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống. Để cung cấp chất liệu và tạo nguồn sáng tạo cho lĩnh vực công nghiệp này, Hàn Quốc tiến hành số hóa nguyên gốc văn hóa truyền thống, tạo thành các kho chất liệu, kho tài nguyên số để cung cấp cho các doanh nghiệp và người dân với cách thức gần như là miễn phí. Các sản phẩm văn hóa giải trí chuyển tải một cách sinh động và sáng tạo các nội dung truyền thống nguyên gốc giúp cho người dân Hàn Quốc hiểu biết về truyền thống, nâng cao dân trí và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Với công nghiệp văn hóa giải trí thông qua sự phổ cập của mạng internet và hệ thống thông tin đại chúng, cơ hội tiếp xúc với văn hóa trở nên phổ biến và bình đẳng hơn cho mọi người. Mọi người dân Hàn Quốc đều được thưởng thức, nghe, nhìn và cảm nhận về văn hóa, về giá trị truyền thống và hiện đại của dân tộc. Từ đó, người dân Hàn Quốc hiểu biết hơn, có ý thức hơn, tự hào hơn về văn hóa của dân tộc mình. Gắn với mục đích xuất khẩu, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã tạo được làn sóng yêu thích văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) ở nước ngoài. Thông qua đó, sự quan tâm, sự hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc nói riêng và đất nước Hàn Quốc nói chung trên thế giới được nâng cao.

Đáng chú ý, công nghiệp văn hóa Hàn Quốc được đánh giá cao nhất ở việc đưa lại hiệu quả gián tiếp, hay còn gọi là “hiệu quả lan tỏa”, đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nghiên cứu cho thấy, nếu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tăng 100USD thì kéo theo kim ngạch xuất khẩu hàng tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 412USD. Xuất khẩu chương trình truyền hình và xuất khẩu phim là hai lĩnh vực quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu trang phục và thực phẩm gia công. Kim ngạch xuất khẩu chương trình truyền hình tăng 100USD kéo theo kim ngạch xuất khẩu thực phẩm gia công tăng 64USD. Còn kim ngạch xuất khẩu phim tăng 100USD kéo theo kim ngạch xuất khẩu trang phục tăng 87USD.

Trong xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, rất nhiều quốc gia không muốn bỏ lỡ cuộc đua khai thác lợi thế từ ngành công nghiệp mới này. Bởi nền công nghiệp văn hóa kém phát triển sẽ dễ dẫn quốc gia đó tới tình trạng chuyên nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm văn hóa. Điều này vừa mất lợi thế trong thị trường nội địa vừa làm hạn chế khả năng phát triển ngành để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1002985/nguon-luc-lon-trong-chien-luoc-phat-trien