Nguồn gốc của các 'sợi' ánh sáng bí ẩn trong Dải Ngân Hà

Hàng trăm cấu trúc dạng sợi, phát sáng trong vũ trụ có khả năng xuất hiện từ vài triệu năm trước, khi hố đen Sagittarius A* tương tác với các vật chất xung quanh.

 Cấu trúc dạng sợi bí ẩn trong vũ trụ. Ảnh: CNN.

Cấu trúc dạng sợi bí ẩn trong vũ trụ. Ảnh: CNN.

Theo một nghiên cứu được công bố trên The Astrophysical Journal Letters, hàng trăm cấu trúc dạng sợi, phát sáng trong vũ trụ có khả năng xuất hiện từ vài triệu năm trước, khi hố đen Sagittarius A* tương tác với các vật chất xung quanh.

Năm 1984, Farhad Yusef-Zadeh - giáo sư vật lý và thiên văn thuộc Đại học Northwestern đã phát hiện ra một quần thể với gần 1.000 sợi phát sáng với chiều dài lên tới 150 năm ánh sáng ở gần trung tâm thiên hà. Khi đó, ông cho rằng các cấu trúc kỳ lạ này có liên quan đến các vụ nổ siêu tân tinh.

Đến năm 2022 vừa qua, Yusef-Zadeh và các đồng nghiệp tiếp tục tìm thấy thêm hàng trăm sợi tương tự trong cùng một khu vực, sau khi phân tích các hình ảnh từ kính viễn vọng MeerKAT của Đài quan sát thiên văn vô tuyến Nam Phi.

 Bức ảnh các "sợi ánh sáng" kỳ lạ được chụp từ kính viễn vọng MeerKAT. Ảnh: CNN.

Bức ảnh các "sợi ánh sáng" kỳ lạ được chụp từ kính viễn vọng MeerKAT. Ảnh: CNN.

Qua quá trình quan sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy các cấu trúc sợi mới chia làm 2 loại: sợi thẳng đứng nằm vuông góc với mặt phẳng thiên hà, trong khi sợi nằm ngang song song với mặt phẳng và hướng về phía hố đen Sagittarius A*.

“Chúng tôi nhận thấy những sợi này không phải là ngẫu nhiên mà trông giống như những dòng chảy, “chảy” ra từ hố đen Sagittarius A*”, Yusef-Zadeh cho biết.

Ngoài ra, “hành vi” của từng loại sợi cũng khác nhau.

Các sợi ngang phát ra bức xạ nhiệt và vật chất liên quan đến các đám mây phân tử. Những đám mây này được hòa lẫn một phần hoặc hoàn toàn vào dòng chảy từ hố đen. Trong khi đó, các sợi thẳng đứng có từ tính và giữ các electron tia vũ trụ chuyển động gần bằng tốc độ ánh sáng.

 Các "sợi" ánh sáng được cho là bắt nguồn từ hố đen Sagittarius A*. Ảnh: EHT.

Các "sợi" ánh sáng được cho là bắt nguồn từ hố đen Sagittarius A*. Ảnh: EHT.

“Sự phân bố của các sợi cho thấy chúng đã di chuyển và biến dạng như thế nào trong quá khứ”, Erika Hamden, trợ lý giáo sư thiên văn học tại Đại học Arizona, người không tham gia nghiên cứu, cho biết.

Dù có những điểm tương đồng giữa các sợi mới được phát hiện và những sợi được xác định vào năm 1984, các tác giả của nghiên cứu mới không nghĩ rằng các quần thể này có chung đặc điểm và nguồn gốc.

Yusef-Zadeh cho rằng việc nghiên cứu sâu hơn về các sợi mới phát hiện có thể giúp họ tìm hiểu thêm về hướng “đĩa bồi tụ” và hướng quay của hố đen. Đĩa bồi tụ là một cấu trúc được hình thành bởi vật chất, chuyển động theo quỹ đạo xung quanh một vật trung tâm có khối lượng lớn, bị phân tán thành đĩa.

Sagittarius A* là hố đen vũ trụ khổng lồ gần chúng ta nhất, cách Trái Đất khoảng 26.000 năm ánh sáng. Tuy nhiên, nó tương đối yên tĩnh và khó để nghiên cứu. Nghiên cứu mới đã cung cấp bằng chứng cho thấy Sagittarius A* giải phóng nhiều năng lượng vào không gian dưới dạng các tia và dòng chảy.

“Những phát hiện này cho thấy vũ trụ của chúng ta đẹp và thú vị đến nhường nào”, Hamden nhận định.

Kim Yên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguon-goc-cua-cac-soi-anh-sang-bi-an-trong-dai-ngan-ha-post1437615.html