Người Việt đặt 766 triệu món hàng ở Shopee, TikTok Shop... trong 1 quý

Với hơn 766 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công, doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đã tăng 79% trong quý I lên hơn 71.000 tỷ đồng (khoảng 2,8 tỷ USD).

Đã có 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT. Ảnh: Đào Phương.

Theo báo cáo mới đây của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric, tổng doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo trong quý I đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Metric ghi nhận 510.500 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng (+9%); 13,1 triệu sản phẩm có lượt bán (+10%) và 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công (+83%).

“Các sàn TMĐT tiếp tục là sân chơi được các nhà bán hàng lựa chọn để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Sản lượng và doanh thu đều trên đà tăng trưởng mạnh. Đây là con số cực kỳ ấn tượng khi dự báo đầu năm của Metric, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có thể chỉ cán mốc 35%”, nền tảng này nhận định.

Thị trường ngày càng chật trội

Doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT có xu hướng bùng nổ vào tháng 3 khi đạt gần 28.300 tỷ đồng. Đây là tháng luôn mang lại doanh thu cao nhất trong quý I bởi dịp Tết Nguyên đán thường rơi vào tháng 1 và tháng 2, tạo tâm lý ngại mua sắm trực tuyến hơn do tình trạng gián đoạn vận chuyển giao hàng.

Với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, người dân đang có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn so với giai đoạn hậu Covid-19 và mua sắm online dần trở thành thói quen tiêu dùng không thể thiếu.

Bên cạnh sự hồi phục của nền kinh tế, doanh nghiệp ngày càng có niềm tin vào sự phát triển của thị trường bán lẻ trực tuyến. Metric dự báo TMĐT là sân chơi buộc phải tham gia nếu muốn tiếp cận số lượng khách hàng khổng lồ.

Tuy nhiên, TMĐT luôn là một thị trường đầy khốc liệt. Chỉ cần tìm mặt hàng bất kỳ trên sàn, người dùng có thể nhìn thấy hàng chục, hàng trăm nhà cung cấp.

Vì vậy, với số lượng doanh nghiệp tăng lên, cuộc chiến trên nền tảng TMĐT chắc chắn càng thêm phức tạp. Nhà bán có thể bị đào thải bất cứ lúc nào nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Giá rẻ vẫn là trọng tâm mua hàng của người tiêu dùng trên các sàn TMĐT khi mức giá phổ biến nằm trong khoảng từ 10.000 đến 350.000 đồng. Dẫu vậy, với một số nhóm ngành hàng đặc trưng như làm đẹp, chất lượng mới là điều người tiêu dùng quan tâm thay vì mức giá. Thậm chí, mức giá rẻ đôi khi mang lại tác dụng ngược trong những ngành hàng này.

Hà Nội và TP.HCM tiếp tục là 2 địa phương dẫn đầu doanh số và sản lượng bán dựa trên địa điểm đặt kho, chiếm tổng cộng trên 70% toàn thị trường. Đây cũng được coi là đại diện văn hóa tiêu dùng của 2 miền Nam - Bắc.

Trong top 10 khu vực có doanh số cao nhất, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương và Bình Dương là những tỉnh thành có mức độ tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ 2023. Trên thực tế, đây đều là những thành phố lớn khi Quảng Ninh sở hữu cửa khẩu quốc tế trong khi 3 tình thành còn lại tập trung nhiều khu công nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp địa phương đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tổng doanh thu và sản lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%. Điều này cho thấy TMĐT đã không còn là sân chơi riêng cho các doanh nghiệp tại các đô thị lớn mà đã có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh thành.

Kho hàng đặt tại các tỉnh thành cũng giúp rút ngắn thời gian vận chuyển - giao hàng, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu mua hàng nhanh chóng của người tiêu dùng ở địa phương.

Loạt thách thức chờ đón nhà bán hàng

Với việc mang lại tổng cộng 11.250 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, ngành làm đẹp tiếp tục thể hiện tầm ảnh hưởng khi duy trì vị trí quán quân trong bảng xếp hạng những ngành hàng có doanh thu cao nhất.

Theo ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc kinh doanh Metric, sở dĩ ngành làm đẹp có thể duy trì vị thế từ năm này qua năm khác đến từ 3 đặc trưng ngành hàng gồm sức mua lại cao, nhiều chương trình khuyến mại so với cửa hàng offline, khách hàng phần nhiều là nữ - tệp khách hàng chủ yếu của các sàn TMĐT.

Dữ liệu của Metric cũng cho thấy chăm sóc da mặt là nhóm sản phẩm phổ biến nhất với doanh số 3.223 tỷ đồng, tương đương 22,32 triệu sản phẩm được bán ra.

Bên cạnh đó, quý I cũng chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng điện gia dụng với mức doanh số tăng trưởng 147% và sản lượng bán tăng gần 370%.

Top đầu những sản phẩm bán chạy đều có mức giá cao, điển hình như máy chiếu, robot hút bụi... phần nào cho thấy người tiêu dùng đã không còn ngại mua sắm những mặt hàng có giá trị trên sàn online nếu nhà bán chứng minh được uy tín và chất lượng sản phẩm.

Ngành làm đẹp tiếp tục dẫn đầu về doanh số TMĐT. Ảnh: Metric.

Metric dự báo trong quý II, tổng doanh số trên 5 sàn TMĐT có thể đạt mức 84.870 tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, tăng lần lượt 19% và 14% so với quý I. Đây là mục tiêu có thể dễ dàng đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu tích cực.

Tuy nhiên, những biến động địa chính trị làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, sự xâm nhập từ các nhà bán nước ngoài và thay đổi chính sách từ một số sàn TMĐT với trọng tâm đề cao người mua... sẽ là những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt nếu muốn phát triển trong phần còn lại của năm 2024.

Nhìn chung trong 9 tháng còn lại của năm, thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục có những tín hiệu tăng trưởng tích cực. Song, cơ hội sẽ luôn đi cùng thách thức. Sự tăng trưởng số lượng nhà bán hiếm hoi trong 2 năm trở lại đây khiến thị trường vốn đã chật chội sẽ ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Để bắt kịp thị trường, tăng cường sức cạnh tranh..., các doanh nghiệp phải luôn chủ động trong triển khai các giải pháp mới, ứng dụng công nghệ và dữ liệu trong vận hành kinh doanh.

“Tìm hiểu kỹ thị trường, lựa chọn sản phẩm và sàn TMĐT để kinh doanh, đề ra chiến lược hiệu quả dựa trên những số liệu và phân tích thực tế sẽ là hướng đi đúng cho nhà bán trong giai đoạn hiện nay”, đại diện Metric nhận định.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-viet-dat-766-trieu-mon-hang-o-shopee-tiktok-shop-trong-1-quy-post1471372.html