Người tư lệnh đi giữa lòng dân gánh việc quân - Bài 2: Cứu dân là mệnh lệnh trái tim (Tiếp theo và hết)

Ở đâu gặp hoạn nạn, thiên tai, bão lũ, Trung tướng Thái Đại Ngọc đều kịp thời điều lực lượng tới ngay. Quyết định chính xác, dứt khoát của ông thể hiện sự trải nghiệm trong ứng xử với những tình huống đột xuất, khó lường của một người lính từng trải, lăn lộn, gắn bó máu thịt với nhân dân, với địa bàn. Đó còn là sự thể hiện của tinh thần: Cứu dân là mệnh lệnh trái tim...

Tư lệnh dùng xe đặc chủng đi cứu trợ

Có lẽ người dân phố biển Đà Nẵng sẽ còn nhớ mãi sự kiện chiều tối 27-9-2022, trước khi cơn bão Noru (bão số 4) đổ bộ vào đất liền chừng vài giờ đồng hồ, Trung tướng Thái Đại Ngọc cùng các thành viên đoàn công tác lên xe đặc chủng cơ động sang hướng cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà. Trời nhá nhem, mưa như roi quất vào thịt da, gió lạnh thốc từng cơn nhưng ông vẫn choàng áo mưa bước phăm phăm về Trường Tiểu học Trần Quốc Toản-nơi mà hơn 100 nữ công nhân thuộc Công ty Thủy sản Thọ Quang đến tránh bão. Tôi thấy chân ông bước vội, tất tả trong chiều bão dông.

Không còn ranh giới giữa vị tướng với những người công nhân. Ông ân cần hỏi thăm hoàn cảnh gia đình một số nữ công nhân đồng bào dân tộc Vân Kiều (tỉnh Quảng Trị), rồi trao từng thùng lương khô tặng các nữ công nhân. Đón nhận món quà từ tay Trung tướng Thái Đại Ngọc, chị Hồ Thị Lên cảm động không nói nên lời.

 Trung tướng Thái Đại Ngọc trao lương khô tặng nữ công nhân Công ty Thủy sản Thọ Quang (ngày 27-9-2022). Ảnh: LÊ TÂY

Trung tướng Thái Đại Ngọc trao lương khô tặng nữ công nhân Công ty Thủy sản Thọ Quang (ngày 27-9-2022). Ảnh: LÊ TÂY

Rời trường Tiểu học Trần Quốc Toản, đoàn công tác tiếp tục hành quân đến cảng cá âu thuyền Thọ Quang-nơi có 845 tàu cá ngư dân về neo đậu tránh bão. Lúc này mưa vẫn rơi nặng hạt, gió thốc từng cơn, sóng đánh mạnh nên Trung tướng Thái Đại Ngọc không thể xuống tàu trao quà tặng nhân dân, đành phải chỉ đạo bộ phận hậu cần gửi ban quản lý âu thuyền Thọ Quang 1.000kg lương khô nhờ chuyển tới thuyền viên các tàu cá đang neo đậu tránh bão trong khu vực. Tối hôm ấy, tôi nhớ mãi hình ảnh Trung tướng Thái Đại Ngọc quần xắn gối, chân đi dép cao su, đầu đội mũ cối cùng đoàn cán bộ dầm mình giữa dòng nước lũ đến trao quà và động viên người dân vùng lũ.

Cơn bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung tướng Thái Đại Ngọc, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã thiết lập sở chỉ huy bổ trợ tại Sư đoàn 315 và triển khai phương án ứng cứu ngay sau khi bão đổ bộ vào đất liền. Theo đó, Bộ CHQS các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bộ CHQS TP Đà Nẵng đều triển khai sở chỉ huy phía trước ở các vùng trọng điểm. Các đơn vị: Sư đoàn 315, Lữ đoàn Thông tin 575, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 574... đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng chục xe ô tô các loại, 30 thuyền nhôm, máy đẩy, 24 ca nô... sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Nhờ quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã sát cánh cùng các địa phương, tổ chức phòng tránh, kêu gọi tàu thuyền tránh, trú bão, di dời nhân dân... về nơi an toàn. Sự chủ động ấy đã góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với phương châm “hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, Quân khu 5 đã huy động hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm lượt phương tiện tham gia hỗ trợ nhân nhân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Sau bão số 4, mặc mưa to, gió lớn, bộ đội Quân khu 5 lại kịp thời có mặt tại các khu vực bị sạt lở, tiến hành đào đắp, san lấp mặt đường, thông tuyến; vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giúp người dân sớm ổn định cuộc sống...

Không chỉ kịp thời cứu dân trong những lúc khẩn cấp, người lính còn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Với tinh thần “chủ động là trên hết”, “cứu dân là mệnh lệnh cao nhất”, từ năm 2017 đến 2023, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã huy động hơn 12 vạn lượt bộ đội, dân quân với hàng trăm lượt ca nô, tàu xuồng, xe vận tải và nhiều trang bị khác giúp địa phương phòng, chống, ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời kêu gọi hơn 90.000 tàu thuyền ngư dân hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn; giúp địa phương sơ tán 66.120 hộ/320.900 người dân tránh bão, lụt; cứu sống trên 200 người bị đổ sập nhà cửa và nước cuốn trôi; quyên góp, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại hơn 3 tỷ đồng...

Là người gắn bó nhiều năm với địa bàn miền Trung-Tây Nguyên nên Trung tướng Thái Đại Ngọc hiểu rõ cuộc sống khó khăn, gian khổ của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ. Vì lẽ đó, ông luôn tự nhủ với lòng mình, làm được việc gì có lợi cho dân là cố sức làm. Ngay như việc ông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội... cũng đủ nói nên tấm lòng của ông đối với nhân dân là rất lớn.

Nhớ lần cùng Trung tướng Thái Đại Ngọc và đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 5 vào Quảng Nam tặng quà, ông đã tâm sự: “Thật ra, những việc mà các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu làm được cho dân trong những năm qua chính là sự tri ân và trả nghĩa đồng bào đã dày công đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ. Dẫu rằng chúng ta không thể nào trả hết được công ơn ấy!”.

Kỷ niệm về một chuyến đi cứu trợ...

Đó là chuyến công tác trong đợt lũ xảy ra trên địa bàn miền Trung cuối năm 2012. Tôi được thấy nhiều người dân gọi ông bằng hai từ “ân nhân”. Thời điểm đó, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, mực nước sông Ba dâng cao, các xã vùng thấp, trũng đều ngập chìm trong biển nước. Mặc dù đang sốt cao nhưng Đại tá Thái Đại Ngọc, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 vẫn khoác thêm tấm áo lạnh, vội vã choàng áo mưa chỉ huy các bộ phận về vùng lũ trọng điểm kịp thời cứu dân.

Ông lội bộ vào từng ngõ, xóm chỉ huy, đôn đốc mọi lực lượng di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Lúc này, đi kiểm tra, ông phát hiện ở khu vực “bản doanh” của lãnh đạo một xã nọ còn “tồn đọng” nhiều thùng mì ăn liền trong khi không ít đồng bào đã nhịn đói cả ngày. Hỏi nguyên nhân thì đồng chí cán bộ xã nói, chờ trên cấp để đủ phát cho mỗi gia đình vài gói. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, không thể thụ động ngồi chờ đợi “trên cấp”, lập tức ông quyết định chỉ đạo trích quỹ vốn đơn vị mua 500 thùng mì ăn liền kịp thời cứu đói cho dân ngay trong đêm.

Ngày hôm sau, nước từ thượng nguồn sông Ba vẫn đổ về đục ngầu, chảy cuồn cuộn. Cánh phóng viên chúng tôi còn lưỡng lự chưa bước xuống xuồng. Thấy vậy, Đại tá Thái Đại Ngọc bước tới vỗ nhẹ vào vai tôi, rủ rỉ: “Dân gặp hoạn nạn, mình phải đến ngay”. Suốt cả ngày hôm đó, Đại tá Thái Đại Ngọc quần xắn móng lợn, vai choàng áo phao, nhai trệu trạo gói mì ăn liền thay cơm. Ông sâu sát chỉ đạo các lực lượng gắng sức phân phát lương thực và thực phẩm cứu đói kịp thời đến tận tay bà con vùng lũ. Trò chuyện với tôi trong phút giải lao, ông cười hiền và nói: “Mình đã thấm cái đói của thời còn ở chiến trường Campuchia nên quyết không được để dân đói, dân rét”. Nghe ông kể, tôi mới biết, cuối năm 1987, đang là học viên năm thứ 3 Trường Sĩ quan Lục quân 2 thì ông được đi thực tế chiến đấu tại chiến trường Campuchia trong đội hình Sư đoàn 330. Sau này, ngay cả thời kỳ làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông, ông vẫn thấm thía cái đói, cái khổ của đồng bào Tây Nguyên...

Thực ra, không chỉ bà con ngư dân vùng ven biển mới kính trọng Trung tướng Thái Đại Ngọc mà đồng bào miền núi cũng đều biết ơn, quý mến ông bởi tấm lòng trọn tình, trọn nghĩa với dân. Mùa lũ lụt năm nào cũng vậy, vừa thoáng thấy ông lên trao quà tặng bà con đồng bào dân tộc vùng cao Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam), chiều hôm sau đã thấy ông "cưỡi" ca nô về thăm hỏi, động viên nhân dân “rốn lũ” Quảng Ngãi.

Có thể nói, những quyết định chính xác, mau lẹ, kiên quyết của ông về việc xử lý các tình huống trong phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn thể hiện sự từng trải, bản lĩnh của một vị chỉ huy cao nhất của LLVT Quân khu 5. Những lần cùng ông về với dân trong lúc gian khó, tôi mới nhận ra rằng, nước mắt người dân vùng lũ chảy ngược vào trong, nhưng sau bão, họ lại gắng gượng vươn lên. Họ vươn lên như cây lúa ngoi lên giữa dòng nước bạc...

Với những việc làm cụ thể, thiết thực đầy tính nhân văn, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 5 mà nổi bật là tấm gương của Tư lệnh Quân khu Thái Đại Ngọc đã chung tay, góp sức mang mùa xuân đến với đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng... Những việc làm bình dị, cao cả ấy đã và đang tôn vinh bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” giữa lòng dân Liên khu 5 “anh dũng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động”...

PHAN TIẾN DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-tu-lenh-di-giua-long-dan-ganh-viec-quan-bai-2-cuu-dan-la-menh-lenh-trai-tim-tiep-theo-va-het-752146