Người trồng đào Nhật Tân lần đầu tiết lộ bí quyết giúp nở hoa đúng dịp Tết

Người trồng đào Nhật Tân cho biết, có khi họ chăm bón cả năm với đủ dưỡng chất nhưng dịp Tết đào vẫn không ra hoa do thiếu mất điều quan trọng này.

Những ngày này, tại các vườn đào Nhật Tân ở các điểm như phường Nhật Tân, phường Phú Thượng (Tây Hồ), xã Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội người dân đang tất bật công việc chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất năm.

Đào Nhật Tân được trồng tại bãi bồi của sông Hồng

Đào Nhật Tân được trồng tại bãi bồi của sông Hồng

Nghề trồng đào tạo ra thu nhập và làm đổi thay cuộc sống người dân Nhật Tân nhưng công việc này cũng gặp không ít khó khăn, không chỉ ở công trồng, chăm sóc mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, điều kiện thời tiết.

Bà Hoàng Thị Huyền, 60 tuổi, người đã có hơn 40 năm trồng đào tại làng đào Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Trồng, chăm sóc đào Nhật Tân như nuôi con nhỏ vậy. Quanh năm suốt tháng loanh quanh gốc đào, từ trồng, ghép cây con, làm đất, tưới nước, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh… và cái khó nhất là làm sao để hoa nở đúng vào những ngày Tết. Những việc khác con người có thể làm được, nhưng để hoa ra đúng thời điểm thì phải tính, phải phụ thuộc vào thiên nhiên".

Cây đào Nhật Tân trước khi tuốt bỏ lá

Cây đào Nhật Tân trước khi tuốt bỏ lá

Bà Hoàng Thị Huyền đang tuốt lá đào để hoa ra đúng dịp Tết

Bà Hoàng Thị Huyền đang tuốt lá đào để hoa ra đúng dịp Tết

Cây đào vừa được tuốt bỏ lá

Cây đào vừa được tuốt bỏ lá

Theo chia sẻ của bà Huyền, năm nào thời tiết thuận thì được mùa. Còn thời tiết nghịch, cộng với người trồng đào thiếu kiến thức, không có kinh nghiệm, không có hiểu biết về tập tính của giống đào này thì dù có chăm bón, đầu tư đến mấy công sức cũng đổ xuống sông xuống bể.

Bà Huyền bật mí: “Những ngày này người dân trồng đào đang thực hiện việc tuốt bỏ lá để dinh dưỡng tập trung nuôi nụ, nuôi hoa. Ai cũng nghĩ đơn giản chỉ là lá nhiều, lá tốt thì tuốt bỏ đi, việc đó làm lúc nào cũng được. Nhưng việc này thực hiện không đúng thời điểm thì không khác gì phá hoại".

Đào Nhật Tân mắt trắng (Nụ trắng)

Đào Nhật Tân mắt trắng (Nụ trắng)

Đào Nhật Tân mắt đỏ (Nụ đỏ)

Đào Nhật Tân mắt đỏ (Nụ đỏ)

Đào Nhật Tân có 2 loại, đào mắt trắng và đào mắt đỏ, hay còn gọi là đào ngắn ngày và đào dài ngày.

Đối với đào Nhật Tân mắt trắng (nụ trắng), cách Tết 75 ngày, những người trồng đào phải thực hiện việc tuốt bỏ lá để đào nở hoa vào đúng những ngày Tết. Tương tự, đào Nhật Tân mắt đỏ (Nụ đỏ) cũng cần tuốt bỏ lá vào khoảng trước Tết 40 ngày để cây đào “chiều lòng người” cho hoa đúng vào dịp Tết.

Sau khi tuốt lá và được chăm sóc đặc biệt, những cây đào Nhật Tân đã được người dân mang ra trưng bày để phục vụ người dân.

Sau khi tuốt lá và được chăm sóc đặc biệt, những cây đào Nhật Tân đã được người dân mang ra trưng bày để phục vụ người dân.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng đào Nhật Tân nhưng ông Lê Đình Phú, năm nay đã gần 70 tuổi, sống tại Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Với kinh nghiệm hơn 40 năm trồng giống đào đặc biệt này nhưng tôi cũng không ít lần thất bại, thậm chí trắng tay.

Cây đào Nhật Tân ưa lạnh và nhiệt độ hài hòa. Có những năm bỏ cả tỉ đồng để chăm bón đào, thậm chí tôi còn mua cả hàng tấn hạt đậu tương giá cao khoảng 20 – 30 ngàn đồng/1kg về ủ, bón cho đào. Chi phí nhiều, tốn công sức và đến gần Tết thấy cây đào mơn mởn, nụ đẹp và hứa hẹn sẽ có mùa bội thu.

Thế nhưng, năm đó thời tiết thay đổi thất thường. Trời đang lạnh thì giáp Tết thời tiết nắng ấm, nhiệt độ lên đến 25 – 35 độ C kéo dài gần cả tháng trời. Còn hơn 1 tuần mới đến Tết nhưng đào đã bung nở, hoa đào rực hồng cả vườn. Nhìn hoa đào nở mà người dân trồng đào như chúng tôi rụng rời chân tay”.

Ông Phú chia sẻ bí quyết gia truyền khi trồng giống hoa đặc biệt này. Theo ông, trồng đào Nhật Tân có thể chia ra 3 giai đoạn, nhưng giai đoạn quan trọng nhất là chăm sóc đào trong thời gian cách Tết khoảng 2 tháng.

Giai đoạn này cần nắm bắt đặc tính của cây đào, theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để điều chỉnh hoa ra đúng thời điểm Tết. Và dù chăm sóc kiểu gì nhưng cần phải có một yếu tố quan trọng, đó là gió Đông Nam.

Loại gió đặc biệt này nếu thời tiết thuận lợi sẽ xuất hiện khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 Âm lịch. Người dân Nhật Tân quen gọi là đào chờ gió Đông Nam để ra hoa.

Dù hơn 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng trên các cánh đồng trồng đào đã xuất hiện những bông hoa nở bói đỏ thắm

Dù hơn 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng trên các cánh đồng trồng đào đã xuất hiện những bông hoa nở bói đỏ thắm

Ông Phú còn khẳng định, đầu tư, chăm bón nhiều loại phân, đạm, thuốc kích thích và thậm chí là mua cả hạt đậu tương về bón nhưng không bằng một cơn gió Đông Nam. Có cơn gió đặc biệt này cây đào Nhật Tân như được truyền thuốc bổ, được tiếp thêm sức sống từ thiên nhiên, từ tạo hóa nên cả nụ, chồi non đều bật lên và phát triển rất nhanh.

Gió Đông Nam về, nụ đào chỉ bé bằng nửa hạt gạo thì phát triển rất nhanh và có thể kích thước gần bằng hạt đậu tương. Chồi non nhú lên phát triển xanh mơn mởn đầy sức sống.

"Theo kinh nghiệm được cha ông truyền lại, gió Đông Nam mang theo nhiệt độ ấm, độ ẩm lớn nên khi gió về, cây đào Nhật Tân phát triển, đâm chồi, nẩy lộc và nụ, hoa phát triển rất mạnh như có được chất kích thích đặc biệt.

Nhờ điều này mà đào Nhật Tân bao năm nay vẫn là biểu tượng Tết cổ truyền của mỗi gia đình người Hà Nội”, người trồng đào lâu năm này cho hay.

Hoàng Sơn

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nguoi-trong-dao-nhat-tan-lan-dau-tiet-lo-bi-quyet-giup-no-hoa-dung-dip-tet-d196049.html