Người trẻ học được gì sau 3 tháng TP.HCM giãn cách xã hội?

Do dịch bệnh, mọi hoạt động giải trí thường ngày mất đi. Nhiều bạn trẻ ở TP.HCM tìm tòi học hỏi những kỹ năng mới như là cách để khoảng thời gian ở nhà trở nên thú vị và đáng nhớ.

Đã 3 tháng, người dân TP.HCM được yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội. Nếu là một người đã quen với việc đi ra ngoài hay hẹn hò gặp gỡ bạn bè thường xuyên, việc ở yên trong nhà có thể khiến bạn chán nản.

Tuy nhiên, có rất nhiều cách để lấp đầy khoảng thời gian này. 4 bạn trẻ dưới đây đã chia sẻ với Zing hành trình tìm tòi, học hỏi những kỹ năng mới.

Học tiếng Hoa

Vốn thích xem phim và đọc tin tức của làng giải trí Hoa ngữ, chị Phạm Minh Châu (28 tuổi, ở quận Tân Bình) nhen nhóm ý định học tiếng Hoa từ lâu. Nhưng chị luôn bận rộn với công việc.

Chỉ đến khi TP.HCM giãn cách, Minh Châu mới nhận ra đây là thời điểm thích hợp cho việc học của mình. Chị tìm thầy giáo dạy cố định. Cứ hai buổi/tuần, chị và thầy giáo gặp nhau qua màn hình laptop để trao đổi bài vở. Còn những ngày khác, người phụ nữ này tận dụng thời gian rảnh xem phim Trung Quốc.

 Minh Châu học tiếng Hoa để giải tỏa năng lượng tiêu cực trong mùa dịch. Ảnh: NVCC.

Minh Châu học tiếng Hoa để giải tỏa năng lượng tiêu cực trong mùa dịch. Ảnh: NVCC.

“Việc ‘cày phim’ bây giờ có một chút thay đổi. Nếu như trước đây tôi chỉ tập trung vào tình tiết thì bây giờ, tôi chú ý kỹ hơn về cách phát âm của nhân vật. Phòng trường hợp sau này học tới thì mình cũng đã có một số hiểu biết nhất định”, chị Châu chia sẻ kinh nghiệm.

Tiếng Hoa là ngôn ngữ tượng hình nên chữ viết cũng khác bảng chữ cái của tiếng Việt hay tiếng Anh. Nó đòi hỏi người học cần sự tập trung, kiên nhẫn. Mỗi khi gặp chuyện bực bội hay cần xả stress, chị Châu sẽ lấy vở để rèn chữ cho tinh thần thoải mái.

“Đừng đặt mục tiêu là học để giỏi hay gì cả. Chỉ cần đỡ chán, bớt đi năng lượng tiêu cực thì cũng là thành công lớn” là châm ngôn của Minh Châu. Chị cho rằng nếu bạn cảm thấy lười biếng, hãy cứ dẹp sang một bên. Ví dụ trong việc học tiếng Hoa, bạn có thể vừa học vừa giải trí bằng cách nghe nhạc, xem phim hay đọc tin tức liên quan.

Ngoài trau dồi ngôn ngữ mới, Minh Châu còn trang bị cho mình thêm kiến thức về chỉnh sửa video. Nhờ theo dõi các YouTuber, TikToker chuyên lĩnh vực này mà chị đã có thể tự tay cắt ghép video hoàn chỉnh.

“Mọi thứ không khó như mình tưởng tượng. Càng học, mình càng phục các bạn trẻ ngày nay vì các bạn thật sự giỏi khi ai cũng rành về những kỹ năng này”, Minh Châu nói.

Vẽ tranh, chơi kèn harmonica

Vẽ tranh sơn dầu là cách Bảo Nhân (38 tuổi) dành cho bản thân mình một khoảng không đầy màu sắc. Đây cũng là việc làm cần đầu tư thời gian và tỉ mỉ. Nhờ vẽ tranh mà anh sống chậm lại, khai thác thêm khả năng mà bản thân chưa từng biết đến.

Trong quá trình làm phim Gái Già Lắm Chiêu 3, Bảo Nhân có cơ hội tiếp xúc với nữ họa sĩ Bội Trân chuyên vẽ tranh sơn dầu. Nó khơi lên sự tò mò nơi anh. Mãi đến đợt dịch đầu, anh dành thời gian đọc sách để hiểu rõ hơn về kỹ thuật sơn dầu và bắt tay vào thử cầm bút lên vẽ.

Những tác phẩm tâm đắc của Bảo Nhân được anh gửi tặng đến bạn bè. Ảnh: NVCC.

Những tác phẩm tâm đắc của Bảo Nhân được anh gửi tặng đến bạn bè. Ảnh: NVCC.

“Vừa vẽ vừa rút kinh nghiệm”, Bảo Nhân cho biết. Sang đến giai đoạn TP giãn cách, anh lại bày biện đồ vẽ ra hoàn thành 2 bức tranh mới. Bảo Nhân cũng thử nghiệm thêm nhiều kỹ thuật và phong cách trong thể loại tranh sơn dầu.

“Tôi không theo trường phái nào mà chỉ muốn vẽ những bức tranh theo ý niệm màu sắc, bố cục của bản thân mình để khỏi nhàm chán trong thời gian giãn cách xã hội”, người đàn ông này nói.

Xem đây như một thú vui, Bảo Nhân không đặt nặng vấn đề phải trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Khi nào cảm thấy tinh thần thoải mái, anh mới bày đồ đạc ra để vẽ. Anh cũng không đặt nặng thời gian phải vẽ xong.

Theo Bảo Nhân, một bức tranh sơn dầu sẽ hoàn thành khi bạn ngừng vẽ. Gần đây, anh đem tặng bạn bè những tác phẩm của mình như một món quà khích lệ tinh thần.

Thời điểm này năm ngoái, chị Phoebe Jang (29 tuổi, ở quận 8) có lẽ đang leo núi trekking ở Đà Lạt hoặc tận hưởng cái nắng ở Phú Quốc. Năm nay, TP giãn cách nên chị chỉ ở nhà. Ngoài duy trì các hoạt động như tập thể dục tại nhà, viết blog nhật ký,... Phoebe tìm tòi học chơi kèn harmonica.

 Phoebe tìm thấy niềm vui khi tập chơi kèn harmonica. Ảnh: NVCC.

Phoebe tìm thấy niềm vui khi tập chơi kèn harmonica. Ảnh: NVCC.

Theo chị, kèn harmonica khác với các nhạc cụ thông thường. Thay vì chỉ thổi ra để phát nốt, harmonica thổi ra hay hút vào đều ra nốt. Nó yêu cầu người sử dụng nhạc cụ một cột hơi vững. Để làm được điều này, chị Phoebe phải tập thở bằng cơ hoành.

Sau 3 tháng tự học, chị rút ra kinh nghiệm rằng mình nên xác định được vị trí nốt “Đồ” đầu tiên, sau đó mới nên di chuyển đến các nốt khác.

Để việc học luôn theo tiến độ, Phoebe chọn một khung giờ cố định và lên kế hoạch rõ ràng. Chị nhận thấy tự học giúp mình tìm hiểu sâu hơn cũng như rèn luyện tính tự giác tốt hơn.

Việc duy nhất khiến Phoebe lo lắng là tiếng nhạc có thể gây ồn cho những người xung quanh. Chị luôn vào phòng riêng, đóng cửa khi tập để ngăn âm thanh phát ra.

Tiết kiệm tiền

David Nguyễn ( 27 tuổi, ở quận Gò Vấp) tự nhận mình tiêu tiền khá ngẫu nhiên. Gần như có 10 đồng, anh dùng hết 10 đồng và không quan tâm đến những chuyện như dự phòng, tiết kiệm hoặc đầu tư. Dịch Covid-19 đến đã thay đổi quan điểm của David.

Sở dĩ một phần do thu nhập không còn dồi dào như trước, một phần bố mẹ nay lớn tuổi, lỡ chẳng may dính bệnh rất tốn kém nên David bắt đầu để ý kỹ hơn đến vấn đề chi tiêu. Hóa ra, anh từng mua một lúc 20 cuốn sách dù rõ ràng không thể đọc và sắm quần áo đẹp như một cách giảm căng thẳng.

 Quản lý lại túi tiền giúp David Nguyễn có được một khoản tiết kiệm phòng hờ rủi ro, bệnh tật. Ảnh: NVCC.

Quản lý lại túi tiền giúp David Nguyễn có được một khoản tiết kiệm phòng hờ rủi ro, bệnh tật. Ảnh: NVCC.

“Tôi nhìn lại tất cả mọi giao dịch, chi tiêu tháng trước và bất ngờ khi biết mình toàn ‘bung tiền’ cho những khoản vô bổ”, chàng trai bộc bạch.

Nắm được tình hình, David tập thói quen ghi chép lại các khoản chi tiêu qua một ứng dụng quản lý túi tiền. Đồng thời, anh học thêm một số cách để quản lý tiền như không để mất chỉ số tín dụng cá nhân, cách lập sổ tiết kiệm, cách kiểm soát tiền theo công thức 6 chiếc lọ, những nguồn đầu tư nào là hiệu quả và an toàn cũng như không mất quá nhiều thời gian để theo đuổi.

Và kết quả thật sự đáng kể. Từ chi 25-30 triệu đồng/tháng, David đã giảm con số xuống còn 6 triệu. Đáng nói là chất lượng cuộc sống của anh không hề thay đổi. Anh nhận ra mình tỉnh táo hơn khi bỏ bất kỳ thứ gì vào giỏ hàng mua sắm online. Nó giúp anh có được cảm giác an toàn vì giờ đây, anh có một khoản tiền tiết kiệm đáng kể.

“Tiết kiệm khác với tằn tiện, đôi khi bạn cũng cần tự thưởng để động viên tinh thần bản thân”, chàng trai 27 tuổi đúc kết.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Đông Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-hoc-duoc-gi-sau-3-thang-tphcm-gian-cach-xa-hoi-post1265071.html