Người trẻ giữ hồn nghệ thuật truyền thống

Giữa dòng chảy hội nhập và toàn cầu hóa Quốc tế, giữa mớ hỗn tạp văn hóa ngoại lai du nhập, những giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống vốn là hồn cốt của một Quốc gia, một dân tộc vẫn có sức hút không nhỏ đến thế hệ trẻ và được thế hệ trẻ lan tỏa theo một cách rất riêng.

Văn hóa giữa dòng chảy hội nhập

Trong dòng chảy của kỷ nguyên số, khi mà việc tiếp cận thông tin và giao lưu xuyên biên giới trở nên phổ biến và dễ dàng cũng đã tạo điều kiện cho quá trình giao thoa văn hóa, trong đó có nghệ thuật. Ở thời đại này, thế hệ trẻ như GenZ là đối tượng "cảm thụ" nhanh nhất quá trình này. Mãnh lực của A.I, đổi thay chóng mặt của công nghệ giải trí có nguy cơ đã, đang và sẽ "xâm lấn" những giá trị văn hóa truyền thống vốn là hồn cốt của một quốc gia, một dân tộc. Làm thế nào để thế hệ trẻ biết tới và trân trọng chất liệu văn hóa truyền thống dân tộc luôn là băn khoăn, trăn trở? Và có hay không câu chuyện thế hệ trẻ đang chạy theo trào lưu thời đại, đang dần xa rời và lãng quên đi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc?

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: Lê Rin

Câu trả lời là không! Chỉ là giới trẻ đang chưa tìm được phương thức phù hợp để tiếp cận các giá trị đó mà thôi. Họ vẫn đang không ngừng tìm hiểu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy.

Đi đôi với những thách thức chính là cơ hội, kỷ nguyên số đã giúp lớp trẻ tiếp cận dễ dàng hơn với các giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống. Từ hội họa, kiến trúc, trang phục, văn học cho tới âm nhạc, kịch nghệ... đều khai thác từ những chất liệu nghệ thuật văn hóa truyền thống tưởng chừng đang lạc lối giữa dòng chảy hiện đại lại đang trở nên phổ biến hơn với cộng đồng giới trẻ thông qua công nghệ, qua bàn tay tài hoa và trên hết là qua óc sáng tạo không ngừng nghỉ cho nghệ thuật truyền thống. Chính nhờ hội nhập và tiếp cận với môi trường quốc tế, thế hệ trẻ đã "vượt cạn" từ những chất liệu truyền thống để tạo ra một phiên bản "địa phương hóa" mang đậm màu sắc vùng miền, gìn giữ và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, làng nghề thất truyền.

Xét một cách tổng quan, một tín hiệu đáng mừng là thế hệ trẻ ngày nay không chỉ đơn thuần là "nhìn về quá khứ", mà họ mang theo những giá trị văn hóa truyền thống và tài sản di sản văn hóa để tái hiện chúng dưới góc nhìn hiện đại và độc đáo. Việc này đã giúp các giá trị văn hóa được duy trì và vươn xa hơn. Tuy nhiên, làm như thế nào để khiến những dấu hiệu tích cực này không chỉ còn dừng lại ở câu chuyện phong trào hay tồn tại trong những cộng đồng nhỏ lẻ và biến nó trở thành nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ. Bởi văn hóa luôn có sự giao thoa, góp phần tạo nên sự giàu có của một nền văn hóa. Nhưng khi đưa văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống vào trong sáng tạo thì ranh giới giữa giao thoa và xâm lấn đang trở nên mỏng dần.

Tiếp cận theo cách riêng của mình

Khi nhắc tới hội họa, hình ảnh của những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách hội họa truyền thống ngày một xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng trẻ. Thông qua nhiều phương thức truyền tải, nhiều họa sĩ trẻ đã thổi hồn dân tộc vào trong các tác phẩm của mình. Đó là cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế trong quá khứ, từ đó sáng tạo và đưa phong cách cá nhân để hình thành nên các tác phẩm của mình.

Lễ hội đua thuyền Tứ Linh ở Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Lê Rin

Một ví dụ tiêu biểu là họa sĩ Thái Linh, người đã sáng tạo ra những tác phẩm Digital art ấn tượng và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng- để khi nhìn vào các tác phẩm ấy không khó để hình dung ra những hình ảnh rất Việt Nam như áo tứ thân, nón lá... Trong khi đó, Nam Chi là một người trẻ theo đuổi tranh dân gian một cách hàn lâm và luôn tìm về sự nguyên bản. Đem lòng cảm mến tranh dân gian trong một lần tham quan làng nghề, Nam Chi đã dành nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu các dòng tranh như Hàng Trống, Kim Hoàng,…

Còn với Lê Rin lại theo đuổi Food Illustrator về ẩm thực, du lịch và văn hóa - lịch sử dân tộc khi tái hiện sinh động hàng trăm món ăn đặc trưng 3 miền, hàng chục làng nghề có nguy cơ mai một, cùng hàng loạt kiến trúc đình làng, trang phục truyền thống các dân tộc... qua những cuốn sách artbook nổi tiếng "Việt Nam miền ngon", "Việt Nam dọc miền du ký" (tập 1, tập 2)... Trong đó phải kể việc vẽ phục dựng lại hầu như nguyên vẹn những bức tranh thờ Tết làng Sình (Huế), làng hoa giấy Thanh Tuyên (Huế), làng nghề đan võng Khánh Nhơn (Ninh Thuận), mâm cơm âm phủ ở Huế, làng chằm nón An Hòa (An Giang)...

Họa sĩ Lê Rin

Trong hội họa việc tập trung đi sâu vào kỹ thuật, chất liệu và đặc biệt là những câu chuyện văn hóa, câu chuyện thời đại đằng sau mỗi bức tranh luôn được các họa sĩ đặc biệt lưu tâm. Họa sĩ Lê Rin tâm niệm, khi vẽ ra một bức tranh dân gian không chỉ đúng mà phải có rất nhiều ý nghĩa hay đằng sau mỗi bức tranh.

Những bức tranh khi làm "tròn vai" như vậy sẽ có thể truyền đạt lại cho lứa họa sĩ kế cận giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc một cách chính xác, và trên hết là bảo tồn, lưu giữ cũng như lan tỏa các giá trị đó. Mỗi cuốn sách khi cho ra mắt đều mang một thông điệp: "Dành tặng những người yêu món ăn Việt!" (Việt Nam miền ngon), "Dành tặng cuốn sách này cho ba má, những người chưa từng có một chuyến du lịch đúng nghĩa" (Việt Nam dọc miền du ký)...

Còn với Thái Linh lại lựa chọn phá cách trên những cảm hứng truyền thống "nghệ thuật mình theo đuổi là phải cố tìm ra cái mới". Nguồn cảm hứng của anh đến từ những dư ảnh được lưu trong trí nhớ như ký ức, trải nghiệm hay cuộc sống thường nhật. "Khi ra ngoài mình thường phác thảo lên tablet hoặc nhớ trong đầu để lưu lại những cảm hứng mà mình tình cờ bắt gặp, đó có thể là từ sách, từ một bức tranh trên đường hay các hình ảnh trong chùa, trong phủ.

Từ đó, mình sắp xếp chúng lại với nhau và tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh", Thái Linh chia sẻ. Chính nhờ việc không bị ràng buộc bởi các quy chuẩn mà tái hiện lại thông qua cảm nhận, những tác phẩm của Thái Linh có màu sắc cá nhân cao nhưng vẫn gợi nhớ nét truyền thống.

Họa sĩ Thái Linh

Một ví dụ được hai bạn trẻ Thái Linh và Nam Chi kể đến là câu chuyện tạo hình của con rồng, nếu không nắm giữ những quy chuẩn về sự khác biết thì rất dễ để nhầm lẫn rồng của Việt Nam với rồng của Trung Quốc. Chỉ khi thực sự hiểu và nắm rõ thì mới tạo nên bản sắc truyền thống trong những tác phẩm sáng tạo. Nói thêm về vấn đề này, Nam Chi cũng nêu một thực trạng "hiện nay cũng có nhiều bạn trẻ theo đuổi phong cách hội họa thuần về truyền thống nhưng lại bị pha trộn những yếu tố Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy gọi là "theo phong cách" tranh Hàng Trống nhưng các tác phẩm của các bạn lại chỉ có một vài hay thậm chí là thiếu đi yếu tố của dòng tranh này".

Như vậy, phá cách giúp những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam lan tỏa rộng rãi hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ biên giới quốc gia và văn hóa truyền thống được kết hợp sẽ tạo nên vị thế và chỗ đứng cho các tác phẩm sáng tạo của người trẻ Việt trong thế giới hội nhập. Hàn lâm giúp duy trì và bảo tồn những quy chuẩn về mặt giá trị của văn hóa truyền thống, để người trẻ có thể dễ dàng tìm hiểu và sử dụng như một nguồn cảm hứng cho các sáng tạo của mình.

Công cụ tiếp sức cho sáng tạo

Câu chuyện bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ mà còn là phát triển. Theo dòng chảy của công nghệ với sự xuất hiện của Internet, Smartphone/tablet, máy in 3D... trải nghiệm văn hóa dần trở nên đa dạng hơn.

Từ nhìn ngắm tĩnh, giờ đây công nghệ đã giúp con người đưa chuyển động và âm thanh vào để tạo nên motion graphic hay thậm chí là còn có thể cầm, nắm và cảm nhận được thông qua công nghệ in 3D. Bằng cách đa dạng hóa hình thức trải nghiệm, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ dễ dàng tiếp cận với người trẻ hơn, tạo nên nguồn cảm hứng và khuyến khích họ tìm về nguyên bản của văn hóa truyền thống.

Tác phẩm lấy cảm hứng từ bộ tranh “Tứ Bình Tố Nữ” của Nam Chi giữ nguyên những nguyên tắc trong tranh Hàng Trống, mang đậm dấu ấn Việt Nam. Ảnh: Nam Chi

Chính những cách tiếp cận mới với tính ứng dụng cao sẽ dễ dàng tiếp cận với người trẻ hơn nhưng cũng chính những sáng tạo này sẽ thôi thúc họ tìm về những giá trị gốc. Đó cũng chính là cách để lan tỏa văn hóa truyền thống tới nhiều người hơn.

Không chỉ trong việc lan tỏa, tương tự câu chuyện của Lê Rin, Nam Chi hay Thái Linh, công nghệ cũng giúp các họa sĩ trẻ có thể dễ dàng lưu giữ những nguồn cảm hứng hay phác thảo lại những hình ảnh mà mình tình cờ bắt gặp và thông qua sự trợ giúp của bộ công cụ trên thiết bị, từ đó có thể tạo ra những tác phẩm sáng tạo trong một thời gian ngắn.

Họa sĩ Nam Chi

Với tablet, Thái Linh đã tạo nên tác phẩm "The Healing" cùng nhiều chi tiết phức tạp chỉ trong vòng 3 ngày; trong khi Nam Chi lại phải mất từ 6 ngày cho tới 6 tháng để hoàn thiện một tác phẩm. Tuy nhiên, Nam Chi cũng bày tỏ sự cảm thán trước lợi ích mà công nghệ đem lại: "Giờ đây, đến cây cọ hay xơ dừa làm cọ mình cùng có thể đặt hàng online". Nhờ vậy mà chàng họa sĩ trẻ đã tiết kiệm được thời gian hơn trong việc tạo nên các chất liệu vẽ.

Còn Lê Rin, anh đã tham khảo màu sắc công nghệ trên Internet để ứng dụng, hoàn thiện sản phẩm màu nước truyền thống của mình.

Tựu chung lại, thế hệ trẻ hiện nay đang dành nhiều sự quan tâm hơn đến các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng làm sao để thực sự lưu giữ lại bản sắc trong khi vẫn có thể lan tỏa những giá trị này theo một cách sáng tạo, gần gũi đòi hỏi sự nghiêm túc và niềm đam mê ở trong mỗi người trẻ. Bởi hơn hết, họ có một tình yêu lớn lao dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc, đang ngày ngày miệt mài thổi một làn gió mới đầy năng động, trẻ trung, nhiệt huyết và đem đến những tác phẩm, góp một phần công sức của mình để những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc được lan tỏa và biết tới nhiều hơn nữa.

Phạm Hoài - Hà Kiều

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-tre-giu-hon-nghe-thuat-truyen-thong-20240207004736687.htm