Người trẻ đến gần hơn với thi ca tại Ngày Thơ Việt Nam 2024

Ngày 24/2, nhiều người yêu thơ đã không ngại mưa rét đến tham dự ngày chính hội và ghé thăm không gian trưng bày di sản thơ ca của Ngày Thơ Việt Nam 2024 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Không chỉ những người lớn tuổi, sự kiện cũng thu hút nhiều công chúng trẻ tuổi.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 có chủ đề “Bản hòa âm đất nước” được diễn ra trong hai ngày 23, 24/2/2024 (tức ngày 14, 15 tháng Giêng Âm lịch) tại Hoàng thành Thăng Long, thủ đô Hà Nội.

Những vầng trăng non uốn lượn trên hành trình tròn đầy vào đúng ngày Rằm là ngôn ngữ thiết kế cho không gian của ngày hội.

Cổng thơ nhìn từ phía Nhà Ký ức.

Điểm nhấn của Ngày Thơ Việt Nam năm nay là Nhà Ký ức – nơi trưng bày các kỷ vật, hiện vật đặc biệt của các nhà thơ danh tiếng qua nhiều thời kỳ của văn học Việt Nam. Các hiện vật này do Bảo tàng Văn học Việt Nam cung cấp và được Ban tổ chức lựa chọn, giới thiệu tới khách tham quan.

Nhà Ký ức tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22.

Nhà Ký ức mang hình dáng của một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên. Lối dẫn vào là con đường thơ với hình ảnh mầm lá non cách điệu, được điểm tô bằng họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Bước qua cổng thơ là đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Trên mỗi mầm lá có in một câu thơ hay được tuyển chọn, tổng cộng có 54 câu thơ, tương ứng với 54 dân tộc Việt Nam.

Một số câu thơ quen thuộc với nhiều thế hệ học trò bởi từng được dạy trong chương trình môn Ngữ Văn các cấp.

Có tất cả 12 nhà thơ tiêu biểu được giới thiệu tại Nhà Ký ức. Đứng đầu là nhà thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc thiểu số đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Bài thơ Rằm tháng Giêng được trích dẫn trong gian trưng bày những tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được xem là một trong những bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX và càng ý nghĩa hơn khi sự kiện được tổ chức vào đúng dịp Tết Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng Âm lịch.

Một số bản in các tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các nhà thơ nổi tiếng của các dân tộc thiểu số tại Nhà ký ức như nhà thơ Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Y Phương, Mạc Phi (dân tộc Tày), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao Tiền)…

Tượng của nhà thơ Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày).

Mỗi kỷ vật đều ẩn chứa một câu chuyện riêng, giúp người xem hiểu hơn về quá trình sáng tác của các nhà thơ. Trong đó, có cả những bản thảo được viết tay trên chiến trường hay nhiều đồ vật từ một thời xa vắng. Tất cả đều được nâng niu, giữ gìn để thể hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về văn hóa, lịch sử dân tộc.

Kỷ vật của nhà thơ Y Phương, tác giả của bài thơ “Nói với con” trong chương trình Ngữ Văn 7.

Kỷ vật của nhà thơ Quách Tấn (dân tộc Hoa).

Kỷ vật của nhà văn Vi Hồng (dân tộc Tày).

Kỷ vật của nhà thơ Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao Tiền).

Ngoài các vần thơ hay ca ngợi thiên nhiên, đất nước và con người, đường thơ còn có sự xuất hiện của nhiều vần thơ đặc sắc về tình yêu đôi lứa hay từ các tác phẩm trong nhà trường phổ thông. Điều này khiến nhiều công chúng trẻ cảm thấy hào hứng, thú vị.

Hai bạn trẻ chăm chú đọc thơ tại không gian của Nhà Ký ức.

Ngày Thơ Việt Nam 2024 thực sự là một sự kiện đặc biệt tôn vinh, lan tỏa vẻ đẹp của thơ ca và nét văn hóa đặc sắc thông qua thơ ca. Công chúng trẻ không chỉ được xem, chiêm nghiệm những tác phẩm hay, giàu ý nghĩa mà còn có cơ hội đến gần hơn với thơ ca giữa đời sống văn học hiện đại ngày nay.

Một bạn nhỏ vui mừng khi được bà dẫn tới tham dự ngày hội.

Giữa tiết trời mưa phùn gió bấc của những ngày đầu xuân, Ngày Thơ Việt Nam 2024 vẫn thu hút nhiều công chúng yêu thơ tới tham dự.

Trịnh Vũ Lam Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nguoi-tre-den-gan-hon-voi-thi-ca-tai-ngay-tho-viet-nam-2024-post1615027.tpo