Người trẻ có cần được 'chữa lành'?

Chưa bao giờ, cụm từ 'chữa lành' (healing) lại trở nên phổ biến đến thế. Từ ti vi, mạng xã hội cho đến trong đời sống, đâu đâu người ta cũng nói về những câu chuyện gắn với chủ đề 'hót' này như: tình yêu 'chữa lành'; chuyến đi 'chữa lành'... thậm chí là em bé 'chữa lành'. Vậy 'chữa lành' là gì và vì sao nhiều người, đặc biệt là thế hệ GenZ lại nhắc nhiều đến khái niệm này như vậy?

Đi du lịch là cách được nhiều người trẻ lựa chọn để “chữa lành” - Ảnh: N.P

Ở độ tuổi đẹp nhất của một người con gái, thay vì đón nhận những điều tích cực trong cuộc sống, chị H.A. (26 tuổi) lại cảm thấy rất áp lực, liên tục bị stress, mất ngủ nhiều đêm. Sau khi ra trường, H.A. chưa có việc làm ổn định, người thân, họ hàng thường xuyên hỏi về thu nhập, lương thưởng; bạn bè xung quanh nếu không phải thành công trong công việc thì cũng đã kết hôn, bận bịu chăm lo cho gia đình nhỏ... So sánh với bản thân, cô gái trẻ này chỉ muốn “chạy trốn” đến một nơi thật xa.

Thế rồi một ngày, H.A. bất ngờ đăng lên facebook bức hình tươi cười rạng rỡ trước biển xanh cát trắng với dòng trạng thái: “Yêu cuộc sống hơn sau chuyến đi chữa lành”. Chia sẻ với chúng tôi, chị H.A. cho hay: “Trước đây, tôi cứ để cuộc sống của mình trôi qua một cách vô nghĩa. Bố mẹ, người thân, bạn bè quá bận rộn, không ai chịu lắng nghe tâm sự của tôi.

Thậm chí có những buổi sáng tôi không muốn tỉnh dậy vì chẳng biết mình sẽ phải làm gì trong ngày hôm ấy. Rồi tôi quyết định một mình đi du lịch, tự khám phá những vùng đất mới. Nhờ vậy mà bây giờ tinh thần của tôi trở nên sảng khoái, mở mang thêm nhiều kiến thức. Trở về với cuộc sống thường nhật, mọi áp lực, phiền muộn của tôi cũng dần tan”.

Không có điều kiện để đi du lịch như chị A. nên cách “chữa lành” được X.H. (20 tuổi) lựa chọn là... lên mạng nghe podcast và các vị sư giảng pháp online. Vì không thể chịu được những áp lực vô hình đang đè nặng trên vai, H. gần như dành toàn bộ thời gian để chìm đắm trong những podcast hay video chữa lành được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là tiktok.

“Những video với nội dung hài hước hoặc truyền động lực, khuyên các bạn trẻ tự tin với lựa chọn của bạn rồi tương lai sẽ dẫn lối giúp tôi cảm thấy bản thân tích cực hơn”, H. bộc bạch.

Theo chuyên gia tâm lý, “chữa lành” là sự phục hồi tâm lý bằng các nguồn lực bên trong và bên ngoài xã hội khi một ai đó đương đầu với nghịch cảnh hoặc các vấn đề gây khó chịu trong cuộc sống. Mục tiêu cuối cùng của “chữa lành” là cân bằng đời sống tâm lý (sức khỏe tâm thần) của con người và tạo ra cảm nhận hạnh phúc.

Xã hội ngày càng phát triển, guồng quay công việc, áp lực đồng trang lứa, tiêu chí phải có nhà, xe và nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng mới được gọi là thành công đang đè nặng lên vai của nhiều bạn trẻ khiến họ có nhu cầu được “chữa lành”. Không phủ nhận vai trò của “chữa lành” khi nhiều người tự xoa dịu được vết thương tâm lý, thoát khỏi rối loạn, lo âu, trầm cảm.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, trào lưu “chữa lành” đang ẩn chứa nhiều vấn đề tiêu cực. Lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi đau trong tâm hồn của người khác, nhiều khóa học, lớp học “chữa lành” được mở ra với giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng, thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia.

Họ chào mời, lôi kéo với những lời đường mật cùng những lời khuyên, cách giải quyết các vấn đề tinh thần, tâm lý chẳng khác gì một chuyên gia. Tại Quảng Trị, dù chưa thấy xuất hiện các lớp học này nhưng theo dõi một số hội nhóm “chữa lành” trên mạng, có không ít tài khoản có địa chỉ ở Quảng Trị.

Bị hấp dẫn với những lời chia sẻ gần gũi, “giống như đang nói về hoàn cảnh của mình” của giáo viên lớp học chữa lành online, T.N, hiện đang sống tại huyện Vĩnh Linh đã nhanh chóng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, háo hức bao nhiêu, sau khi học, N. lại thất vọng bấy nhiều bởi mất tiền nhưng chẳng thu về được kết quả bao nhiêu.

“Tôi đã nghe nhưng thực sự không thể thấm nổi những lời lẽ sáo rỗng mà họ nói. Đúng là “chữa lành” nhưng là “lành ít dữ nhiều”, N. hài hước nói. Trên thực tế, bên cạnh một bộ phận người trẻ dễ tổn thương, không thể làm chủ cảm xúc của chính mình; dễ bị tác động, lung lay, thậm chí bế tắc khi bản thân không đạt được điều mong muốn thì nhiều người vẫn đang “ăn theo”, hưởng ứng phong trào, lấy cớ để được nghỉ ngơi, biện giải cho sự lười nhác lao động, chỉ thích hưởng thụ.

Về lâu dài, nếu không có sự nhìn nhận đúng đắn, trào lưu này sẽ hình thành lối sống thụ động, không có ý chí, chỉ thích sống ảo, hưởng thụ và hoàn toàn không phản ánh được đời sống thật của phần lớn người trẻ tích cực, có khát khao vượt lên hoàn cảnh sống để khẳng định giá trị bản thân. Do đó, mỗi người chúng ta, đặc biệt là giới trẻ phải tập làm chủ cảm xúc, hình thành các kỹ năng quản lý cảm xúc, cùng lan tỏa điều tích cực và phủ xanh cuộc sống bằng những hình mẫu đẹp, có lý tưởng, lối sống lành mạnh.

Trong trường hợp muốn thực sự “chữa lành”, thay vì tham gia các khóa học online, hãy tìm đến các trung tâm tư vấn, tham vấn trị liệu hay các phòng khám liên quan đến tâm lý để được tư vấn một cách khoa học.

Nam Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguoi-tre-co-can-duoc-chua-lanh-185185.htm