Người tiên phong vận động xóa nhà tạm, xây dựng đời sống ấm no chốn non sâu

Bao mùa mưa nắng đi qua, ngày nối ngày đôi chân của già làng Cao Lê Dân vẫn miệt mài đi vận động người dân xóa nhà tạm, giữ gìn vệ sinh môi trường, đoàn kết, chia sẻ lẫn nhau...

Già làng giúp dân xóa nhà tạm

Ngôi nhà của già làng Cao Lê Dân nằm tại thôn Tà Gụ (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa). Xưa nay, nhắc đến vùng đất này, nhiều người liên tưởng ngay đến sự xa xôi, lạc hậu, khó khăn… nhưng những điều ấy giờ đây dần được xóa bỏ, mà những người như già làng Cao Lê Dân đóng góp công sức không nhỏ vào sự đổi thay ấy.

Một trong những dấu ấn đầu tiên của già làng Cao Lê Dân đó là công cuộc vận động xóa nhà tạm. Ông chia sẻ rằng: "Các thôn làng ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, theo một số tôn giáo khác nhau (người Raglai là chính). Nỗi ám ảnh lớn nhất đó là mỗi khi trời mưa, gió mạnh phải sống trong những căn nhà tạm, rất cơ cực. Có gia đình hàng chục người sống phập phồng lo âu trong những căn nhà như thế. Vậy nên, mình nghĩ phải tạo ra đời sống an toàn trong những căn nhà kiên cố cho đồng bào. Thế là bắt đầu hành trình đi vận động xóa nhà tạm".

Già làng Cao Lê Dân, người tiên phong vận động xóa nhà tạm ở huyện miền núi Khánh Sơn.

Già làng Cao Lê Dân, người tiên phong vận động xóa nhà tạm ở huyện miền núi Khánh Sơn.

Những bước chân đầu tiên trong cuộc hành trình này, ông Dân gặp vô vàn khó khăn, bởi xưa nay đồng bào vùng sâu nơi đây điều kiện kinh tế vừa eo hẹp vừa có ý nghĩ nhà thế nào thì cứ ở vậy. Nhưng càng khó khăn, già làng Dân càng quyết tâm với khát khao cháy bỏng là thay đổi nếp nghĩ của người dân.

Từ đó, cứ mỗi khi trời nhá nhem tối, già làng Dân lại tất tưởi vào các làng để vận động các gia đình hãy đồng lòng xóa nhà tạm. Ông trải lòng mình: "Thấy dân ở trong nhà dột nát, siêu vẹo, lòng mình buồn vô tận. Ban đầu vận động người dân chưa thấu hiểu, mình cũng tâm trạng lắm, có hôm ngồi giữa núi đồi để nghe tiếng gió buồn se sắt thổi vào những ngôi nhà tạm".

Bằng tất cả uy tín và trái tim ấm nóng vì cộng đồng của mình, cuối cùng già làng Cao Lê Dân cũng thuyết phục bà con làng trên, xóm dưới nghe theo ông. Nhưng rồi, điều nan giải nhất là có đâu ra một lúc số tiền hàng trăm triệu để xây nhà kiên cố thay thế cho nhà tạm.

Nằm giữa các thung lũng, những căn nhà kiên cố ở Khánh Sơn đã được thay thế cho nhà tạm, không còn phập phồng lo sợ mỗi mùa mưa bão nữa.

Nằm giữa các thung lũng, những căn nhà kiên cố ở Khánh Sơn đã được thay thế cho nhà tạm, không còn phập phồng lo sợ mỗi mùa mưa bão nữa.

Bao đêm trăn trở, già làng Dân nghĩ ra sáng kiến vận động các hộ dân góp vốn xoay vòng. Nghĩa là 5- 10 hộ cùng góp tiền xây nhà kiên cố cho một hộ đầu tiên sau đó xoay vòng đến các hộ tiếp theo. Trung bình mỗi căn nhà kiên cố được xây với số tiền 70 đến 140 triệu đồng, tùy diện tích.

Gia làng Cao Lê Dân bộc bạch: "Tôi cứ sát cánh cùng bà con, phân tích cho họ hiểu nỗi khó khăn, gian khổ mỗi khi mưa lớn kéo về, thế là đồng bào mình cởi mở lòng ra. Nhiều người còn lấn bấn chưa thông suốt, tôi đứng ra bảo đảm. Từ 1 căn nhà ban đầu đến nay đã làm được hàng loạt căn nhà khá khang trang thay nhà tạm".

Điều đặc biệt hiếm người làm được như già làng Dân đó là, khi kêu góp góp vốn xóa nhà tạm, ông thuyết phục người có điều kiện thì góp nhiều, người khó khăn thì góp ít trên tinh thần tương thân, tương ái lẫn nhau. Thế nên, có những gia đình, quá khó khăn nhưng chỉ cần 10 triệu là có thể xây được nhà kiên cố.

Trong quá trình vượt qua mọi gian khổ, trở ngại để thay đổi nếp nghĩ của người dân vùng sâu, già làng Dân đúc rút ra rằng, để thuyết phục vận động bà con, bản thân người có uy tín phải miệng nói đi đôi với tay làm. Bà con chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực, hiệu quả với đời sống.

Xây dựng tình đoàn kết, đời sống ấm no

Theo nhiều người dân vùng cao Khánh Sơn, già làng Cao Lê Dân là đảng viên tiêu biểu ở vùng sâu, là biểu tượng của tình yêu thương, chăm lo cho cộng đồng. Tất cả việc làm của ông đều xuất phát từ lòng chân thành và lo lắng cho người khác nên ông nói ra điều gì mọi người đều nghe và làm theo.

Cùng với sự khen tặng của Ban Dân vận trung ương thì trong lòng bà con huyện miền núi Khánh Sơn, già làng Dân là đảng viên tiêu biểu, người hết lòng vì cộng đồng.

Cùng với sự khen tặng của Ban Dân vận trung ương thì trong lòng bà con huyện miền núi Khánh Sơn, già làng Dân là đảng viên tiêu biểu, người hết lòng vì cộng đồng.

Gia đình chị Bo Bo Lượm (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn), trước đây phải sống tạm bợ, qua sự vận động góp vốn kiểu xoay vòng của già làng Dân đã xây được căn nhà kiên cố với số tiền khoảng 170 triệu đồng. Chị Lượm hạnh phúc tâm tình: "Nếu không có lòng nhiệt huyết và sự vận động của già làng Dân thì chúng tôi không có được căn nhà như hôm nay. Trước đây ở nhà tạm, cứ trời đổ mưa to là cả nhà phải chạy tán loạn đi kiếm bạt che chắn nhưng nước vẫn cứ lùa vào nhà ồ ạt, rất khổ".

Ngoài việc vận động xóa nhà tạm, già làng Cao Lê Dân còn vận động người dân tích cực học hỏi các mô hình trồng cây keo rừng để cải thiện kinh tế, giữ đất không bị xói mòn. Bên cạnh đó, cứ khi mặt trời xuống núi, ông lại lặn lội đến từng nhà để nói cho bà con hiểu, muốn vượt qua khó khăn phải chăm chỉ làm ăn, đoàn kết tương trợ lẫn nhau.

Bên cạnh việc miệt mài vận động xóa nhà tạm, già làng Cao Lê Dân còn vận động các thôn, làng giữ vệ sinh đường xá, quanh nơi mình sinh sống.

Bên cạnh việc miệt mài vận động xóa nhà tạm, già làng Cao Lê Dân còn vận động các thôn, làng giữ vệ sinh đường xá, quanh nơi mình sinh sống.

Sau khi góp phần xây dựng khối đoàn kết, yêu thương, sẻ chia giữa các thôn, làng ở xã Sơn Hiệp và giúp đông đảo các gia đình xóa nhà tạm, cùng nhau quyết chí thoát nghèo, già làng Dân lại tiếp tục hành trình vận động khác. Đó là tuyên truyền người dân không mê tín dị đoan, ăn uống hợp vệ sinh và giữ gìn vệ sinh trên các tuyến đường thôn, xóm.

Mỗi khi thấy từng tốp thanh niên người Raglai tụ tập uống rượu với đồ ăn không hợp vệ sinh hay định cà khịa nhau, già làng Dân lại cầm tay từng người mà thổ lộ rằng: "Hãy dùng bàn tay để cần mẫn xây dựng cuộc sống giàu đẹp. Hãy siết vào nhau để đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm. Chỉ có thế các xóm, làng mới giàu, đời sống mới nâng cao lên được. Dù là người dân tộc nào thì cũng hãy xem nhau như anh em.

Hiểu lòng già làng Dân, các xóm làng đồng tâm từ bỏ lạc hậu, lao động cần mẫn, vỡ vạc đồi hoang, phủ xanh núi trọc. Điều này không chỉ mang lại những cây trĩu quả, tấp nập khách dưới xuôi lên mua mà còn chống xói mòn cho đất, không còn xuất hiện những luồng nước đỏ, đục ngầu mỗi khi trời nổi cuồng phong, trút xuống mưa bão nữa.

Với tinh thần sống vì cộng đồng, già làng Cao Lê Dân đã nhận được hàng loạt bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền.

Với tinh thần sống vì cộng đồng, già làng Cao Lê Dân đã nhận được hàng loạt bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền.

Rồi những lúc trong các làng có người mãi mãi ra đi hay lâm trọng bệnh, lời thầy cúng lại dội vào tai già làng Dân, dù mệt mỏi đến mấy ông cũng bật dậy đi khuyên giải người dân không nên quá nặng nề tin vào cúng bái. Phải làm theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước, xây dựng nếp sống mới. Có bệnh tật thì đến cơ sở y tế, làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Cứ thế, già làng Dân như một tuyên truyền viên đặc biệt làm thay đổi nhận thức đồng bào vùng cao.

Theo UBND xã Sơn Hiệp, những việc làm ý nghĩa của già làng Cao Lên Dân được địa phương đánh giá rất cao. Đặc biệt là mô hình góp vốn xoay vòng xóa nhà tạm sẽ được nhân rộng.

Với trái tim vì cộng đồng và những hành động thiết thực, bền bỉ của mình, già làng Cao Lê Dân nhận được nhiều khen thưởng cao quý như: Bằng khen của Trưởng Ban dân vận trung ương về thành tích trong phong trào dân vận khéo giai đoạn 2015 - 2020; Bằng khen của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; Bằng khen của Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa về thành tích học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng khác.

Nhờ sự vận động của già làng Cao Lê Dân, nhiều căn nhà tạm ở Khánh Sơn đã được xóa.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-tien-phong-van-dong-xoa-nha-tam-xay-dung-doi-song-am-no-chon-non-sau-169230925163329054.htm