Người thầy với niềm say mê cống hiến bất tận

Trở về từ cuộc chiến gian khổ, ác liệt, ông quay lại giảng đường. Bằng nỗ lực vượt bậc và tinh thần ham học cùng phẩm chất sáng ngời Bộ đội Cụ Hồ, ông trở thành nhà giáo, nhà khoa học mẫu mực, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông là Thiếu tướng, GS, TS Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị.

Gác bút nghiên lên đường chiến đấu

Mùa thu năm 1972 khi cả nước sục sôi khí thế ra trận, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tài hăng hái xung phong lên đường chiến đấu. Cùng thời điểm đó, anh nhận được giấy báo nhập học khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mặc dù ham học nhưng anh quyết định nhập ngũ với suy nghĩ: Tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc. Chính những năm tháng học trò, được nghe kể về những tấm gương anh hùng trong chiến đấu đã bồi đắp cho Nguyễn Văn Tài lý tưởng cách mạng, sẵn sàng cống hiến cho nghiệp lớn.

Trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 341 (Quân khu 4), Nguyễn Văn Tài cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường B. Chặng đường hành quân đầy hiểm nguy, đối mặt với các trận bom vô cùng ác liệt, nhưng trong tâm trí anh luôn mong ước đất nước sớm có ngày hòa bình để được trở về học tập. Nguyễn Văn Tài trải qua nhiều trận chiến đấu sinh tử cận kề. Năm 1975, Sư đoàn 341 của anh nằm trong đội hình Quân đoàn 4, được mệnh danh là “quả đấm thép” đánh trận Xuân Lộc. Sau Chiến thắng Xuân Lộc, đơn vị tiếp tục đánh Hố Nai, Trảng Bom, Biên Hòa, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trưa 30-4, Nguyễn Văn Tài cùng đồng đội reo vang niềm vui chiến thắng giữa đường phố Sài Gòn tưng bừng cờ hoa.

Thiếu tướng, GS, TS, NGND Nguyễn Văn Tài tặng sách học trò.

Tháng 8-1977, đơn vị Nguyễn Văn Tài nhận lệnh hành quân chiến đấu khi tập đoàn Pol Pot xâm phạm biên giới Tây Nam của Việt Nam. Ngày 22-12-1978, ngay sau lễ kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, sư đoàn lập tức nổ súng tiến công kẻ xâm lược, tiêu diệt gọn hai sư đoàn địch và tiếp tục cơ động chiến đấu. Ngày 7-1-1979, đoàn quân tiến vào giải phóng Phnom Penh. Sau đó anh bộ đội tình nguyện Nguyễn Văn Tài tham gia truy quét tàn quân Pol Pot, giúp đỡ nước bạn xây dựng chính quyền cơ sở.

Trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt đã tôi luyện cho Nguyễn Văn Tài bản lĩnh vững vàng, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách. Nhưng bên trong dáng vóc phong sương trận mạc ấy là một con người luôn khát khao được học tập, chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức. Đó là động lực để anh đến với giảng đường, tiếp tục phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Mang hành trang chiến trường về giảng đường

Vì nhiệm vụ chiến đấu, Nguyễn Văn Tài 4 lần bỏ lỡ cơ hội học đại học. Đến năm 1985, anh được cấp trên cử đi đào tạo chuyên ngành triết học tại Học viện Chính trị Quân sự (nay là Học viện Chính trị). Vậy là ước mơ bấy lâu của anh đã thành hiện thực. Nguyễn Văn Tài say sưa tìm hiểu những tác phẩm kinh điển của Các Mác, Lênin và các nhà khoa học tiền bối. Nhờ tư chất thông minh nên anh nhanh chóng tiếp cận được kiến thức về lý luận, những nguyên lý, phạm trù cứ thế dần sáng tỏ qua từng bài học. Từng trải qua chiến đấu, nên Nguyễn Văn Tài luôn vận dụng sát kiến thức lý luận với thực tiễn. Tốt nghiệp thủ khoa hệ đào tạo giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, Nguyễn Văn Tài được giữ lại trường làm giảng viên.

Thế là con đường khám phá tri thức ngày một rộng mở. Giảng viên trẻ Nguyễn Văn Tài coi giảng đường là nơi chắp cánh ước mơ, giáo án bài giảng là bạn đồng hành, còn tình thầy trò là lẽ sống cuộc đời. Thật vui biết bao khi người lính của một thời trận mạc nay trở thành người thầy chuyên chở con đò tri thức. Anh thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề. Nếu kiến thức truyền dạy cho học viên không trọn vẹn, đủ đầy thì mai sau sẽ đào tạo ra một thế hệ khiếm khuyết. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp “trồng người” trong quân đội. Do vậy, anh luôn trăn trở để mỗi bài giảng trở nên sinh động, sát thực tế, có sức thuyết phục.

Nhờ có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu, thầy giáo Nguyễn Văn Tài được mời giảng dạy ở các học viện, nhà trường ngoài quân đội, như: Viện Khoa học xã hội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Chính trị Công an nhân dân... Phương pháp giảng cho sinh viên dân sự cũng khác. Có lần thầy được mời giảng cho một trường đại học nhưng ban tổ chức sắp xếp nhầm lịch học. Những chuyên đề thầy chuẩn bị đều đã được giảng. Khi đó thầy quyết định giảng theo nguyện vọng của sinh viên, thiếu nội dung nào, truyền đạt nội dung đó. Sau khi sinh viên đọc tên chuyên đề, rất nhanh trong đầu thầy đã hình dung được các chương, mục, khái niệm, luận điểm. Bài giảng hôm đó nhận được những tràng vỗ tay nhiệt liệt của sinh viên. Kinh nghiệm thầy rút ra trong quá trình giảng dạy, đó là: Bài giảng hay là khi người dạy thoát ly giáo án. Đề cương, giáo án chỉ là cơ sở ban đầu để nghiên cứu, còn khi lên lớp người dạy phải linh hoạt tùy vào đối tượng để giảng cho phù hợp. Thầy ví mỗi con chữ như một nốt nhạc, bản nhạc ấy có hay không là nhờ bàn tay chỉ huy khéo léo của người nhạc trưởng. Người dạy cũng vậy, phải nắm chắc giáo án kết hợp với kiến thức tích lũy, kinh nghiệm sư phạm mới làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn.

Với những đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, thầy Nguyễn Văn Tài vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008, NGND năm 2014.

Rực cháy tình yêu khoa học

Đối với Thiếu tướng, GS, TS, NGND Nguyễn Văn Tài, nghiên cứu khoa học (NCKH) là niềm đam mê, có mối quan hệ mật thiết với công tác giảng dạy. Nghiên cứu chuyên sâu là cơ sở nâng cao năng lực sư phạm, bổ sung phát triển kiến thức. Đó cũng là con đường để khám phá và chiếm lĩnh tri thức mới. Trước đây, khi tốt nghiệp cử nhân bằng giỏi, rồi tiếp tục đi nghiên cứu sinh, các bài báo khoa học đầu tiên của thầy được đăng trên: Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, Tạp chí Triết học, Tạp chí Cộng sản được lãnh đạo, giảng viên, đồng đội đánh giá cao. Nhiều bài viết về “Nhà nước pháp quyền”, “Tìm hiểu về dân chủ tư sản”, “Nhân tố con người trong phòng, chống diễn biến hòa bình” được Giám đốc Học viện Chính trị Trần Xuân Trường (thời bấy giờ) đánh giá có thể phát triển thành những chuyên đề giảng sau đại học. Bằng tinh thần tự học tập, nghiên cứu, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Tài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đạt loại giỏi. Đây là động lực để Tiến sĩ triết học Nguyễn Văn Tài tiếp tục dấn thân và từng bước đạt thành công. Ông vinh dự được phong hàm phó giáo sư năm 2003; giáo sư năm 2010.

Với người làm khoa học, con đường nghiên cứu không bao giờ là điểm cuối. GS, TS Nguyễn Văn Tài tham gia nghiên cứu trên tất cả các tuyến của khoa học và là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, bộ, thành phố. Nhiều công trình có giá trị lý luận thực tiễn cao. Cho đến nay, công trình ông tâm đắc là đề tài cấp nhà nước “Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ giải phóng Thăng Long-Hà Nội”. Ông còn có nhiều công trình được nghiệm thu loại xuất sắc, như: “Vấn đề quốc phòng và an ninh trong phát triển bền vững Tây Nguyên” (đề tài cấp nhà nước), “Thực trạng nhận thức và giải quyết vấn đề về chiến tranh và hòa bình-Những vấn đề đặt ra cho quốc phòng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” (đề tài nhánh cấp nhà nước); "Nghiên cứu nâng cao chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ quan chiến lược thời kỳ mới" (đề tài cấp Bộ Quốc phòng)...

Trong hành trang NCKH của mình, GS, TS, NGND Nguyễn Văn Tài luôn coi sách là người bạn đồng hành thân thiết. Và cũng chính những cuốn sách ông viết ra là nơi gửi gắm những tri thức khoa học, làm phong phú thêm hệ thống tài liệu nghiên cứu. Cho đến nay, ông đã viết và chủ biên hơn 30 đầu sách, tiêu biểu như: “Sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long-Hà Nội”, được nhận Giải thưởng sách Việt Nam; Tuyển tập “50 năm nghiên cứu Triết học”, sách chuyên khảo “Phát huy tính tích cực xã hội của đội ngũ cán bộ nước ta hiện nay”... Hiện ông đang tham gia hội đồng biên soạn giáo trình giảng dạy các môn lý luận chính trị cho các trường đại học trong toàn quốc.

Là nhà khọc có uy tín trong ngành triết học, GS, TS Nguyễn Văn Tài đã hướng dẫn nhiều học trò trưởng thành trên con đường NCKH. Cho đến nay, đã có 17 nghiên cứu sinh, hơn 30 học viên cao học được ông hướng dẫn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và luận văn cao học. Với kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực triết học, ông còn là chủ tịch hoặc thành viên của nhiều hội đồng khoa học, nghiệm thu những công trình có giá trị tại các học viện, nhà trường trên cả nước. Cùng với đó, GS, TS Nguyễn Văn Tài tiếp tục nghiên cứu các đề tài tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nhằm làm sâu sắc hơn các vấn đề về lý luận, Triết học Mác-Lênin, qua đó góp phần củng cố, phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cuộc đời, sự nghiệp của Thiếu tướng, GS, TS, NGND Nguyễn Văn Tài là những “trận chiến” không ngừng nghỉ. Thời trai trẻ chiến đấu ngoài chiến trường thì nay trên mặt trận khoa học, ông lại vững vàng với những công trình nghiên cứu có giá trị. Từ người chiến sĩ trở thành nhà khoa học uy tín là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Nhưng dù ở cương vị nào ông cũng nỗ lực cố gắng hết mình với bầu nhiệt huyết ấm nóng và niềm say mê cống hiến bất tận.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/nguoi-thay-voi-niem-say-me-cong-hien-bat-tan-609656