Người thầy, người bạn trân quý

Phàm là người thích đọc sách đều hiểu rõ, sách vừa là thầy, vừa là người bạn trân quý. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay còn lẫn lộn nhiều sách rác, sách kém chất lượng trên thị trường và trên không gian mạng, nên việc đọc sách truyền thống, hay sách điện tử, bạn đọc cần tỉnh táo lựa chọn.

Cùng đọc sách, một thói quen tốt của nhiều học sinh.

Công nghệ thông tin làm thế giới thay đổi từng ngày. Thứ hôm nay là tân tiến, ngày mai có thể không còn phù hợp, ngay cả thói quen đọc sách, báo cũng không nằm ngoài cuộc. Không phải “ngày xưa”, mà chỉ cách nay hơn chục năm, bạn đọc các lứa tuổi chung sở thích có “sách gối đầu giường”. Đọc “ngấu nghiến”, gạch chân từng câu văn sâu sắc để đến hết chương cuối mở đọc lại. Còn bạn đọc bây giờ khác, đọc lướt, đọc nhanh, có khi đọc trong chốc lát xong mấy bộ tiểu thuyết lớn nhờ bản tóm tắt hoặc qua lời phê bình, chia sẻ cảm nhận, trải nghiệm sách. Bàn về đọc sách, thế hệ bạn đọc sinh năm 1990 về trước đều nhớ rất rõ: Sách là một loại hàng hóa đắt đỏ, nhưng có giá trị lớn là bồi bổ tinh thần.

Phần lớn bạn trẻ, nhất là đội ngũ sinh viên, trí thức đều có sở thích đến thư viện đọc sách. Nhiều cuốn sách như tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov; tiểu thuyết “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot... Hay như trong văn học Việt Nam, với các tiểu thuyết để đời như: “X30 phá lưới” của nhà văn Đặng Thanh; “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh… được truyền tay nhau đọc đến nhàu mép giấy, sách nát gáy vẫn trân quý. Sách cũ, mất trang nào là “ngơ ngẩn như người mất sổ gạo”. Nhiều người thậm chí còn nhịn ăn sáng để lấy tiền mua sách. Cách đọc, cách bình văn trân trọng làm nội dung cốt truyện có lẽ vì thế mà thẩm thấu sâu sắc vào tư duy, bổ sung cho người đọc vốn từ vựng và cách diễn đạt trong giao tiếp mạch lạc hơn.

Đúng như lời Các Mác nói: Sách cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi mặt của đời sống, giúp “con người sống người hơn”. Những năm gần đây, nhiều bạn đọc không còn “mặn mà” với sách truyền thống, mà theo xu hướng tìm đọc sách điện tử. Chính vì thế, những tủ sách thư viện truyền thống teo dần, hoặc chỉ như một nhà kho đựng sách phủ đầy bụi. Ngay như Thư viện tỉnh, năm 2013 phát hành gần 1.500 thẻ đọc, phục vụ gần 70.000 lượt bạn đọc, chủ yếu là đọc sách truyền thống, đến năm 2023, chỉ còn cấp được hơn 700 thẻ, phục vụ gần 41.500 lượt bạn đọc. Số lượng bạn đọc sách truyền thống giảm, nhưng bù lại, số lượng bạn đọc sách điện tử cao, gần 90.000 lượt người truy cập website của Thư viện tỉnh. Trước thực tế này, hầu hết các nhà xuất bản buộc phải đổi mới để tồn tại. Cùng với in ấn, phát hành sách truyền thống là tổ chức xuất bản sách điện tử, tạo cho bạn đọc cơ hội lựa chọn, trải nghiệm tốt hơn với sách. Tuy nhiên, theo quan sát của nhiều nhân viên thư viện, bạn đọc sách điện tử phần nhiều đọc nhanh, đọc lướt, nên không nhớ được nhiều nội dung, cốt truyện...

Nhiều bạn trẻ không còn mặn mà với sách truyền thống

Thiết nghĩ, sách giấy hay sách điện tử đều là người thầy, người bạn trân quý nếu người đọc thực sự đọc để cảm thụ sẽ tìm được những giá trị của sách. Như lời đại thi hào Pháp Victor Hugo: “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời”. Ngoài ra, điều bạn đọc ở mọi thời đại đều quan tâm là chất lượng sách. Mong các cơ quan chức năng nghiêm túc vào cuộc, công tâm kiểm duyệt chất lượng sách và có trách nhiệm thực sự khi cấp giấy phép xuất bản. Chỉ có như thế mới khắc phục được tình trạng sách rác, sách kém chất lượng bày bán trên thị trường và trên không gian mạng. Hơn nữa, việc cơ quan chức năng Nhà nước chỉ cấp phép xuất bản cho sách thực sự có chất lượng, sẽ giúp bạn đọc luôn gặp được bạn tốt, thầy tốt, xã hội cũng sẽ có nhiều người tốt hơn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202404/nguoi-thay-nguoi-ban-tran-quy-f2a08bc/