Người 'tái sinh' những mảnh đời bệnh nhân HIV/AIDS

Giỏi chuyên môn, có trách nhiệm, đồng cảm và luôn hết lòng vì bệnh nhân HIV/AIDS là những lời nhận xét của đồng nghiệp và người bệnh khi nói về Thầy thuốc Ưu tú, TS, bác sĩ Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội.

Trái tim nhân ái của bác sĩ Hiền

Bước chân vào ngành y với mong muốn trở thành “lương y như từ mẫu”, bác sĩ Phạm Bá Hiền nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đống Đa từ tháng 11-1998 đến nay. 24 năm cống hiến, bác sĩ Phạm Bá Hiền luôn nỗ lực thực hiện phương châm “vừa hồng vừa chuyên”, giỏi về y thuật, y lý, sáng về y đức.

Cũng chính vì sự nỗ lực đó mà suốt những năm qua, bác sĩ Phạm Bá Hiền đã đảm nhận các vị trí công việc khác nhau từ bác sĩ điều trị, phó trưởng khoa, trưởng khoa Truyền nhiễm, phụ trách Phòng khám HIV/AIDS, đến tháng 3-2021 là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BVĐK Đống Đa.

 Bằng lòng nhân ái, sự kiên trì bền bỉ, bác sĩ Phạm Bá Hiền đã giúp những bệnh nhân HIV/AIDS có cuộc sống tái sinh, hòa nhập cộng đồng.

Bằng lòng nhân ái, sự kiên trì bền bỉ, bác sĩ Phạm Bá Hiền đã giúp những bệnh nhân HIV/AIDS có cuộc sống tái sinh, hòa nhập cộng đồng.

Theo bác sĩ Hiền, BVĐK Đống Đa là bệnh viện được TP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động chỉ đạo tuyến, hoạt động chuyên khoa truyền nhiễm trong đó có công tác quản lý, chăm sóc, điều trị những người HIV/AIDS.

Luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS, nhưng Thầy thuốc Ưu tú, TS, bác sĩ Phạm Bá Hiền vẫn sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy, hết mình tận tụy với công việc đặc biệt. Đặc biệt, bác sĩ Hiền còn được bệnh nhân gọi với cái tên “Người hùng có trái tim nhân ái của bệnh nhân HIV/AIDS” vì đã giúp nhiều số phận “tái sinh” trước căn bệnh thế kỷ. Bởi lẽ, để tìm và giữ chân được một cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS không phải dễ dàng, không ít người đã phải “bỏ cuộc” trước cái nhìn không thiện cảm từ đồng nghiệp và mọi người xung quanh.

Khi hỏi về vấn đề lo ngại phơi nhiễm HIV/AIDS khi tiếp xúc với bệnh nhân thường xuyên, bác sĩ Phạm Bá Hiền chia sẻ: “Hành trình nghề y của tôi xuất phát là bác sĩ truyền nhiễm. Tôi từng cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tự tử, cắt cổ tay. Trong quá trình xử lý vết thương cũng đã bị máu của bệnh nhân bắn vào cả cánh tay”.

Trước đây, với vốn kiến thức hiểu biết về HIV còn hạn chế thì ngay cả cán bộ y tế cũng còn nhiều e dè lo ngại khi tiếp xúc. Đặc biệt là thăm khám phẫu thuật cho người nhiễm HIV/AIDS. Qua thời gian, với những tiến bộ y học và sử dụng thuốc ARV (viết tắt tiếng Anh: Antiretroviral viết tắt là ARV - tức thuốc kháng HIV) cùng sự tuyên truyền cộng đồng thì HIV cũng không còn quá lo ngại.

Bản thân bác sĩ Phạm Bá Hiền cũng như nhiều cán bộ y tế khác khi thực hiện đúng những quy trình phòng ngừa chuẩn, thủ thuật phẫu thuật cùng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn thì vấn đề lo ngại khi phẫu thuật cho người nhiễm HIV là hoàn toàn biến mất.

Về quy trình khám chữa bệnh, chăm sóc, điều trị thì đối với người bệnh HIV cũng không có sự khác biệt lớn so với bệnh nhân bình thường. Bác sĩ Hiền cho hay: “Tất cả trường hợp xử lý thăm khám điều trị đặc biệt là phẫu thuật liên quan đến tiếp xúc với máu, dịch cơ thể thì phải đảm bảo những quy trình về mặt chuyên môn. Quy trình đáp ứng yêu cầu an toàn cho người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế và an toàn cho cộng đồng. Không những HIV mà còn phòng ngừa viêm gan B, viêm gan C.. và nhiều bệnh lây qua đường khác”.

Dù ở thời đại nào thì cái nhìn của xã hội về HIV vẫn là một điều đáng quan tâm, thậm chí bác sĩ Hiền cũng bị đồng nghiệp, bạn bè “ngại” tiếp xúc vì lo ngại lây bệnh.

“Trước đây, tâm lý của người dân và cán bộ y tế nào cũng không thoải mái trong việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân HIV (ngược với ý câu sau). Có thời điểm, nhiều bác sĩ chuyên môn khác cũng e dè khi tiếp xúc với tôi. Họ luôn lo lắng sẽ bị lây nhiễm HIV từ chính bác sĩ đang ngày đêm chăm sóc điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Hiền tâm sự.

Để giải đáp về vấn đề này, bác sĩ Hiền đưa ra cho chúng tôi dẫn chứng từ nghiên cứu thực tế. Việc phơi nhiễm khi tiếp xúc kim đâm thì khả năng lây nhiễm là 0,3%, tỷ lệ khoảng 1/300; còn đối với các bệnh khác lây qua đường máu thì khả năng lây nhiễm qua những lần phơi nhiễm là 3%...

Mức độ lây nhiễm còn phụ thuộc vào nguy cơ lây nhiễm trong những trường hợp tiếp xúc với máu, dịch của người bệnh. Khi máu, dịch HIV tiếp xúc với da lành thì hoàn toàn không có nguy cơ lây nhiễm HIV hay những cơ thể dịch của bệnh nhân (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt không có máu, nước mắt) cũng vậy.

Thầy thuốc Ưu tú, TS, bác sĩ S Phạm Bá Hiền (sinh năm 1974) - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã có 24 năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS và là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.

Thầy thuốc Ưu tú, TS, bác sĩ S Phạm Bá Hiền (sinh năm 1974) - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã có 24 năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS và là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.

“Tái sinh” những mảnh đời bệnh nhân HIV/AIDS

Dù công tác ở vị trí nào, bác sĩ Hiền vẫn luôn dành thời gian sâu sát, toàn tâm toàn ý đồng hành cùng bệnh nhân HIV/AIDS. Bác sĩ Hiền luôn trăn trở: “Nếu mình không làm thì bệnh nhân biết đi về đâu? Bệnh nhân lấy ai để thấu hiểu giúp họ tái sinh lại cuộc sống ngày mai?”.

Bác sĩ Phạm Bá Hiền cho hay: “Phải chứng kiến đến đau lòng khi những người bị HIV/AIDS luôn bị cô lập, xa lánh và bị đẩy ra ngày một xa khỏi cái quỹ đạo của cuộc sống đang diễn ra quanh họ thật xót xa. Nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS còn giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng. Điều đáng nói là có thể họ sẽ lây virus HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”. Như vậy, công tác điều trị chăm sóc lại càng khó khăn cho cán bộ y tế”.

Sự kỳ thị của xã hội đã dẫn đến việc hạn chế vấn đề nhân quyền, quyền cơ bản của công dân đặc biệt là những bệnh nhân HIV. Họ vẫn có quyền được chăm sóc sức khỏe, được làm việc, học hành, hưởng các nhu cầu của cuộc sống… đó là những quyền cơ bản mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ.

“Bác sĩ hay cán bộ y tế là những người thân thiết nhất, có thể chia sẻ mọi tâm tư tình cảm với bệnh nhân HIV/AIDS. Khi đã thấu hiểu thì mới tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, khả năng hồi sinh cuộc sống từ căn bệnh thế kỷ”,bác sĩ Phạm Bá Hiền khẳng định.

Những bệnh nhân HIV của bác sĩ Hiền có đủ mọi tầng lớp tri thức, có người đã mạnh mẽ vững tin vào cuộc sống vì họ vẫn có thời gian dài khỏe mạnh để hòa nhập cộng đồng, cống hiến cho gia đình và xã hội. Nhiều người sau khi nhiễm HIV lại trở thành những tuyên truyền viên rất hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, việc kỳ thị vừa cướp đi cơ hội sống của một mảnh đời cũng là lãng phí đi một lực lượng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Có thể thấy, phải là một thầy thuốc có lòng nhân ái, có sự kiên trì bền bỉ mới có thể cống hiến và nỗ lực đồng hành cùng những bệnh nhân HIV/AIDS. Những đóng góp của bác sĩ Phạm Bá Hiền đang ngày đêm thực hiện được ví như “chiếc phao cứu sinh” giữa dòng đời lạc lối của những số phận mang căn bệnh thế kỷ bị người đời xa lánh.

Với những đóng góp và cống hiến xuất sắc trong thời gian công tác vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bác sĩ Phạm Bá Hiền đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2020, bác sĩ Phạm Bá Hiền vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen "Đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) trên địa bàn thành phố Hà Nội"; năm 2022 được tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 6-2021, sau 30 năm phát hiện ca nhiễm đầu tiên, cả nước có 215.760 người nhiễm HIV và 104.016 người đã tử vong. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 4.573 người nhiễm và có 609 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân điều trị ARV là 155.654 người. Đồng thời, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) gần 19.000 người.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/nguoi-tai-sinh-nhung-manh-doi-benh-nhan-hiv-aids-708022