Người Syria mất nhà trong cuộc nội chiến liệu có đòi được công lý?

Phần lớn nhà cửa bị phá hủy trong cuộc nội chiến ở Syria là nhằm răn đe, trừng phạt những người dân địa phương, đồng thời ngăn cản họ quay trở lại. Ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi coi hành vi hủy diệt này là tội ác chiến tranh.

Hơn một nửa nhà dân ở thành phố Aleppo, Syria bị phá hủy trong và sau nội chiến

Khoảng một năm sau khi rời quê hương ở Syria, ông Hisham Ibrahim, 52 tuổi đã có được một số bức ảnh về ngôi nhà của mình. Kể từ sau khi Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát thị trấn nhỏ Khan al-Sabil ở phía Tây Bắc vào năm 2020 từ tay phe đối lập, ngôi nhà của ông Ibrahim gần như không còn gì. “Tôi nghĩ họ muốn lấy sắt của ngôi nhà. Nhưng họ cũng cắt đứt hy vọng quay trở lại của chúng tôi”, ông Ibrahim nói. Những nhà hàng xóm của gia đình Ibrahim cũng vậy, khi hơn 2/3 số ngôi nhà ở Khan al-Sabil hiện không thể ở được. Ông Ibrahim, hiện đang sống trong một trại dành cho người di tản phía Tây thành phố Idlib, hiện vẫn nằm trong sự kiểm soát bởi các lực lượng chống chính phủ, cho biết: “Tôi từng có trang trại trồng ô liu dài 8km, một số cây cổ thụ đã hơn 50 tuổi. Họ cũng nhổ bỏ tất cả những cây đó. Họ dường như muốn phá hủy toàn bộ ngôi làng một cách có hệ thống”.

Trong hoàn cảnh tương tự, bà Fatima Muhammad, 45 tuổi, cũng đến từ Khan al-Sabil kể, khi bà rời thị trấn vì vụ đánh bom 4 năm trước, ngôi nhà của bà đã bị hư hại nhưng không nặng. “Nhưng sau này, khi tôi bắt đầu cập nhật Google Maps, tôi thấy nó đã bị phá bỏ”, Fatima Muhammad nói. Trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm vẫn bế tắc ở Syria, tình trạng cướp phá hay phá hủy nhà cửa cùng với trưng dụng đất đai và tài sản khá phổ biến. Gần đây, những lời kêu gọi coi việc phá hủy nhà cửa và nhà ở là một tội phạm đặc biệt theo Luật Nhân quyền quốc tế đang ngày càng gia tăng. Nhưng liệu điều này có ý nghĩa gì?

Ông Hisham Ibrahaim xem ảnh vệ tinh về ngôi nhà cũ ở quê hương Khan al-Sabil, Syria

Ông Balakrishnan Rajagopal, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền có nhà ở phù hợp, đã viết trên tờ New York Times trong tuần này: “Việc phá hủy nhà cửa trên diện rộng hoặc có hệ thống từ lâu đã là một đặc điểm của chiến tranh hiện đại. Chính vì lý do này mà việc san bằng một cách có hệ thống và bừa bãi toàn bộ khu dân cư bằng chất nổ nên được coi là một tội ác chống lại con người”. Mặc dù, ngày càng có người đấu tranh cho việc này nhưng chính xác tội ác chiến tranh vi phạm quyền được về nhà của người khác có thể bị truy tố như thế nào? Thủ tục tố tụng không hề đơn giản. Có thể lấy ví dụ, kể từ năm 1977, Công ước Geneva, vốn xác định các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về đối xử nhân đạo trong một cuộc xung đột, đã tuyên bố rằng nạn đói bị cấm sử dụng như một loại vũ khí chiến tranh. Nhưng phải đến năm 2019, Tòa án Hình sự quốc tế mới bổ sung nạn đói vào danh sách tội ác chiến tranh theo Quy chế Rome. Tuy nhiên, đến nay nạn đói chưa bao giờ bị truy tố như một tội ác chiến tranh, bởi quy trình đòi hỏi phải chứng minh nhiều điều, từ ý định bỏ đói, kế hoạch chung, chuỗi mệnh lệnh dành cho những người gây ra nạn đói… Ngoài ra, một số quốc gia nơi nạn đói được sử dụng làm vũ khí không phải là bên tham gia Quy chế Rome, trong đó có Yemen, Syria và Nam Sudan. Bởi vậy, tội tàn phá nhà cửa cũng có thể gặp những thách thức tương tự.

Ammar Azzouz, nhà nghiên cứu người Syria tại Oxford và là tác giả của cuốn sách xuất bản năm 2023 có tựa đề “Tội giết người: Kiến trúc, chiến tranh và sự tàn phá nhà cửa ở Syria”, cho rằng: “Mọi người nên được trao quyền về nhà và quyền trở về an toàn khi họ muốn. Họ có thể lấy lại được nền văn hóa vật chất của mình, nhưng quê hương không chỉ là những công trình kiến trúc vật chất. Đó là những gì thuộc về người đã mất, về cuộc sống quen thuộc hàng ngày đã không còn”.

Khi được hỏi về việc bồi thường, Ibrahim, cựu cư dân của Khan al-Sabil, nói rằng, ông “chắc chắn sẽ yêu cầu bồi thường tài chính”. “Nhưng thực sự không gì có thể thay thế được nhà của chúng tôi. Nếu có tiền, chúng tôi có thể quay lại và xây dựng lại, nhưng điều đó đòi hỏi rất nhiều thứ và không chỉ là tài chính. Chúng tôi không bao giờ có thể cảm thấy an toàn ở đó”, ông Ibrahim nói.

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-syria-mat-nha-trong-cuoc-noi-chien-lieu-co-doi-duoc-cong-ly-post566285.antd