Người Palestine ở Gaza bị dồn vào 'đường cùng', Ai Cập sẽ mở cửa biên giới?

Khi nguy cơ về cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah gần biên giới với Ai Cập tăng lên đến đỉnh điểm, quốc gia Bắc Phi này đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cho phép người Palestine di tản vào. Vậy Cairo có mở cửa biên giới?

Thuyết âm mưu lan tràn

Tuần trước, quân đội Israel cho biết họ sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza, gần biên giới Ai Cập, nơi có hơn 1 triệu người Palestine di tản đang trú ẩn.

Có những lo ngại rằng, khi ngày càng có nhiều người Palestine bị đẩy đến biên giới, các kế hoạch do các tổ chức nghiên cứu của Israel xây dựng và bị rò rỉ cho giới truyền thông trước đó trong cuộc xung đột hiện nay sẽ gần trở thành hiện thực hơn.

Nhiều người trong số 1,5 triệu người Palestine hiện đang ở Rafah đã phải di dời nhiều lần - Ảnh: DW

Cụ thể, Viện An ninh Quốc gia và Chiến lược Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái Misgav gần đây đã công bố một bài báo nói rằng cuộc xung đột là “cơ hội duy nhất và hiếm có để sơ tán toàn bộ Dải Gaza”.

Kế hoạch di tản người Palestine ở Gaza sang bên kia biên giới là điều mà chính phủ Ai Cập đã kiên quyết từ chối, vì sợ rằng những người Palestine rời đi sẽ không bao giờ được phép quay lại, giống như hơn 700 nghìn người Palestine bị đẩy sang Ai Cập trong cuộc chiến Ả Rập – Israel năm 1948 và không bao giờ được quay trở lại.

Báo cáo của Viện Misgav cũng củng cố một thuyết âm mưu hiện lan truyền rộng rãi trong công chúng Ai Cập, rằng nước này đang bị ép phải nhận người Palestine để đổi lấy những khoản hỗ trợ tài chính.

Thời điểm và các báo cáo khác trước đó - bao gồm một báo cáo từ tờ Financial Times của Anh cho biết các chính trị gia Israel đã yêu cầu các đối tác châu Âu gây áp lực buộc Ai Cập phải mở cửa biên giới - dường như càng chứng minh cho những nghi ngờ đó. Thậm chí còn có tiền lệ: Năm 1991, Mỹ đã xóa cho Ai Cập khoản nợ khoảng 10 tỷ USD vì nước này đồng ý hỗ trợ liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại Iraq.

Yếu tố tiền bạc bị thổi phồng quá mức

Được biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ sớm đưa ra quyết định về việc liệu Ai Cập có nhận được khoản vay gia hạn hay không - khoảng từ 6 đến 12 tỷ USD - để hỗ trợ nền kinh tế đang mắc nợ nặng nề của nước này.

“Đấy có phải là tống tiền không?”, một bài bình luận gần đây trên tờ báo trực tuyến thuộc sở hữu của Lebanon, tờ Al Modon đã hỏi và suy đoán rằng Ai Cập có thể được các cổ đông chủ chốt của IMF ở Mỹ và châu Âu xóa các khoản nợ quốc tế nếu nước này tiếp nhận những người Palestine di tản.

Tuy nhiên, đấy là một câu hỏi đã bị thổi phồng quá mức. Riccardo Fabiani, giám đốc dự án Bắc Phi của Tổ chức phi chính phủ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nói với báo DW: “Có một sự hiểu lầm nghiêm trọng ở đây. IMF, EU và nói chung hơn là phương Tây, sẵn sàng cấp tiền cho Ai Cập vì họ rất lo lắng về sự bất ổn của đất nước này những ảnh hưởng của xung đột ở Gaza”.

“Thật không may, tin đồn lan truyền trong một thời gian. Nó xuất hiện trên mạng xã hội và trên đường phố, người ta nói rằng phương Tây đang đưa tiền cho Ai Cập để đổi lấy việc tiếp nhận người tị nạn”, Fabiani nói thêm.

Theo ông Fabiani, ngoài lạm phát và nợ quốc gia quá mức, Ai Cập còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm lượng du lịch trong khu vực và tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ. Do đó, những động thái hỗ trợ nước này từ IMF là cần thiết và không bị chi phối bởi việc Ai Cập có mở cửa biên giới cho người Palestine hay không.

Trong khi đó, Ashraf Hassan, nhà nghiên cứu chính sách tại tổ chức tư vấn Century International có trụ sở tại Mỹ, thì đánh giá rằng đối với Ai Cập, một thỏa thuận đổi tiền lấy việc mở cửa biên giới rất khó xảy ra.

Ông Hassan nói: “Tôi nghĩ rằng chế độ thừa nhận rằng không có động cơ kinh tế nào có thể bù đắp được mối nguy hiểm về an ninh và chính trị có thể đến từ việc cho phép người Palestine vào”. Điều đó bao gồm những rủi ro an ninh tiềm tàng từ các chiến binh Palestine ở phía biên giới Ai Cập, cũng như bị coi là đang hỗ trợ Israel trong việc di dời vĩnh viễn cư dân Gaza.

Lằn ranh đỏ của Ai Cập

Hiện tại, Ai Cập đang đi trên ranh giới mong manh giữa tình cảm của người dân - công chúng ủng hộ rộng rãi chính nghĩa của người Palestine - và các thỏa thuận an ninh lâu dài với Israel.

Tuần trước, hãng thông tấn AP đưa tin các nguồn tin giấu tên cho biết Ai Cập có thể hủy bỏ hiệp ước hòa bình mang tính bước ngoặt mà nước này đã ký với Israel vào cuối những năm 1970 nếu một chiến dịch quân sự diễn ra ở Rafah. Ngoại trưởng Ai Cập, Sameh Shoukry, sau đó đã phủ nhận thông tin này.

Một khu trại tạm bợ để những người Palestine di tản đến Rafah trú chân ở thành phố biên giới này - Ảnh: Sky News

Nhà phân tích chính trị Riccardo Fabiani của ICG nói: “Rõ ràng là việc đình chỉ hoặc hủy bỏ thỏa thuận hòa bình sẽ là một bước đi quá xa vì những tác động về địa chính trị và kinh tế”, đồng thời nhận định, các lựa chọn mang tính biểu tượng để Ai Cập gây áp lực với Israel có nhiều khả năng xảy ra hơn. Ví dụ như đình chỉ quan hệ ngoại giao hay rút đại sứ Ai Cập khỏi Israel.

Cuộc gặp tuần này giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đưa ra một lựa chọn khác. Fabiani nói: “Cuộc họp gửi đi một thông điệp chung. “Đó là cách để Ai Cập cho thế giới thấy, và đặc biệt là Israel, họ không bị cô lập và việc vi phạm ranh giới đỏ của Ai Cập đối với Rafah không chỉ là vấn đề của Ai Cập. Đó là vấn đề của tất cả mọi người”.

Giải pháp nào cho Ai Cập?

Tất cả các chuyên gia mà tờ báo Đức DW phỏng vấn về vấn đề này đều đồng ý rằng những gì xảy ra tiếp theo ở biên giới Ai Cập-Gaza phụ thuộc chủ yếu vào Israel.

“Nhiều nhà ngoại giao Ai Cập… vẫn đang nghi ngờ rằng mục tiêu ẩn giấu của Israel là đẩy người Palestine về phía biên giới Ai Cập”, một cuộc họp ngắn vào cuối tháng 1 của ICG nhận định. "Người Palestine thậm chí có thể cố gắng tiến vào Sinai theo ý mình nếu hành động quân sự của Israel khiến Gaza trở thành nơi không thể ở được".

Theo ông Ashraf Hassan, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Century International thì đây sẽ là một kịch bản xấu nhất “bởi vì nó sẽ không phải là một giải pháp thương lượng: Nó là một sự áp đặt lên Ai Cập”.

Bà Mirette Mabrouk, giám đốc sáng lập chương trình Ai Cập của Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, cho rằng: “Tuy nhiên, ở giai đoạn đó, thực sự không có nhiều sự lựa chọn. Nếu người Palestine vượt qua biên giới, Ai Cập sẽ tiếp nhận họ. Họ sẽ không nổ súng vào những phụ nữ và trẻ em đang tuyệt vọng”.

Trên thực tế, chính quyền địa phương ở Bắc Sinai đã chuẩn bị cho việc này trong nhiều tháng, sẵn sàng cung cấp chỗ ở khẩn cấp và hỗ trợ y tế trong trường hợp cần thiết. Báo Wall Street Journal trước đó đưa tin rằng Ai Cập có khả năng chứa tới 100.000 người tị nạn ở khu vực biên giới nếu cần.

Nhà phân tích Fabiani của ICG cho rằng, bài toán nhân đạo ở khu vực Rafah có thể sẽ được Ai Cập giải một cách thận trọng, để vừa đáp ứng tình cảm với người Palestine vừa ngăn tái diễn bất kỳ hình thức di dời vĩnh viễn nào.

“Cairo có thể sẵn sàng tiếp nhận vài nghìn người Palestine như một hình thức thỏa hiệp. Bởi điều này có vẻ không tệ bằng việc tiếp tục ngăn cản người Palestine và nó cũng sẽ giúp Ai Cập giữ thể diện cho chính mình”, ông Fabiani nhận định.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-palestine-o-gaza-bi-don-vao-duong-cung-ai-cap-se-mo-cua-bien-gioi-post284758.html