Người nước ngoài mắc kẹt trong tuyệt vọng bởi cuộc bạo loạn ở Haiti

Hàng chục người nước ngoài bị mắc kẹt ở Haiti, trong đó có nhiều người Mỹ và Canada, đang cố gắng rời khỏi quốc gia này, nơi các cuộc bạo loạn băng đảng khiến cả hai sân bay quốc tế của đất nước phải đóng cửa.

Họ đến Haiti vì nhiều lý do, từ việc nhận con nuôi cho đến công việc truyền giáo và nhân đạo. Giờ đây, họ bị mắc kẹt trong các khách sạn và nhà riêng, không thể rời khỏi Haiti bằng đường hàng không, đường biển hoặc đường bộ vì đất nước này vẫn tê liệt bởi tình trạng hỗn loạn.

Một cuộc phong tỏa những người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức tại Port-au-Prince. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi đang bị mắc kẹt nghiêm trọng", Richard Phillips, một công dân 65 tuổi đến từ thủ đô Ottawa của Canada, cho biết. Ông đã tới Haiti hơn 30 lần để làm việc trong các dự án của Liên hợp quốc, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và hiện là một tổ chức phi lợi nhuận của Haiti có tên Papyrus.

Phillips cho biết việc rời Haiti bằng đường hàng không là bất khả thi, khi cả hai sân bay quốc tế đóng cửa, máy bay trực thăng thì không có bảo hiểm cho một chuyến bay đến khu vực bạo loạn. Một phi công máy bay tư nhân cho biết cách tiếp cận đó là rất rủi ro.

Đối với cách cố gắng đi đường bộ đến Cộng hòa Dominica láng giềng, ông Phillips cho biết: "Chúng tôi có thể đi bộ hàng dặm để đến biên giới, nhưng tôi chắc chắn rằng điều đó cũng nguy hiểm".

"Chúng tôi thực sự khá lo ngại về việc chuyện này sẽ đi đến đâu. Nếu lực lượng cảnh sát sụp đổ, đường phố sẽ hỗn loạn và chúng tôi có thể phải ở đây một tháng hoặc hơn", ông Phillips nói.

Dù bị mắc kẹt nhưng Phillips cho biết ông vẫn còn bình tĩnh hơn nhiều người. "Tôi đã bị ngắm mục tiêu nhiều lần ở Haiti và xe tải của tôi có nhiều lỗ đạn", ông nói. "Cá nhân tôi đã quen với việc đó rồi. Nhưng tôi không chắc những người khác cũng vậy".

Bà Yvonne Trimble, người đã sống ở Haiti hơn 40 năm, nằm trong số những người Mỹ xa xứ không thể rời đi để tránh các cuộc bạo loạn. Bà và chồng đang ở thành phố ven biển phía bắc Cap-Haitien, chờ chuyến bay sơ tán riêng dành cho những người truyền giáo đã từng bị hủy bỏ một lần.

"Chúng tôi hoàn toàn bị phong tỏa", bà nói qua điện thoại. "Đây là điều tồi tệ nhất tôi từng thấy". Bà Trimble kể rằng gần đây một đám đông đã bao vây sân bay ở Cap-Haitien và bắt đầu ném đá, chai lọ sau khi nghe tin đồn rằng Thủ tướng sắp hạ cánh.

Hai vợ chồng bà Trimble dự kiến sẽ bay đi vào tuần tới với sự giúp đỡ của MFI - tổ chức từ thiện khai thác các chuyến bay giữa bang Florida (Mỹ) và các khu vực cần thiết ở Caribe, chủ yếu là Haiti.

Một cặp vợ chồng truyền giáo khác cho biết họ đã sống ở Haiti được vài năm nhưng sẽ không rời đi vì họ đang nhận nuôi một cậu bé 6 tuổi. "Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác vì chúng tôi ở đây như một gia đình", người phụ nữ nói.

Trong khi đó, chồng cô đáng lẽ phải bay đến Mỹ vào tuần trước để chăm sóc y tế vì anh ấy mắc bệnh nặng. Hiện người chồng đã bỏ lỡ 4 buổi hẹn đến bệnh viện và phải hoãn lại việc điều trị.

Người dân chạy đi tìm chỗ ẩn nấp sau khi nghe thấy tiếng súng ở Port-au-Prince. Ảnh: AP

Matt Prichard, một công dân 35 tuổi đến từ bang Ohio (Mỹ), cũng bị kẹt lại Haiti cùng gia đình gồm một người vợ Haiti, một cậu con trai 18 tuổi và hai đứa con còn bé - một trẻ sơ sinh và một trẻ mới biết đi.

Trước tình hình căng thẳng ở Haiti, cậu con trai khuyên bố nên rời đi. Tuy nhiên, Prichard nói: "Là một người cha, ta không thể bỏ rơi con cái và gia đình mình".

Ông cho biết các cửa hàng tạp hóa địa phương gần như đã hết hàng hóa thiết yếu và rất khó tìm được gas. "Cộng đồng người nước ngoài ở đây thực sự là niềm an ủi của chúng tôi", Prichard nói. "Chính sự kết nối đó, những mối quan hệ đó đã thực sự giúp chúng tôi vượt qua".

Hoài Phương (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-nuoc-ngoai-mac-ket-trong-tuyet-vong-boi-cuoc-bao-loan-o-haiti-post287305.html