Người nông dân chỉ sẵn sàng sử dụng ngân hàng số khi được bảo mật thông tin

Hiện nay vẫn còn hiện tượng người dân vùng nông thôn vô tình nhấn vào link giả mạo bị đối tượng lừa đảo rút sạch tiền, khiến nhiều người bất an khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số. Theo đó, phía ngân hàng cần có giải pháp bảo mật thông tin thì những người nông dân mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính số.

Khu vực nông thôn, vùng xa chiếm trên 62% điểm giao dịch ngân hàng

Tại Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân", ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, sản phẩm dịch vụ phục vụ khu vực nông thôn đã được đẩy mạnh trong thời gian qua khi đã có gần 5,2 triệu tài khoản mobile money được mở, trong đó gần 3,6 triệu tài khoản được đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo…

“Bên cạnh đó, hơn 92.000 điểm giao dịch đã được triển khai trên cả nước, trong đó số điểm ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm trên 62%. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đạt 13,9 triệu; số lượng giao dịch đạt 25,63 triệu với giá trị đạt hơn 183.000 tỷ đồng”, ông Tuấn thông tin.

Đồng thời, trên ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay,..) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến tháng 6/2023), nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại (thẻ ngân hàng, QR code, Ví điện tử,..) được các ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai, cung ứng.

Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân".

Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân".

Các tổ chức tín dụng cũng đã đặt máy giao dịch ngân hàng tự động (STM) tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phòng giao dịch tài chính cộng đồng vùng sâu, vùng xa; Trung tâm giao dịch 24h tại các trạm xăng; Mô hình Autobank.

Ở góc độ ngân hàng, ông Linh Đức Hoàng - Trưởng Ban Khách hàng cá nhân Agribank cho biết, với sứ mệnh đầu tư chủ yếu đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank có tổng tài sản đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ gần 70%.

Theo đó, Agribank có mạng lưới hoạt động rộng khắp trải dài trên mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo với gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch… Ngân hàng cũng triển khai mô hình Ngân hàng số - Agribank Digital để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán của hơn 22 triệu khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ thanh toán, gần 4 triệu khách hàng vay vốn.

Công tác chuyển đổi số của Agribank trong hoạt động ngân hàng được thực hiện theo định hướng lấy khách hàng là trung tâm, phục vụ khách hàng trực tiếp tại các quầy giao dịch và kênh thanh toán điện tử, đem lại những trải nghiệm trong sử dụng dịch vụ thanh toán trên ứng dụng công nghệ số tốt nhất cho khách hàng.

Tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, Phó tổng giám đốc Hoàng Minh Tế cho biết, Ngân hàng chủ yếu cho vay nông dân vùng sâu, xa, còn dư nợ chính sách xã hội. “Chúng tôi có phiên giao dịch ở các địa điểm vùng thôn, bản, khách hàng không phải đến huyện, trụ sở Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để làm các thủ tục vay hoặc đóng tiết kiệm nơi mình sinh sống”, ông Tế nói.

Giải quyết tình trạng mua bán thông tin cá nhân để người nông dân yên tâm

Dưới góc độ người nông dân, ông Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt chia sẻ, chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng đã đem lại những lợi ích to lớn cho HTX. Cụ thể là giảm thiểu thời gian giao dịch, tăng tính kết nối và mở rộng thị trường, minh bạch hóa các giao dịch, tiết kiệm được chi phí.

Ông Quyên cho biết, hiện nay, HTX Nam Việt đã và đang ứng dụng rất nhiều các dịch vụ số của ngân hàng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến thanh toán điện tử.

“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hiện tượng người dân mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng nông thôn nhiều khi vô tình nhấn vào link giả mạo bị đối tượng lừa đảo rút sạch tiền, khiến HTX chúng tôi cũng rất lo lắng, bất an khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số”, ông Quyên bày tỏ.

Theo đó, lãnh đạo HTX Nam Việt đặt ra hàng loạt câu hỏi: Vậy, cơ quan chức năng có giải pháp nào để giải quyết vấn nạn này không để người dân yên tâm sử dụng dịch vụ? Khi có tình trạng mất tiền thì biết đòi ai? Phía ngân hàng có bảo mật thông tin cá nhân như thế nào nếu người dân sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt trên kênh số?

“Tôi cho rằng chỉ khi các câu hỏi này được trả lời thì những người nông dân như chúng tôi mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tài chính số. Tôi cũng đề nghị Bộ Công an và các ngân hàng làm rõ vấn đề này và truyền thông tới khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bà con chúng tôi nắm được”, ông nói.

Theo ông Quyên, các thanh toán hiện đã rất có lợi cho người dân sử dụng, tuy nhiên hiện nay việc thực hiện rút tiền từ tài khoản công ty vẫn là dùng séc rút tiền. Hình thức này có nhược điểm là phải ra phòng giao dịch, trong khi ở nông thôn, phòng giao dịch không nhiều; đi lại xa gây khó khăn, và đôi khi phải thực hiện giao dịch tại chi nhánh của ngân hàng khác, khi đó chi phí rút theo hình thức này chiếm 0,033% tổng số tiền. Với khoản 1 tỷ trở lên thì chi phí này cũng rất lớn.

Vì vậy, ông Quyên mong muốn ngân hàng có dịch vụ phù hợp và thuận lợi cho các HTX, thay vì rút séc bằng việc đến tận phòng giao dịch cũng nên số hóa trên các app ngân hàng số hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ Mỳ Chũ Nam Thể cũng cho rằng lợi ích lớn từ chuyển đổi số ngân hàng là không phải kiểm đếm tiền, không sợ sai sót khi nhận tiền. Trước đây, nhiều giao dịch giá trị lớn đều phải kiểm đếm vài lần mất rất nhiều thời gian; mỗi ngày làm việc cũng phải kiểm đếm tiền thu về để ghi sổ, bất tiện mà nhiều khi không chính xác… Còn hiện nay, các giao dịch lớn nhỏ hiện nay đều đa phần chuyển khoản.

“Tuy nhiên, thi thoảng còn nghẽn mạng dẫn tới treo lệnh. Đây là vấn đề mà tôi quan tâm nhất khi sử dụng thanh toán điện tử. Theo đó, tôi hy vọng việc nghẽn mạng, lệnh bị treo được giải quyết triệt để”, Giám đốc HTX Mỳ Chũ Nam Thể bày tỏ.

Ngoài ra, về bảo mật thông tin, hiện nay, đối tượng xấu có nhiều cách để lấy được số căn cước công dân để lừa đảo lấy cắp tiền. Theo đó, ông Nam đề nghị cơ quan chức năng các giải pháp giải quyết vấn đề sim ảo, sim rác; tăng bảo mật và giải quyết việc mua bán thông tin cá nhân để người nông dân yên tâm.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-so/nguoi-nong-dan-chi-san-sang-su-dung-ngan-hang-so-khi-duoc-bao-mat-thong-tin-1095953.html