Người Mỹ tìm ra bộ xương voi ma mút

Cuộc đối đầu giữa nhà tự nhiên học Comte de Buffon và cựu tổng thống Thomas Jefferson đã thúc đẩy những khám phá về cổ sinh học tại châu Mỹ và châu Âu.

Năm 1787, một người nọ ở New Jersey - chính xác là ai thì dường như giờ đây chúng ta không thể xác định được - tìm được phần xương đùi khổng lồ nhô lên từ một bờ suối tại vùng Woodbury Creek. Phần xương đùi này rõ ràng chẳng thuộc loài động vật nào vẫn còn đang sống. Từ những gì chúng ta biết được chút ít vào ngày nay, chúng ta nghĩ rằng nó thuộc loài harrosaur, một loài khủng long mỏ vịt lớn. Khi ấy, không ai biết đến khủng long cả.

Phần xương đùi này được gửi đến cho Tiến sĩ Caspar Wistar, nhà phân tích hàng đầu của Mỹ, chính ông là người đã mô tả nó tại cuộc họp Hội khoa học Mỹ tại Philadelphia vào mùa thu năm đó. Thật đáng tiếc, Wistar không thể hoàn toàn xác định được ý nghĩa của phần xương này và chỉ có được kết luận tẻ nhạt rằng nó là một loại xương phi thường. Vì thế ông đã bỏ qua cơ hội, trước mọi nhà khoa học khác nửa thế kỷ, để trở thành nhà khám phá khủng long.

Thật thế, phần xương này chẳng có được sự quan tâm lớn lao nào nên nó đã bị cất vào nhà kho và cuối cùng hoàn toàn biến mất. Thế nên phần xương khủng long được tìm thấy lần đầu tiên cũng là phần xương khủng long đầu tiên bị đánh mất.

Chính phần xương bị đánh mất này lại tạo ra không ít bối rối khi nó xuất hiện trong các câu chuyện phiếm về một loài vật to lớn cổ xưa. Nguyên nhân của các câu chuyện phiếm này là do lời xác nhận lạ lùng của nhà tự nhiên học người Pháp tên là Comte de Buffon [...] Ông khẳng định rằng các động vật ở Tân thế giới này thua xa về mọi mặt so với các động vật tồn tại ở Cựu thế giới.

Comte de Buffon là nhà tự nhiên học trứ danh của Pháp, Thomas Jefferson là tổng thống thứ 3 của Mỹ. Ảnh: Museé Buffon à Montbard, White House Historical Association

Buffon đã viết trong cuốn sách dày và giá trị của mình, cuốn Histoire Naturelle, rằng: châu Mỹ là vùng đất có nguồn nước tù đọng, là vùng đất không màu mỡ, và điều này khiến các loài vật to lớn bị suy nhược và kém phát triển thể chất do bởi “hơi ẩm độc hại” từ các đầm lầy và các khu rừng thiếu ánh nắng. Trong một môi trường như thế, ngay cả người bản xứ Anh-điêng cũng thiếu sự rắn rỏi. “Họ không có râu hoặc lông trên cơ thể”, Buffon nói, “và thiếu sự sôi nổi của con cái”. Cơ quan sinh sản của họ “nhỏ và yếu ớt”.

Những quan sát của Buffon nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tác giả khác, đặc biệt là những người có quan điểm không mấy phức tạp vì đã quá quen thuộc với đất nước này. Một người Hà Lan tên là Comeille de Pauw đã loan báo trong cuốn sách nổi tiếng của mình Recherches Philosophiques sur Les Americains rằng nam giới ở châu Mỹ không những yếu ớt về khả năng sinh sản mà còn “thiếu nam tính đến mức trong vú họ có sữa”. Những suy nghĩ như thế tồn tại khá lâu và được lặp đi lặp lại ở châu Âu mãi đến gần cuối thế kỷ 19.

Chẳng có gì ngạc nhiên, những lời phỉ báng như thế đã gặp phải sự phản đối phẫn nộ ở châu Mỹ. Thomas Jefferson trình bày lời phản đối của mình trong cuốn Notes on the State of Virginia, và thuyết phục bạn của mình tại vùng New Hampshire là Tướng John Sullivan gửi hai mươi lính đến cánh rừng Bắc Mỹ, tìm một con nai sừng tấm để gửi đến cho Buffon làm bằng chứng cho thấy sự mạnh mẽ và oai phong của động vật châu Mỹ.

Họ mất hai tuần lễ để tìm được một con vật như ý. Con nai này, khi bị bắn, không may bị gãy mất cặp sừng oai phong của nó, nhưng Sullivan đã cho gửi kèm theo cặp sừng của một con nai đực khác để thay thế. Dù sao thì, ở nước Pháp có ai biết được điều này?

Trong khi đó ở Philadelphia - thành phố Wistar - các nhà tự nhiên học đã bắt đầu lắp ghép các mảnh xương của một sinh vật to lớn như một con về sau được xác định khá chính xác là loài voi ma mút. Mảnh xương đầu tiên trong bộ xương này được tìm thấy tại nơi được gọi là Big Bone Lick ở Kentucky, nhưng sau đó các mảnh xương khác xuất hiện khắp nơi. Điều này cho thấy rằng, châu Mỹ từng là nơi trú ẩn của một loài sinh vật to lớn - điều này rõ ràng bác bỏ những lý lẽ ngớ ngẩn của Buffon ở xứ Gôloa.

Trong quá trình chứng minh kích cỡ và đặc tính của sinh vật lạ này, các nhà tự nhiên học châu Mỹ dường như đã đi quá xa. Họ đánh giá quá cao kích cỡ của nó gấp sáu lần và xác định nó có móng vuốt đáng sợ. Đặc biệt, họ tự thuyết phục mình rằng sinh vật này có sự “nhanh nhẹn và hung dữ của loài cọp”, và mô tả nó trong các bức họa khi nó đang vồ mồi với dáng uyển chuyển của một con mèo.

Khi người ta phát hiện ra những chiếc răng, nó được gắn vào đầu con vật ở những vị trí mà họ có thể nghĩ ra được. Một chuyên gia phục chế nọ đã gắn những chiếc răng này chĩa xuống từ hàm trên, giúp nó có vẻ hung hăng theo trí tưởng tượng của họ. Một nhà phục chế khác lại gắn những chiếc răng này theo vòng cung hướng về sau với quan điểm rằng sinh vật này là loài sống dưới nước và khi nó ngủ thì nó gắn chặt bộ răng của mình, giống như một chiếc neo, vào một gốc cây.

Tuy nhiên, có một suy đoán chính xác về sinh vật lạ này là nó dường như đã tuyệt chủng - Buffon xác định được bằng chứng về sự thoái hóa của nó.

Buffon qua đời năm 1788, nhưng sự tranh cãi vẫn tiếp diễn. Năm 1795, một bộ xương được đưa đến Paris, tại đây nó được một chuyên gia cổ sinh vật học khảo sát, đây là một chàng trai trẻ thuộc dòng giống quý tộc tên là Georges Cuvier. Cuvier khiến mọi người phải ngạc nhiên bởi khả năng sắp xếp các đoạn xương thành một hình dáng hợp lý.

Người ta kể rằng ông có thể mô tả hình dáng và bản tính của một con vật chỉ qua một chiếc răng hoặc một mảnh xương hàm, và còn có thể xác định được chủng loài lẫn giới tính của nó. Khi biết rằng không ai ở châu Mỹ nghĩ đến việc viết một bản mô tả chính thức về sinh vật này, Cuvier quyết định làm việc này, và từ đó ông chính thức trở thành người khám phá đầu tiên về việc này. Ông đặt tên cho tài liệu này là Mastodon.

Bill Bryson / NXB Khoa học Xã hội và Omega Plus

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-tim-ra-bo-xuong-voi-mamut-sau-khi-bi-che-nho-va-yeu-post1380477.html