Người mua 'sốt ruột' muốn xuống tiền, nhưng nguồn cung căn hộ vẫn như 'mò trăng đáy nước'

Năm 2024 được nhận định là cơ hội cuối cùng để mua nhà trước khi thị trường bất động sản bắt đầu chu kỳ tăng giá trở lại. Tuy nhiên, dù có muốn xuống tiền sớm, việc tìm kiếm một dự án phù hợp với người dân ở TP.HCM vẫn như 'mò trăng đáy nước', vì nguồn cung hiếm.

Hơn 10 năm từ Bình Dương lên TP.HCM làm việc, vợ chồng anh Đặng Phương Nam, cùng làm trong lĩnh vực truyền thông, có khoản tiết kiệm suýt soát 1,8 tỷ đồng, nhưng phần vì những mối lo về thu nhập, phần vì giá nhà tăng quá nhanh khiến gia đình anh buộc phải lựa chọn ở thuê.

Người mua nhà “sốt ruột”

Phải đến đầu năm 2024, vợ chồng anh Nam mới bắt đầu để ý nhiều hơn đến việc mua nhà. Kể từ trước Tết Nguyên đán đến nay, anh Nam cất công tìm hiểu cả trăm thông tin bán lẻ trên thị trường thứ cấp, cùng gần 10 dự án sơ cấp nằm ven trung tâm, cách nơi anh làm việc 10-15 km.

Cuối tháng 3 vừa qua, sau thời gian ròng rã theo chân “cò” đi xem nhà mẫu và thực địa, anh Nam ưng căn hộ tại một dự án đang xây dựng ở quận 2 cũ (nay là Thủ Đức). Căn hộ có diện tích hơn 60 m2, giá 2,9 tỷ đồng, chủ đầu tư chiết khấu 15%, trừ thẳng vào tiền đóng đợt đầu tiên. Nhưng anh Nam vẫn rất phân vân vì dự án chưa có sổ hồng.

Nguồn cung hiếm, người mua nhà ở TP.HCM hiện vẫn như tìm hoa trong gương, mò trăng đáy nước.

“Thực sự đi tìm nhà giờ khó vô cùng, dự án vừa ý thì giá quá cao, dự án giá vừa túi tiền thì chất lượng không ổn. Chưa kể, việc vay vốn hiện tại cũng là bài toán nan giải bởi thời gian ưu đãi ngắn, kinh tế khó khăn, rủi ro rất lớn. Vay mua nhà hiện tại giống như leo lên lưng cọp”, anh Nam bộc bạch.

Những trường hợp mất nhiều tháng, thậm chí cả năm trời tìm mua nhà nhưng không thành như anh Nam không hiếm ở TP.HCM. Bởi, nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hiện tại như "hoa trong gương, trăng đáy nước". Căn hộ trên thị trường thứ cấp đã hiếm, trên thị trường sơ cấp lại càng khó tìm.

Chia sẻ với VnBusiness, anh Trần Định, một môi giới “thổ địa” ở khu Đông TP.HCM, cho hay kể từ cuối năm 2023 đến nay, lượng khách tìm kiếm căn hộ ở Sài Gòn và vùng ven ngày càng tăng, có tuần cao điểm, anh dẫn gần hai chục lượt khách đi xem nhà, nhưng chủ yếu là các dự án cũ.

“Khách giờ đi xem nhà chủ yếu là các dự án cũ, một phần vì giá thành hợp lý hơn, một phần là do nguồn cung dự án mới hiện tại rất ít. Có một số dự án mới, nhưng vì thủ tục pháp lý còn mù mờ, giá lại quá cao nên ít khách dám nhảy vào. Vị khách gần nhất của tôi phải mất gần 8 tháng mới tìm được căn nhà ưng ý về giá, nhưng cũng phải chấp nhận chờ sổ hồng”, anh Định tiết lộ.

Đáng chú ý, theo anh Định, phân khúc căn hộ có giá 2-4 tỷ đồng và có pháp lý đầy đủ đang được nhiều khách mua ở thực săn đón, cung ít cầu nhiều nên chủ nhà cũng đã rục rịch tăng giá thêm 100-300 triệu đồng. Từ thế đi tìm khách, nhiều chủ nhà hiện “quay xe” chờ sóng mới.

Nguồn cung sẽ tiếp tục khó

Có thể thấy, nhu cầu tìm mua nhà đang tăng mạnh trở lại sau thời gian im ắng, nhưng thực tế cho thấy nguồn cung căn hộ ở TP.HCM đang vô cùng khan hiếm. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong quý I/2024, cả thành phố chỉ có 1 dự án được chấp thuận đầu tư.

Cụ thể, ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho hay năm 2022, TP có 2 dự án nhà ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, năm 2023 có 7 dự án, nhưng đến quý I/2024 chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp Rita Võ (quận 5).

Trước đó, thống kê của DKRA cũng chỉ ra trong 2 tháng đầu năm 2024, TP.HCM và các vùng phụ cận không có dự án mở bán mới nào. Nguồn cung hiện tại đến từ những dự án đã mở bán trước đó.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh) không ghi nhận thêm dự án mở bán mới. Nguồn cung thị trường đến từ 6 dự án, nhưng tất cả đều thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo.

Theo đó, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM chiếm đa số với hơn 300 căn. Gần 140 căn còn lại chủ yếu tập trung tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, số lượng căn hộ mở bán trong 2 tháng đầu năm 2024 vẫn giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân dẫn đến nguồn cung mới thấp, theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM là vì những vướng mắc pháp lý. Nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư còn vướng các thủ tục về nghĩa vụ tài chính, đất đai, quy hoạch, thậm chí có dự án phải rà soát lại pháp lý dự án, nguồn gốc đất...

Do đó, khi Sở Xây dựng tiếp nhận và xem xét thì các dự án nhà ở thuộc các trường hợp này sẽ không đáp ứng đủ điều kiện huy động vốn. Điều này cho thấy nguồn cung trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn, và người mua nhà ở TP.HCM có thể vẫn sẽ ở trong tình trạng “mò trăng đáy nước”.

Từ diễn biến thực tế, các chuyên gia nhận định cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các doanh nghiệp để tăng tiến độ dự án, cải thiện nguồn cung cho thị trường.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, nhận định rất khó để kỳ vọng giá nhà giảm, nhưng nếu “những nỗ lực cân bằng thị trường bất động sản và các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ kịp thời, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có thêm nguồn cung và giá bán được điều chỉnh phù hợp hơn".

Nhật Minh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/nguoi-mua-sot-ruot-muon-xuong-tien-nhung-nguon-cung-can-ho-van-nhu-mo-trang-day-nuoc-1099098.html