Người mong ước tạo sân chơi trầm hương trên đất Phú

Ông Hoàng Phú Long giới thiệu về sản phẩm trầm phong thủy do mình làm ra. Ảnh: MINH DUYÊN

Hơn chục năm gắn bó với trầm hương, ông Hoàng Phú Long ở TP Tuy Hòa luôn mong muốn tạo sân chơi kết nối các thành viên hợp thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến kinh doanh trầm, giúp khẳng định thương hiệu trầm Phú Yên.

Hiện cơ sở trầm hương đá quý mỹ nghệ của ông Long có 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, 1 cơ sở sản xuất nhang trầm cùng các trang thiết bị máy móc để tạo ra các sản phẩm trầm mỹ nghệ như vòng tay, vòng cổ, bonsai trầm phong thủy… Các sản phẩm này đều do ông chế tác, tạo dáng.

Theo ông Long, Phú Yên và Khánh Hòa nổi tiếng là vùng đất của trầm hương. Trầm ở đây thơm và ngọt, có giá trị kinh tế cao. Nhưng ngày xưa trầm chỉ dành cho những người có tiền, còn ngày nay nhờ sự phát triển của kỹ thuật có thể tạo ra trầm từ cây dó bầu nên đông đảo người dân có thể sử dụng sản phẩm này. “Là người gắn bó với nghề hơn chục năm qua, tôi mong tạo sân chơi trầm sôi động trên quê hương, từ đó khẳng định thương hiệu trầm Phú Yên trong giới chơi trầm hương cả nước”, ông Long nói.

Ông Long cho biết, Phú Yên có diện tích rừng trồng lớn, có thể trồng dó bầu tạo trầm; đồng thời có các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển du lịch giúp thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan là những lợi thế để kết nối khách hàng với các sản phẩm trầm uy tín… Tuy nhiên, điều đáng tiếc thị trường trong tỉnh chưa thông dụng sản phẩm này.

Về cách chế tác các sản phẩm trầm mỹ nghệ, theo anh Nguyễn Văn Thạc ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), một người làm gỗ mỹ nghệ lâu năm, trầm là sản phẩm cao cấp nên nguyên liệu rất hiếm. Ở cây lâu năm, tạo được lượng trầm lớn thì người chế tác chỉ cần nương theo trầm mà gọt bỏ phần gỗ thịt sau đó tạo đế là hình thành cây trầm nguyên bản. Với trầm vụn, nguyên liệu chủ yếu để tạo sản phẩm mỹ nghệ thì đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật chế tác hình khối như tròn, vuông, ô van… sau đó kết chúng lại với nhau thành vòng tay, vòng cổ… Cuối cùng là việc tận dụng những miếng trầm còn lại xay nhỏ thành bột rồi trộn với nguyên liệu kết dính tạo hình thành nhang trầm.

Với mong muốn mở rộng quy mô, tạo ra sân chơi trầm lớn hơn ở Phú Yên, ông Hoàng Phú Long mong muốn kết nối và thành lập HTX. Ông Long chia sẻ: Mô hình HTX giúp tôi có thể kết nối các khâu thông qua thành viên mà không cần phải bỏ vốn đầu tư hoàn chỉnh ngay từ đầu như doanh nghiệp. Các thành viên sáng lập HTX có thể gồm những người phụ trách khâu trồng dó bầu tạo trầm, người chế tác các sản phẩm mỹ nghệ, người phụ trách xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, người đẩy mạnh tiêu thụ… Mỗi thành viên sáng lập chỉ cần làm tốt khâu của mình là đã tạo được chuỗi liên kết giá trị cho trầm hương.

Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, liên minh rất ủng hộ mong muốn của ông Hoàng Phú Long và khuyến khích ông tạo sân chơi trầm hương từ mô hình HTX. Đơn vị sẵn sàng liên kết với các nhà khoa học chuyên về cây lâm nghiệp để chuyển giao kỹ thuật tạo trầm từ cây dó bầu cho thành viên HTX; đồng thời có thể giới thiệu các hộ trồng rừng để mở rộng diện tích tạo trầm.

BẠCH VÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/298335/nguoi-mong-uoc-tao-san-choi-tram-huong-tren-dat-phu.html