Người 'mở đường' làm kinh tế hộ gia đình ở vùng biên giới

'Ông Cao Xuân Xiêm, sinh năm 1961, người dân tộc Chứt, hiện đang nuôi đàn bò 80 con, là người mở đường làm kinh tế hộ gia đình ở vùng biên giới xã Dân Hóa. Ông có người con trai học bác sĩ, bây giờ đang làm Trưởng trạm y tế xã. Tấm gương của gia đình ông Xiêm đã truyền cảm hứng cho nhiều gia đình khác ở trong vùng làm theo'.

Ông Xiêm cùng với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo bón phân cho lúa nước. Ảnh: Lệ Giang

Ông Xiêm cùng với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo bón phân cho lúa nước. Ảnh: Lệ Giang

Đó là lời giới thiệu của Thượng tá Ngô Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình về gia đình ông Cao Xuân Xiêm, từng làm Trưởng bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, từ năm 2012 đến tháng 8/2023. “Mình làm trưởng bản, phải siêng năng, làm kinh tế giỏi, người dân trong bản nhìn thấy được đàn bò, ruộng lúa, nhà cửa khang trang..., họ sẽ làm theo. Trưởng bản đi vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vì thế cũng dễ dàng hơn” - ông Cao Xuân Xiêm tâm sự.

Vợ buôn bán, chồng chạy xe ôm

Xã Dân Hóa nằm dưới chân dãy núi Giăng Màn, có độ cao 1.400m so với mực nước biển, địa hình núi đá vôi dày đặc. Làm ra được đồng tiền ở nơi biên cương xa thẳm là một câu chuyện kỳ công. Ông Xiêm nêu kinh nghiệm: “Nhà tôi đã từng có đàn bò gần trăm con, nhưng phải bán bớt đi để nuôi con học bác sĩ, rồi đưa con gái ra Hà Nội chữa bệnh... Lúc mới bắt đầu gây dựng, chúng tôi cũng chỉ có 2 con bò giống của huyện Minh Hóa cấp nuôi. Tôi không bán bò non, để cho nó đẻ ra bò con. Ban đêm thì chạy xe ôm kiếm thêm tiền, tích góp lại tìm mua thêm “bò hiền” để cho nó đẻ tốt. Nhà tôi chỉ bán bò đực, rồi mua thêm bò cái làm giống. Cứ cần cù làm như rứa, lâu ngày sẽ ra bò đàn lớn”.

Ngược dòng thời gian những ngày mới lập nghiệp của vợ chồng ông Xiêm giống như những thước phim quay chậm, thể hiện rõ ý chí, nghị lực, khát khao vươn lên làm giàu của vợ chồng ông. Dù một chữ buôn bán “bẻ đôi” không biết, nhưng người chị ruột vẫn khuyên hai vợ chồng ông Xiêm: “Thấy họ buôn bán ở chợ có đồng ra, đồng vô, hai em mở cửa hàng buôn bán mà kiếm thêm thu nhập”.

Bà Cao Thị Miên, vợ ông Xiêm trả lời: “Mình là người đồng bào dân tộc, chỉ biết phát rẫy trỉa lúa, biết cái chi mô mà buôn bán”. Người chị động viên: “Vợ chồng em cứ cố gắng làm thử đi, biết đâu thành công”.

Nghe lời chị, hai vợ chồng ông Xiêm vét hết túi được ít tiền, ông đạp xe hết một ngày ròng rã mới đến được chợ thị trấn Quy Đạt, ở lại một đêm nhà người quen để sáng mua hàng. “Tui mua hàng về bán lại ở chợ biên giới kiếm đồng lời, không phải mua về dùng. Chị bán cho tui giá thấp xuống để tui có đồng lời” - ông Xiêm nói thiệt lòng với người bán hàng ở chợ Quy Đạt.

Thấy người đồng bào thật thà, mấy người bán hàng ở chợ Quy Đạt hướng dẫn tận tình, mua các mặt hàng dễ bán ở biên giới như: bánh kẹo, nước bò húc, cá khô... Cả hai vợ chồng ông Xiêm ra chợ Y Leng, xã Dân Hóa, tìm chỗ đất trống bày hàng ra bán. Hồi đó, 10 ngày mới có một phiên chợ, lúc đầu thấy khó khăn, anh em Biên phòng ra mua giúp. Chật vật được thời gian, đứa cháu nhường cho cái chuồng lợn ở mặt tiền ngay đường đi, sửa lại thành quán nho nhỏ để vợ chồng ông buôn bán.

Vợ bán hàng ở chợ, hàng ngày, ông Xiêm vẫn đi vào rừng tìm ong lấy mật, chắt chiu từng đồng, gom đủ 3 triệu đồng mua chiếc xe Min khờ (Minsk) cũ để chạy xe ôm từ cửa khẩu Cha La đến ngã ba Khe Ve.

Ông Xiêm khoe: “Từ chỗ không có gì, sau thời gian, vốn lên như diều gặp gió, hàng tuần tui phải phóng xe Min khờ đi lấy hàng. Khách hàng đông, bán được nhiều, mỗi lần mua 5 tấn gạo, bán hết lại gọi mấy bà đại lý ở dưới Ba Đồn (hiện nay là thị xã Ba Đồn) chở hàng lên cả xe tải”.

Động viên dân bản cùng làm giàu

Với đức tính cần cù, không quản ngại khó khăn, vợ chồng ông Xiêm luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, làm kinh tế hộ gia đình.

Ông Cao Xuân Xiêm. Ảnh: Lệ Giang

Ông Cao Xuân Xiêm. Ảnh: Lệ Giang

Thị trường thay đổi, gia đình ông Xiêm không còn bán hàng ở Y Leng nữa, về mở quán bán tại nhà ở bản Ka Ai. Gia đình ông Xiêm tập trung trồng và chăm sóc 10ha rừng keo, lợi dụng đất dọc theo bờ suối, ông đã khai hoang canh tác trên 3 sào đất trồng sắn, đậu xanh, lúa và trồng cỏ nuôi bò. Mỗi năm, gia đình ông thu được từ 10 - 15 tạ đậu xanh, lúa rẫy, sắn..., vừa đảm bảo lương thực cho gia đình, vừa phục vụ cho chăn nuôi. “Vợ chồng tui làm quần quật mới có của cải, thấy mấy người khỏe mạnh trong bản ít làm, chúng tôi liền đi vận động họ thay đổi cách nghĩ, chịu khó học cách chăm sóc lúa nước của cán bộ Biên phòng hướng dẫn, nuôi thêm con gà, con ngan, lợn để có thu nhập. Nhiều hộ kết hợp trồng keo và nuôi ong lấy mật mang lại nguồn thu nhập khá hơn” - ông Xiêm tâm sự.

Ông Xiêm còn làm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới Việt – Lào. Ông Đinh Hồng Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Minh Hóa cho biết: “Cùng với ý chí và cách làm hay để vươn lên thoát nghèo, ông Xiêm còn là người có uy tín, luôn gương mẫu làm trước, làm tốt để bà con dân bản tin tưởng, làm theo trong các phong trào, hoạt động ở bản”.

Với những thành tích và hoạt động năng nổ của mình, ông Cao Xuân Xiêm đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình và huyện Minh Hóa tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen các loại.

Lệ Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-mo-duong-lam-kinh-te-ho-gia-dinh-o-vung-bien-gioi-post466272.html