Người mẹ thứ hai

Thôn Bản Cam, xã Thống Nhất là thôn vùng cao của thành phố Lào Cai với 100% người Dao sinh sống. Một thôn nhưng chia tới 4 nhóm hộ, mỗi nhóm sống trên một quả đồi vắt vẻo, cheo leo. 2 năm trước, ở thôn Bản Cam có điểm trường mầm non, là nơi học tập của hơn 10 em nhỏ. Cô giáo Lê Thị Hoa, Trường Mầm non Ban Mai, xã Thống Nhất nhớ lại: Đó là điểm trường nhỏ, dựng bằng gỗ giữa khu đất trống, trẻ học trên nền nhà ẩm ướt, tứ phía trống huếch, gà vịt từ nhà dân xung quanh chạy vào lớp. Mùa nóng vừa dạy học vừa phải chuẩn bị khăn mặt ướt lau mồ hôi cho các con, mùa đông giá rét, có những em chỉ có 2 áo sơ mi để mặc, vừa ngồi trong lớp vừa co ro.

Con đường từ trung tâm lên tới điểm trường Bản Cam dốc cao, nhiều đá lớn, giáo viên không đi được xe máy nên phải “cuốc bộ” đi dạy học. Trẻ ở đây rất khó khăn, nhiều em đi bộ cùng bố mẹ từ sáng sớm, băng qua đường rừng tới trường. Học cả ngày nên các em mang theo cơm để ăn trưa, cơm chỉ có muối, rau, cá mắm hay ít thịt. “Nhìn học trò của mình như vậy, tôi không cầm nổi nước mắt. Thương các em, tôi đề xuất cho các em “bán trú” tại điểm trường để tiện vừa dạy vừa chăm sóc”, cô giáo Hoa tâm sự. Hằng ngày, từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy múa, dạy nói, dạy chữ cho trẻ, đều được cô giáo Hoa tận tình, trách nhiệm như lo cho chính những đứa con yêu quý của mình.

Ở điểm trường mới, các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Ở điểm trường mới, các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Năm học 2020 - 2021, con đường từ thôn An Thành nối lên thôn Bản Cam được đổ bê tông rộng rãi. Cô Hoa được chuyển công tác, nhưng không quên “dắt” theo 12 học sinh rời điểm trường Bản Cam đến học tập tại điểm trường An Thành thuận lợi hơn. “Trước vận động các hộ gửi con tại điểm trường Bản Cam đã khó, giờ thuyết phục họ đồng ý cho con đi học ở điểm trường xa lại càng khó hơn. Với kinh nghiệm nhiều năm đi vận động, tôi cùng Hiệu trưởng, cán bộ xã mua một con lợn, nhờ người dân chế biến, làm bữa cỗ mời phụ huynh của 12 em nhỏ. Sau bữa cơm thân mật, những câu chuyện được giãi bày, các ông bố bà mẹ đã đồng tình gửi gắm con mình cho các cô” - cô giáo Hoa kể lại kỷ niệm vui.
Chị Chảo Mùi Nhíu, có 2 con đang học ở điểm trường An Thành chia sẻ: Thấy các con được học tại trường mới khang trang, sạch đẹp, tôi yên tâm hơn. Các con đi học còn béo trắng ra, bởi có thịt ăn, sữa uống, chứ ở nhà toàn ăn cơm không.

Khuôn viên trường, lớp rộng rãi, khang trang giúp các em phát triển toàn diện.

Khuôn viên trường, lớp rộng rãi, khang trang giúp các em phát triển toàn diện.

Tại điểm trường An Thành (Trường Mầm non Ban Mai, xã Thống Nhất), 12 học sinh được 4 cô giáo chăm sóc. Các cô thay phiên nhau trực buổi tối để chăm các em. Cô giáo Hoàng Thị Huyền năm nay mới công tác tại trường tâm sự: Sáng thứ 2 đến nhận trẻ, việc đầu tiên chúng tôi làm là tắm gội, thay quần áo cho các em. Ở nhà 2 ngày cuối tuần, đứa nào đứa nấy lấm lem bùn đất, nhiều đứa bụng sôi ùng ục. Tối đến, nhiều em còn nhớ nhà, khóc cả đêm, tôi lại phải bế, dỗ dành như con đẻ của mình. May mắn là gia đình tôi hiểu và chia sẻ, chồng và ông bà giúp tôi chăm sóc con nhỏ để tôi yên tâm công tác.

Cũng như người mẹ trong gia đình, các cô chăm lo cho con trẻ từng bữa cơm ngon, cân đối dinh dưỡng...

Cũng như người mẹ trong gia đình, các cô chăm lo cho con trẻ từng bữa cơm ngon, cân đối dinh dưỡng...

Chia tay các cô giáo điểm trường An Thành, Trường Mầm non Ban Mai, xã Thống Nhất, chúng tôi tới Trường Tiểu học và THCS số 1 Tả Phời, thành phố Lào Cai. Trời sắp tắt nắng, bên trong lớp học, cô giáo Sầm Thị Thu đang cho các con chơi trò chơi con muỗi, con tôm, con cá, tiếng cười nói rộn ràng.

Giờ học chính khóa vừa tan, cô Huyền lại tất bật quay trở về phòng bán trú, chuẩn bị bữa cơm chiều. Hôm nay, cô Huyền cùng một cô giáo nữa ở lại trường trực bán trú, quản lý 10 em từ 2 đến 5 tuổi. Đó là những em nhỏ của thôn Can Thàng, một trong những thôn xa nhất, khó khăn nhất xã Tả Phời. Từ năm học 2019 - 2020, các em được chuyển về điểm trường chính, đồng thời được ăn, ở bán trú, bố mẹ chỉ đưa đón các em về nhà vào dịp cuối tuần.

... và chăm lo cả giấc ngủ của các em học sinh như chính con ruột của mình.

... và chăm lo cả giấc ngủ của các em học sinh như chính con ruột của mình.

Bữa cơm được chuẩn bị xong, các em chẳng cần phải nhắc, cùng cô giáo kê bàn ghế, rồi ngồi ngay ngắn, tự giác ăn cơm. Bữa cơm kết thúc, các em ngoan ngoãn đưa bát cho cô để rửa. Cô Huyền bảo: Ở đây, mỗi giáo viên phải thực hiện “4 cùng” với học trò, đó là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng bản địa”. Mặc dù phải xa bố mẹ, nhưng các em được ăn uống đầy đủ hơn ở nhà. Ngoài được học hát, múa, các em còn được cô dạy nền nếp. Dù nhỏ, nhưng bạn nào cũng rất ngoan, nghe lời. Bây giờ các bạn nhỏ đã biết phụ giúp cô giáo một số việc như gấp quần áo. Nhiều em cũng biết tự vệ sinh cá nhân.

Các cô đồng hành cùng con trong những bài học đầu đời.

Các cô đồng hành cùng con trong những bài học đầu đời.

Cùng trực bán trú tối nay cùng Huyền có cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương. Nhà có con nhỏ nên ngày trực bán trú, cô Hương phải nhờ ông bà trông giúp. Ở đây, các cô như những người mẹ, chăm lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ. Đặc biệt, hai năm học gần đây, 10 em thì có 7 em không còn chế độ hỗ trợ, nhà trường tìm cách huy động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ bữa ăn bán trú cho các em. Cô Hương chia sẻ: Mỗi khi trò ốm đau, cô giáo phải thức cả đêm chăm sóc. Những lúc như vậy, giáo viên vừa làm cô, vừa làm mẹ.

Không chỉ là người "gieo chữ", các cô giáo mầm non giống như những người mẹ thứ hai của học trò vùng cao.

Không chỉ là người "gieo chữ", các cô giáo mầm non giống như những người mẹ thứ hai của học trò vùng cao.

Dẫu rằng trên con đường phổ cập mầm non vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dù có chông gai đến đâu, có khó khăn đến nhường nào thì những “người mẹ” vùng cao ấy vẫn gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày, kiên trì bám trụ ở các thôn, bản xa xôi, để giấc mơ con chữ của học trò vùng cao được trọn vẹn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361429-nguoi-me-thu-hai