Người mẹ của những em bé trong phòng hồi sức

13 năm làm việc tại khoa Hồi sức tích cực, nữ điều dưỡng Kim Tuyền đã 'làm mẹ' của hàng trăm bệnh nhi và trải qua không ít lần cùng bác sĩ giành giật sự sống cho các bé.

Trong không gian vang tiếng monitor dồn dập tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Tuyền (35 tuổi) chăm chú ghi chép, thỉnh thoảng ngẩng đầu theo dõi những em bé đang nhắm mắt im lìm.

Hồi mới ra trường, được phân công ngay khoa ICU, cô điều dưỡng trẻ Kim Tuyền không ngừng kiềm nén, tự động viên bản thân cố thêm một ngày nữa rồi nghĩ đến việc chuyển khoa. Thấm thoắt đã hơn một thập kỷ, chị vẫn ở đây, bên cạnh những bệnh nhi bé xíu.

"13 năm ở đây, ngày nào tôi cũng đi 50 km để đi làm, cũng có lúc tôi muốn chuyển về làm việc ở một bệnh viện gần nhà. Thế nhưng không hiểu sao cái duyên vẫn giữ tôi lại", chị Tuyền tranh thủ vài phút ngơi nghỉ trong giờ làm việc tâm sự với Tri thức - Znews.

 Nữ điều dưỡng Kim Tuyền đã gắn bó với khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 2, được 13 năm. Ảnh: Linh Thùy.

Nữ điều dưỡng Kim Tuyền đã gắn bó với khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 2, được 13 năm. Ảnh: Linh Thùy.

Nhiệm vụ ám ảnh

Trong khi chị Tuyền đang chăm sóc cho bệnh nhi vài tháng tuổi, phía bên kia phòng điều trị, 7-8 điều dưỡng đang khẩn trương đặt máy nội khí quản cho một một trẻ bị viêm phổi nặng khác.

Tiếng máy beep... beep..., tiếng bác sĩ, điều dưỡng gọi nhau, tiếng bước chân vội vã... liên tục vang lên bên góc giường chỉ vài mét vuông. Không khí làm việc nhanh đến mức mức ngạt thở, tưởng như chỉ chậm một phút thôi, tính mạng của bệnh nhi sẽ không thể giữ được.

"Tôi làm lâu trong khoa cũng đã quen với cái cảnh này. Ở đây, lằn ranh giữa sự sống và cái chết mỏng manh lắm, mỏng manh đến đáng sợ", điều dưỡng Tuyền cảm thán.

Nhiều bệnh nhi sáng vào còn tươi tỉnh, chiều đã nằm im với tấm chăn trắng phủ lên người. Không ít lần, nữ điều dưỡng phải hỗ trợ người nhà bệnh nhi khi con cháu họ không may qua đời. Bao nhiêu năm trôi qua, chị vẫn không thể quên được những tiếng khóc xé lòng của các ông bố, bà mẹ khi nghe tin dữ của con mình.

"Những lúc như vậy, tôi ám ảnh lắm. Tôi xót xa cho những đứa trẻ nhưng tôi đau lòng hơn cho những người ở lại. Là người theo dõi, chăm sóc trẻ từng chút nên mỗi lần như thế, tôi cũng không cảm thấy khá hơn họ là bao", chị Tuyền nhớ lại.

Với nữ điều dưỡng, việc chăm sóc cho các bệnh nhi khó hơn chăm sóc cho người lớn rất nhiều.

Trước đây, khi được phân về Bệnh viện Nhi đồng 2, lại là khoa Hồi sức tích cực, nỗi lo của chị chỉ là "không quen chăm sóc cho trẻ nhỏ khi trước đây chỉ đi thực tập các bệnh viện dành cho người lớn".

Những em bé còn quá nhỏ để nhập viện, chưa biết cách diễn tả cảm giác khiến việc chăm sóc, điều trị rất khó khăn. Với chị, người điều dưỡng vì thế phải vừa hiểu chuyên môn, vừa phải rất kiên nhẫn để hiểu được tình trạng của các bé.

"Trước đây, khi chưa tách khoa Hồi sức sơ sinh, chúng tôi nhiều lần phải tiếp nhận những em bé còn đỏ hỏn, nặng có mấy trăm gram nhưng đã mắc bệnh. Trông thương lắm!", nữ điều dưỡng nhớ lại.

 Bệnh nhi mới hơn một tháng tuổi nằm lọt thỏm giữa hằng hà máy móc trong khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: Linh Thùy.

Bệnh nhi mới hơn một tháng tuổi nằm lọt thỏm giữa hằng hà máy móc trong khoa Hồi sức tích cực. Ảnh: Linh Thùy.

Hơn cả người thân

13 năm qua, chị Tuyền dành trọn tình thương, chăm bẫm các em bé như con ruột, "nhiều khi còn hơn cả cha mẹ các bé". Tiếp xúc với các bé hàng ngày, chị biết rõ tính nết, câu chuyện của từng trẻ.

Hàng ngày, bên cạnh thực hiện theo y lệnh của bác sĩ, hỗ trợ điều trị bệnh nhi, công việc của nữ điều dưỡng còn là tắm rửa, thay tã, bỉm, cho ăn, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe từng bé để phát hiện sớm những thay đổi bất thường.

Với chị, công việc này không chỉ đơn giản là điều dưỡng, mà còn là người thân bên cạnh cổ vũ tinh thần cho các "chiến binh nhí" khi phải cách ly gia đình nằm điều trị trong khoa. Có bé chỉ nằm tại khoa vài ngày, có bé lại tới mấy năm...

 Điều dưỡng Tuyền cẩn thận kiểm tra cho một bệnh nhi hơn một tháng tuổi phải thở máy vì viêm phổi nặng. Ảnh: Linh Thùy.

Điều dưỡng Tuyền cẩn thận kiểm tra cho một bệnh nhi hơn một tháng tuổi phải thở máy vì viêm phổi nặng. Ảnh: Linh Thùy.

"Bé gái ngoài kia sinh ra vốn đã có vấn đề ở phổi, không thể thở bình thường, nằm trong khoa 4 năm nay, từ khi một tháng tuổi, đến giờ đã 4 tuổi, gần như là một tay chúng tôi chăm bẵm mà lớn lên", nữ điều dưỡng hướng mắt về một bé gái nhỏ xíu nằm sát cửa.

Bốn năm qua, cô bé dành thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Thời gian đầu, bé phải gắn mình với máy thở, chị Tuyền và đồng nghiệp hàng ngày phải canh chừng bé từng chút một, chỉ một cái trở mình của em cũng khiến chị suýt xoa.

Đến khi bé không còn thở máy, chị cũng là người bế bé ra khỏi phòng bệnh để tập thở bình thường, là người dìu những bước chân đầu tiên của cô bé.

Giống nhiều bệnh nhi điều trị lâu ngày trong khoa, cô bé nhớ mặt từng người, vẫy tay, tít mắt cười với cô chú bác sĩ, điều dưỡng mỗi khi có ai đó đi qua.

Với chị Tuyền, các bệnh nhi dù chưa biết nói, nói chưa sõi nhưng rất biết động viên bác sĩ, điều dưỡng bằng nụ cười hồn nhiên, từng cái nắm tay thật chặt. Đó chính là động lực lớn nhất giúp chị gắn bó với công việc này trong thời gian rất dài đến vậy.

"Con bé trông nhỏ bé thế thôi, nhưng mạnh mẽ lắm. Đã vào đây, bé nào cũng đều có bệnh nặng, cũng phải tự chiến đấu một mình. Thương tụi nhỏ không có ba mẹ kề cạnh nên chúng tôi ráng quan tâm mấy đứa thêm một chút, tiếp sức cho các con chóng khỏe", nữ điều dưỡng tâm sự.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-me-cua-nhung-em-be-trong-phong-hoi-suc-post1474915.html