Người mang duyên nghiệp với di sản Đồng Nai

Khi tôi viết những dòng chữ này, ông Đỗ Bá Nghiệp đã ra đi vào tuổi 88 trong những ngày còn âm hưởng của tiết Đoan ngọ. Là người con của xứ Biên Hòa, tham gia 2 cuộc kháng chiến, trở về quê hương, ông có công đặt nền móng cho sự hình thành của cơ quan Bảo tồn Bảo tàng tỉnh từ buổi ban đầu. Từ cách nghĩ, cách làm với trách nhiệm được phân công, ông đã gắn bó 21 năm như cái nghiệp với lĩnh vực này của Đồng Nai (1976-1997).

Ông Đỗ Bá Nghiệp

Ông Đỗ Bá Nghiệp

Ông Đỗ Bá Nghiệp tham gia kháng chiến khá sớm khi vào Chiến khu Đ thời chống Pháp. Hoàn cảnh gia đình sống ở đô thị, có điều kiện thuận lợi để học tập nhưng chàng thiếu niên đã rẽ ngang, theo tiếng gọi non sông “lên đàng” theo cách mạng. Chấp nhận gian khó để làm người chiến sĩ Vệ quốc quân chống lại kẻ xâm lược. Những năm tháng ở Chiến khu Đ, Vệ quốc quân Đỗ Bá Nghiệp đặt dấu chân mình nhiều nơi trên địa bàn rừng núi của núi rừng Đông Nam bộ. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với đồng đội, ông được lệnh tập kết ra miền Bắc học tập, công tác và sau này trở về Nam.

Về với Biên Hòa, công tác trong ngành Văn hóa, ông Đỗ Bá Nghiệp được phân công phụ trách lĩnh vực Bảo tồn Bảo tàng của tỉnh. Một nhiệm vụ và lĩnh vực hoàn toàn mới trong chủ trương xây dựng đời sống văn hóa sau ngày đất nước thống nhất. Những năm tháng chiến đấu đã tôi luyện và ông xung phong nhận trách nhiệm trên mặt trận văn hóa giữa bối cảnh xã hội còn bộn bề khó khăn. Thế nhưng, từ trách nhiệm và tâm huyết, ông đã gây dựng đội ngũ làm việc năng nổ. Trải qua những lần dời chuyển nơi làm, ông đã chứng kiến “cơ ngơi” nhà bảo tàng được tỉnh đầu tư xây dựng khá hiện đại vào đầu thập niên 90. Năm 1997, ông nghỉ làm việc theo chế độ quy định nhưng vẫn nhiệt tâm, góp phần quan trọng hình thành trưng bày bảo tàng trong dịp kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-1998) và những công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa của địa phương.

Chất lính được tôi luyện qua hai thời kỳ đã phát huy trong công việc. Mỗi lần về nguồn ở các chiến trường xưa, căn cứ… hay họp mặt của đơn vị vũ trang là ông “xua quân” gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm hiện vật, tài liệu không chậm trễ. Ông có mặt kịp thời ở những điểm phát hiện dấu tích văn hóa, hiện vật… Vì vậy, ông không ngại ngần khi tìm đến khảo sát dài ngày ở địa bàn từ vùng rừng núi, chiến khu xưa hay vàm đước, ven sông, cận biển… khi ở đó người dân cung cấp thông tin về di sản văn hóa. Những người làm Bảo tàng Đồng Nai không thể quên những đợt khảo sát, điền dã với “Ông già Tư, bố Tư” - cách anh em gọi thân mật, quý mến, gần gũi dành cho lãnh đạo của mình.

Chắc chắn đợt kỷ niệm 50 năm Bảo tàng Đồng Nai tới đây sẽ vắng bóng ông nhưng thế hệ nối tiếp sẽ luôn trân quý những cống hiến, tấm lòng nhiệt huyết, nhân văn của ông đối với di sản ở Đồng Nai. Ông ra đi thanh thản nhé nơi miền xa xôi ấy trong quy luật của cuộc đời. Ông đã trở thành một phần của di sản bảo tàng “ông già Tư, bố Tư” ơi. Cái nợ, cái nghiệp và cái duyên ngày xưa ông đã gầy dựng chắc chắn sẽ được phát huy vì đó là di sản quý báu.

Những năm tháng dài gắn bó với bảo tàng như cái nghiệp, ông đã để lại những dấu ấn quan trọng, mát tay với những phát hiện và sưu tập hiện vật độc đáo: đàn đá Bình Đa, qua đồng Long Giao, tập thành tượng cổ, hiện vật vàng trong di chỉ Rạch Đông, sưu tập hiện vật dân tộc học các cộng đồng dân tộc, làng nghề, vũ khí súng thần công thời nhà Nguyễn chống Pháp, cây thập tự Long Tân, hệ thống các di tích được xếp hạng… Một số hiện vật quý hiếm thời ông khai quật, sưu tầm, thu thập… đã được công nhận bảo vật quốc gia: tượng Vishnu Bình Hòa, đàn đá Bình Đa, qua đồng Long Giao.

Qua mối liên hệ của mình, ông đã chủ động khai quật Đồng Nai từ nhiều góc nhìn độc đáo của các chuyên gia khảo cổ học của đất nước với hai trung tâm lớn ở Hà Nội và TP.HCM, một số địa điểm có sự tham gia các nhà khảo cổ nước ngoài. Những lĩnh vực nghiên cứu ở Đồng Nai được ông chọn điểm khá độc đáo để rồi kết nối những nhà nghiên cứu làm rõ giá trị văn hóa mang dấu ấn lịch sử địa phương trong đối sánh với các vùng miền. Ông đã chủ trì, tham gia những công trình nghiên cứu của Đồng Nai: Địa chí Đồng Nai, Khảo cổ học Đồng Nai thời tiền sử, Làng Bến Gỗ, Làng Bến Cá, Cù lao Phố, Làng Tân Biên… góp phần khảo cứu, quảng bá văn hóa Đồng Nai.

Ông Đỗ Bá Nghiệp (trái) trao đồi về văn hóa với GS-TS Tô Ngọc Thanh

Ông Đỗ Bá Nghiệp (trái) trao đồi về văn hóa với GS-TS Tô Ngọc Thanh

20 năm phụ trách Bảo tàng Đồng Nai, trên cương vị là giám đốc bảo tàng đầu tiên và cho đến cuối cuộc đời, ông Đỗ Bá Nghiệp vẫn luôn đau đáu về nghiệp này. Bảo tàng Đồng Nai đã trở thành máu thịt, là một phần cơ thể, là gia sản bởi những tháng năm dài ông đã dồn hết tâm lực để gầy dựng, tạo lập.

Phan Đình Dũng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/nguoi-mang-duyen-nghiep-voi-di-san-dong-nai-3170348/