Người lao động chật vật mưu sinh dưới nắng nóng

Hiện đang là cao điểm nắng nóng của mùa hè 2023. Nền nhiệt có ngày lên tới 40 độ C khiến những người lao động, đặc biệt là những lao động làm việc ngoài trời như nông dân, thợ xây, shipper... càng thêm mệt mỏi, chật vật trong công cuộc mưu sinh.

Dù vất vả nhưng người nông dân vẫn luôn tươi cười và nỗ lực làm việc.

Dù vất vả nhưng người nông dân vẫn luôn tươi cười và nỗ lực làm việc.

9 giờ sáng, tại một công trình xây dựng dân dụng ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, hàng chục thợ xây vẫn đang miệt mài dựng cột, làm sắt đẩy nhanh tiến độ để kịp ngày đổ mái cho gia chủ. Thời tiết nắng nóng, bê tông, thép tỏa nhiệt cao nên chốc chốc mọi người lại tranh thủ lau mồ hôi, uống nước.

Cả buổi làm việc, công nhân xây dựng chỉ làm bạn với nắng và giàn giáo.

Ông Trần Văn Bái - ở bộ phận cốp pha - cho biết: Tôi làm xây dựng mấy chục năm nay rồi nhưng vẫn không quen được với cái nắng khắc nghiệt của mùa hè. Để tránh nắng, anh chị em đều phải tranh thủ làm từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 10 giờ, chiều 2 giờ 30' lại tiếp tục. Mặc dù mệt mỏi, háo nước nhưng vẫn phải đảm bảo công việc.

Nghề xây dựng vốn đã cực nhọc, lại thêm nắng nóng gay gắt khiến cho những người thợ càng thêm vất vả.

Chị Hoàng Thị Hoa, một phụ hồ cũng trải lòng: "Công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông nhưng cuộc sống khó khăn thì vẫn phải làm, trừ những lúc ốm đau mới nghỉ…".

Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua xã Ninh An, bất chấp nắng nóng, các công nhân vẫn tập trung thi công, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu.

Không chỉ thợ xây, công việc của các shipper mùa này cũng vô cùng vất vả. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, táp vội vào gốc cây bên đường đợi khách ra nhận hàng, Nguyễn Đức Anh- một shipper tại thành phố Ninh Bình chia sẻ: Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ tôi đến kho nhận hàng và đến 8 giờ 30 là bắt đầu chạy xe đi giao cho khách. Thường để giao hết đơn hàng cũng phải qua 12 giờ trưa. May mắn là tôi chuyên giao cho khách ở công sở, chứ với các bạn đồng nghiệp khác giao đơn tại nhà thì phải làm tới 1-2 giờ chiều vì lúc đó khách mới ở nhà. Nhìn chung công việc "đánh bóng mặt đường" như chúng tôi vất vả lắm, nhất là những ngày nắng nóng như thế này nên chỉ mong khách hàng chú ý nghe điện thoại và ra nhận đơn nhanh thôi.

Hiện đang là chính vụ dứa, nông dân thành phố Tam Điệp tranh thủ chiều mát để thu hoạch.

"Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", bà con nông dân những ngày này cũng đang chật vật, vừa lo chống nắng cho cây trồng, vật nuôi vừa tìm cách bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân khi phải làm việc dưới cái nắng như thiêu như đốt ở ngoài trời.

Anh Phạm Ngọc Thạch (đội Hang Nước, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp) cho biết: Thông thường 5, 6 giờ sáng tôi mới ra đồng làm việc. Nhưng vào những ngày nắng nóng như thế này, tôi đổi lại, sáng 3-4 h là đã có mặt để thu hoạch hoặc bó dứa. Hiện đang vào chính vụ dứa, quả dứa đã lớn mà không kịp che chắn, bó lại sẽ cháy xém, thối hỏng hết. Do vậy, nông dân chúng tôi phải chạy đua với thời gian thì mới kịp.

Tương tự như vậy, ở các vùng trồng lúa, nông dân cũng tranh thủ ra đồng lao động từ tờ mờ sáng. Ngoài ra, họ còn có cho mình nhiều cách để chống nắng khác như: Dựng lán trại để nghỉ ngơi giữa giờ, sử dụng các loại áo chống nắng, phụ kiện chống nắng như dù che gấp gọn, dù che nắng kích thước lớn. Thường xuyên uống nước, bổ sung bánh trái, hoa quả nhằm tăng cường sức khỏe.

Theo dự báo, mùa hè năm nay sẽ còn nhiều đợt nắng nóng, số ngày nóng gay gắt nhiều hơn, không khí oi bức lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng. Điều này sẽ đặt ra thách thức lớn cho người lao động có đặc thù làm việc, di chuyển liên tục ngoài trời. Do đó, mỗi người lao động cần đặc biệt chú ý đến sự thay đổi của cơ thể cũng như tìm hiểu các giải pháp hỗ trợ công việc hiệu quả, bảo vệ sức khỏe.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-lao-dong-chat-vat-muu-sinh-duoi-nang-nong/d20230704115139662.htm