'Người hùng' chống lại sự lãng quên

Tôi gặp ông trong một cuộc họp đồng hương tỉnh Bến Tre. Ông thân mật tự giới thiệu tên mình. Ồ, Ba Nhiệm, người tù cướp tàu địch vượt Côn Đảo năm 1967 về đất liền thành công, một cuộc vượt ngục ly kỳ mà thời làm phóng viên truyền hình đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo tôi đã từng nghe qua.

Bị kết án tử hình vắng mặt

“Người hùng”. Nghe qua, ông Ba Nhiệm cười ha hả: “Cái này là bây đặt cho tao nghen, chớ tao chỉ là Trần Văn Nhiệm, tác giả quyển sách Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam. Mà nè, lúc làm bản thảo gần xong, máy tính bị virus ăn sạch dữ liệu. Vậy là ông già này lại lọ mọ ngồi viết lại từng trang, tìm lại từng bức ảnh, tư liệu!”. Ông kể tỉnh bơ nhưng tôi choáng. Tôi đã từng bị mất sạch dữ liệu nên hiểu nỗi thống khổ của ông.

“Người hùng Ba Nhiệm” - cậu học trò Trường tư thục Bình Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre từng là nòng cốt phong trào văn hóa văn nghệ tham gia đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Trường bị đóng cửa vì địch phát hiện phần lớn giáo viên ở đây là Việt cộng. Ông tự hào nói: “Sau ngày hòa bình, Trường Bình Hòa tao học được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đó nghen!”.

Rời Bến Tre, ông lên Sài Gòn tiếp tục việc học, vừa bắt liên lạc với tổ chức cách mạng, thành lập Đội học sinh quyết tử - tổ chức vũ trang đầu tiên giữa lòng Sài Gòn vào đầu năm 1960. Ông là người chỉ huy ném lựu đạn vào xe Đại sứ Mỹ Fredrich Nolting. Lựu đạn không nổ nhưng cuộc tấn công này gây chấn động chính quyền Sài Gòn và nước Mỹ. Ông và 4 đồng đội, trong đó có Lê Hồng Tư bị kết án tử hình. Riêng ông và Đỗ Văn Trí bị kết án tử vắng mặt.

Thay hình đổi dạng, ẩn thân giữa lòng Sài Gòn, Ba Nhiệm tiếp tục hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh sinh viên. Chàng trai vẫn ca hát, dày công sưu tập những bài ca cách mạng, dùng âm nhạc làm vũ khí đấu tranh, nâng cao sức mạnh tinh thần cho mình và đồng đội. Vài năm sau, Ba Nhiệm bị địch bắt. Ông lần lượt bị đày qua các nhà tù như An ninh quân đội, bị đưa xuống hầm B42, đề lao Gia Định, Tổng nha, Tân Hiệp, Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo. Lần bị bắt này với ông quá khốc liệt. Tôi hỏi: “Chính quyền Sài Gòn có biết chú là Trần Văn Nhiệm, từng bị xử tử hình vắng mặt?”. Ông trầm ngâm kể: “Tao khai mình là Trần Văn Bộ, học sinh xuống đường tham gia phong trào Phật giáo chống độc tài, phát xít. Không tìm được chứng cứ, chúng làm án ngầm, đày tao ra Côn Đảo. Ở tù gần hai năm, tao tìm cách vượt ngục...”.

Chất lính vẫn hừng hực ở tuổi 87

Nhạc sĩ Lê Thanh Văn, tác giả ca khúc Hướng về Sài Gòn đã viết lời giới thiệu công trình Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam: “Nhân khi thời cơ thuận lợi, anh và một số bạn tù đã tổ chức vượt Côn Đảo trên chiếc xuồng nan mong manh cướp của địch, nhiều ngày đêm lênh đênh giữa muôn trùng sóng gió của biển khơi. Cuộc vượt ngục thành công, anh Ba Nhiệm trở về đất liền. Anh tiếp tục chiến đấu trong phong trào cách mạng đô thị ở Sài Gòn, nhưng không phải ở môi trường văn hóa văn nghệ, mà là quân sự, và anh cũng đã để lại một phần thân thể nơi vùng căn cứ đạn bom ác liệt”.

Chuyện ông đã để lại một phần thân thể nơi vùng căn cứ đạn bom ác liệt thì tôi chưa từng biết. Tôi thấy ông luôn xuất hiện trước đám đông chỉn chu, tràn đầy năng lượng, vững chãi, phăm phăm tiến về phía trước thì làm sao là một thương binh?! Ông từ tốn kể: “Lúc đó, tao phụ trách quân sự Liên quận, về căn cứ Bến Tre công tác, đối đầu biệt kích, bị bắn gãy chân. Anh em cõng tao về trạm dân y chữa trị. Vết thương bị nhiễm trùng phải cưa chân chỉ bằng cây cưa sắt, không có thuốc mê. Không có bác sĩ, y sĩ Minh Thiện ra tay. Đau thấu trời nhưng tao cắn chặt răng để không bật ra tiếng kêu rên. Mình là chỉ huy mà rên la thì kỳ quá! Khi cái chân rời đi, cô y sĩ ngất xỉu, tao mới bật kêu một tiếng “Trời!”. Không có gì ăn, trưởng trạm dân y bắt dơi sen nấu cháo, hy vọng có chút đạm để tao mau hồi phục. Vậy mà vết thương nhiễm trùng. Y sĩ phải nấu nước muối rửa vết thương, vắt cho máu độc ra như vắt khăn. Hơn hai tháng vết thương mới lành. Anh em làm chân giả cho tao bằng ống nhôm trái sáng. Cứ vậy mà đi, tiếp tục chiến đấu!”.

Ông tiếp tục chiến đấu ngay trong những ngày hòa bình. Được giao làm Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào xóa đói giảm nghèo của thành phố. Nhưng chống lại sự lãng quên mới là trận chiến không kém phần cam go, khốc liệt giữa thời bình. Ở tuổi 87, ông vẫn mày mò từng trang bản thảo, lùng sục các trung tâm lưu trữ, tìm tư liệu, kiếm tiền in sách chỉ mong trao lại cho con cháu di sản âm nhạc một thời đồng hành với lịch sử dân tộc. Ông còn khao khát thực hiện bộ phim tài liệu về những người tù vượt ngục. Những người không còn trẻ nữa như tôi cũng được ông truyền dẫn nguồn năng lượng mãnh liệt để làm nên những tác phẩm trả nợ đồng bào. Trước mặt tôi, chân dung Ba Nhiệm, một người hùng giữa đời thường, chống lại sự lãng quên.

Tôi nhận ra chất lính trong ông vẫn hừng hực trong những công trình lịch sử và truyền thống. Ông “truy cùng đuổi tận” sự dối trá, thờ ơ, dễ dãi; cố tìm ra những nhân chứng, tư liệu chân xác để viết sử. Tôi hiểu vì sao những công trình lịch sử do ông chủ biên, tham gia biên soạn đọc rất có hồn như Truyền thống căn cứ Thành đoàn TPHCM, sách Trường Trung học Bình Hòa, Phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên thành phố Sài Gòn mà ông là trưởng nhóm...

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-hung-chong-lai-su-lang-quen-post698311.html