Người Hoa góp sức vì sự phát triển thành phố

Đồng bào người Hoa sống ở TP. Phan Thiết từ lâu đời với 532 hộ/1.578 khẩu, chiếm 71,27% trong tổng số 736 hộ/2.214 khẩu là đông bào dân tộc thiểu số ở thành phố. Người Hoa sinh sống tập trung ở các phường Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo, Mũi Né và sinh hoạt ở 4 Hội quán: Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến và Quảng Đông.

Đồng bào người Hoa vốn có kinh nghiệm và tiềm năng, cần cù chịu khó, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, chủ động đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ... Thời gian qua, chính quyền, Mặt trận đoàn thể chính trị - xã hội thành phố luôn quan tâm đến các chế độ chính sách đối với người Hoa. Thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tâm tư nguyện vọng của cộng đồng người Hoa, nhất là những vấn đề bức xúc, khó khăn; kịp thời phản ánh, đề xuất cấp ủy, chính quyền những giải pháp để giải quyết những vấn đề phát sinh… Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy tiềm năng của cộng đồng người Hoa trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, tổng số gia đình người Hoa ở Phan Thiết hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, mua bán nhỏ là 260 hộ/532 hộ; trong đó có 85 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; một số hộ kinh doanh có uy tín , có thương hiệu ở địa phương như: Lý Chấn Ký, Vạn Thuận, Liên Hoa, Nhơn Ái, Vĩnh Hưng, Vĩnh Lộc, Kim Sơn... Đời sống kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người Hoa ngày càng phát triển, đa số là hộ khá, giàu.

Lễ hội Nghinh Ông người Hoa TP. Phan Thiết.

Phường Đức Nghĩa tập trung đông cộng đồng người Hoa sinh sống khoảng 168 hộ/668 khẩu, kinh tế chính của bà con là kinh doanh, buôn bán, thương mại... Chính quyền địa phương luôn quan tâm trong việc vận động, tuyên truyền, giữ mối liên hệ chặt chẽ trong toàn thể cộng đồng người Hoa, bà con tích cực hăng say lao động vừa tăng thu nhập kinh tế gia đình, vừa góp phần tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa bàn nói riêng và thành phố nói chung. Đời sống kinh tế của cộng đồng người Hoa ngày càng phát triển, số hộ giàu, hộ khá chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người Hoa toàn phường. Cộng đồng người Hoa tích cực tham gia các cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; ủng hộ kinh phí đóng góp vào các nguồn quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Tiếp bước cho em đến trường", kinh phí sửa chữa, xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo trong và ngoài thành phố...

Cùng sự năng động và những đức tính tốt đẹp trong sản xuất, kinh doanh, cộng đồng người Hoa ở Phan Thiết đã thể hiện sinh động tính cộng đồng, tinh thần nhân văn qua các lễ hội truyền thống tiêu biểu cho văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa trên địa bàn như: Lễ hội Quan Thánh xuất du. Theo Ban Quản lý Quan Đế Miếu (phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết), lễ hội Quan Thánh xuất du đáo lệ 2 năm 1 lần mục đích: "Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn dân làm ăn phát đạt, đoàn kết một lòng và thịnh vượng trong cuộc sống". Lễ hội đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước về địa phương chiêm ngưỡng, thưởng thức góp phần phát triển du lịch thành phố.

Lễ hội dân gian của cộng đồng người Hoa ở Phan Thiết nói riêng và toàn tỉnh nói chung đều mang ý nghĩa và triết lý nhân sinh, nếu được khai thác và phát huy sẽ góp phần tích cực vào việc thu hút khách tham quan. Bởi nhu cầu khám phá, hưởng thụ, trải nghiệm văn hóa là vấn đề cốt lõi trong phát triển du lịch. Việc khai thác tốt các giá trị văn hóa từ các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn phát triển du lịch văn hóa lễ hội sẽ tạo cho du lịch có những nét độc đáo, bản sắc riêng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nguoi-hoa-gop-suc-vi-su-phat-trien-thanh-pho-117564.html