Người giữ hồn quê đất Việt qua từng cánh diều

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 20km về phía tây, làng diều Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội), có những cánh diều có thể làm 'ưng lòng' mọi du khách thập phương.

Điều đặc biệt, người dân Bá Dương Nội làm diều không phải để buôn bán, mưu sinh, mà vì thỏa mãn thú chơi diều, nhất là mỗi khi mang diều đi giao lưu ở các lễ hội diều trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, những chiếc diều sáo độc đáo nơi đây không hề bị cuốn vào vòng xoáy của kinh tế thị trường. Hàng trăm năm đã trôi qua, cánh diều Bá Dương Nội đến nay vẫn giữ được hồn quê trong trẻo, thanh tao.

Bảo tồn nét văn hóa đặc sắc ngôi làng diều sáo cổ

Dù đã cao tuổi, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm (sinh năm 1948), quê xã Hồng Hà, Đan Phượng (Hà Nội) vẫn tràn đầy nhiệt huyết với cánh diều sáo cổ. Với ông Kiêm cũng như mỗi người dân làng Bá Dương Nội, chơi diều, thả diều đã đi vào tâm thức một cách tự nhiên. Cánh diều được truyền từ đời cha đến đời con, đời cháu. Họ cùng nhau gìn giữ những giá trị truyền thống quê hương. Cha của nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm cũng là một nghệ nhân (cụ Nguyễn Hữu Ngọ). Cụ Ngọ là một trong những người chơi diều lâu đời, có tiếng trong làng. Vì thế ngay từ nhỏ, ông Kiêm đã được tiếp xúc với cánh diều. Ông Kiêm chia sẻ: “Tôi được thụ hưởng từ bố những kinh nghiệm hay về làm diều, thả diều, nay ở tuổi này, tôi tiếp tục truyền nghề cho con cháu trong nhà. Đến nay gia đình tôi đã có 6 đời chơi diều”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm trong căn phòng khách lưu giữ lại những tấm bằng khen thưởng danh hiệu xuyên suốt thời gian ông gắn bó với cánh diều truyền thống.

Vì đam mê chơi diều từ thủa ấu thơ, tới nay khi đã về già, tình yêu diều của ông Kiêm vẫn không thay đổi. Chính điều này đã thôi thúc nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm lặn lội đi đến nhiều địa phương trong cả nước, gặp gỡ các cụ cao niên ở các vùng quê có truyền thống chơi diều như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế… tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý. Người ta thấy ông Kiêm mỗi dịp đi về lại miệt mài, say sưa với những cánh diều. Ông dành thời gian nghiên cứu, tính toán một cách khoa học để tìm ra công thức chuẩn, nhằm đơn giản hóa các công đoạn làm diều, giúp cánh diều bay cao hơn, tiếng sáo trong và vang xa hơn.

Năm 2005, ông Kiêm được Trung ương Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, đến năm 2015 ông lại được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Theo ông Kiêm, ở làng nghề Bá Dương Nội, ai sinh ra cũng biết làm diều. Có thể nói, những cánh diều dường như đã đi vào tiềm thức, gắn liền với tuổi thơ của bất kỳ ai sinh ra trong làng. Thực tế ở Bá Dương Nội, từ em bé tóc còn để chỏm đến các cụ già đều say mê diều. Họ có thể tự chế tác ra những cánh diều kỳ diệu; nhưng để diều bay cao, thăng bằng, không chao đảo, âm thanh của sáo đạt đến độ tinh tế, phải nhờ đến bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làm diều, chơi diều lâu năm.

Ở tuổi 74, nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm vẫn miệt mài tay uốn, tay vót những thanh tre để làm diều.

Diều có nhiều loại và được đặt tên theo hình dáng cánh diều, như diều cánh muỗm, diều cánh phản, diều cánh chanh… Cuộc sống ngày càng phát triển, kỹ thuật làm diều cũng được cải tiến hơn. Ngày xưa, diều thường được dán bằng giấy nên nhanh rách. Hiện nay, người Bá Dương Nội đã cải tiến lên một bước mới. Họ dùng chất liệu vải nhằm tăng độ bền của cánh diều. Hoặc trước kia người ta thường dùng dây đay làm dây diều thì ngày nay được thay thế bằng dây nilon. Bộ khung diều cũng vậy, nếu trước đây làm bằng những thanh tre nguyên đoạn dài, thì ngày nay được cải tiến thành các khớp nối có thể gấp gọn lại.

Ngoài kỹ thuật làm diều, người Bá Dương Nội còn có tài làm sáo diều. Sáo diều thường được làm bằng tre già. Mặt sáo làm từ gỗ vàng tâm, gỗ dổi hoặc gỗ mít vừa nhẹ, mềm, dễ làm mà các thớ gỗ lại không bị nứt nẻ, co ngót. Khi lên cao, sáo diều ngân nga những âm thanh du dương, trầm bổng, tùy theo sự kết hợp của từng cặp sáo… Đó là sự kết tinh của những đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn của người nghệ nhân chế tác sáo.

Trăn trở nâng cánh diều sáo cổ bay cao

Theo các bậc cao niên ở Bá Dương Nội, thú chơi diều nơi đây đã trải qua nghìn năm tuổi. Tương truyền, thú chơi này gắn với câu chuyện về tướng Nguyễn Cả, một vị tướng tài thời nhà Đinh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với triều đình, ông đã từ quan về làng, dạy dân trồng trọt, cày cấy, mở hội... Những năm tháng vui thú điền viên, vị tướng bày cho đám trẻ trong làng nhiều trò chơi thú vị, trong đó có trò thả diều. Ông còn dạy dân biết dùng tre bánh tẻ phơi nắng, lấy nhựa sung, bồi giấy, dán vào khung tre tạo nên những con diều hấp dẫn cho trẻ thơ… Còn truyền thuyết kể rằng: Từ thủa xa xưa ở làng Bá Dương Nội, khi trời đất còn giao hòa với nhau, mỗi lần hạ giới có lễ hội, các nàng tiên trên trời xuống vui hội với người trần gian. Nhưng đến một ngày tự nhiên trời long đất lở, bầu trời cứ cao lên mãi, từ đó các nàng tiên không còn xuống trần gian được nữa. Vì nhớ người nhà trời, người trần gian nghĩ ra những cánh diều thả bay lên cao, như là một sợi dây kết nối giữa trời và đất. Sau này, người xưa thấy chỉ có một cánh diều như vậy rất đơn lẻ, nên gắn thêm vào diều những ống tre, ống trúc phát ra những âm thanh như lời mời gọi người nhà trời về với trần gian... Sáo diều ra đời như vậy.

Một số cánh diều sáo đặc trưng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm và làng diều truyền thống Bá Dương Nội.

Hiện nay, vào ngày 15-3 âm lịch hàng năm, người dân làng Bá Dương Nội tấp nập tổ chức hội thi diều tại sân đền thờ thần Châu Thổ của làng; với ý nghĩa trao truyền giá trị văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để lớp trẻ có thể cảm nhận những tinh hoa của ông cha truyền lại. Nhưng không phải người trẻ nào cũng đam mê với cánh diều. Rồi nền kinh tế thị trường cuốn người ta vào cuộc sống mưu sinh, không còn thời gian dành cho diều nữa. Chính vì vậy những nghệ nhân như ông Kiêm luôn trăn trở, đau đáu với nỗi lo của người yêu diều, biết làm diều sáo mai một dần.

Trước những băn khoăn lo lắng này, năm 2004, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm đã cùng các nghệ nhân trong làng thành lập Câu lạc bộ thả diều truyền thống xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng và ông Kiêm được hội viên tin tưởng bầu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ từ đó cho tới nay. Ông Kiêm bộc bạch: Thực ra, thú chơi diều không dễ mất đi, chỉ cần ngày nào còn những bãi đất trống, cánh đồng, con đê, thì những cánh diều sẽ còn bay. Nhưng điều đáng lo nhất là sự mai một của những tiếng sáo hay. Bởi lẽ, người chơi diều phải mất nhiều năm mới có được kinh nghiệm, tạo ra những cây sáo diều có thanh âm trong trẻo, tinh tế…

Hình ảnh những chiếc sáo diều do nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm và bạn bè yêu diều của mình chế tác.

Ông Nguyễn Mạnh Vượng, thành viên Câu lạc bộ thả diều truyền thống xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng nhận xét: “Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm là người say mê với diều. Ông nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống làm diều ở Bá Dương Nội. Ông cũng luôn có ý thức truyền bá cho các thế hệ trẻ về tình yêu diều, góp phần lưu giữ, nâng cao và phát triển văn hóa chơi diều dân gian của nước ta. Ông chính là người giữ gìn hồn quê đất Việt qua những cánh diều”.

Đến nay, câu lạc bộ thả diều đã thu hút được đông đảo hội viên, trong đó có cả cụ già đã 88 tuổi, người trẻ nhất mới 18 tuổi. Chính vì thế Bá Dương Nội đã có được sự kế tiếp làm diều và chơi diều từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Có người nói, diều của Việt Nam là loại diều thô sơ, mộc mạc, đơn giản, nhưng sự thật chiếc diều truyền thống của người Việt rất tinh tế, nhất là bộ sáo diều. Chính vì vậy, người làng Bá Dương Nội luôn tự hào khi duy trì được nét văn hóa đặc sắc của làng quê mình. Họ càng vui hơn khi cánh diều của Bá Dương Nội tung bay trên bầu trời ở nhiều festival diều trong nước và quốc tế. Đối với nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, ông luôn có niềm tin và niềm tự hào vào những cánh diều của làng. Mỗi lần ông mang cánh diều của người Việt đi dự các lễ hội diều trên thế giới, nhất là khi nghe tiếng sáo diều làng mình cất lên, được bạn bè quốc tế trầm trồ, thán phục; lòng ông tràn đầy xúc động, trào dâng niềm tự hào dân tộc.

Bài, ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nguoi-giu-hon-que-dat-viet-qua-tung-canh-dieu-710172