Người giữ 'bí kíp' làm thuyền buồm đi ngược gió ở làng nghề hơn 600 tuổi

Những chiếc thuyền ba vát không động cơ có thể đi xuôi gió, ngang gió, ngược gió và ngược dòng nước đã là huyền thoại đối với người làm nghề sông nước.

Thăng trầm của làng nghề hơn 600 năm tuổi

Tìm về phường Phong Hải (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) hỏi về ông Chắn đóng tàu thì mọi hướng tay đều chỉ về khu Công Mương, nơi gia đình người nghệ nhân già sinh sống và hành nghề đóng tàu.

Ở cái tuổi gần bát tuần, ông Lê Đức Chắn vẫn rất minh mẫn kể về từng giai đoạn thăng trầm của nghề đóng tàu ở ngôi làng được lập ra cách đây hơn 600 năm.

Qua chất giọng trầm mặc, ông Chắn kể, theo những gì ông nghiên cứu và được cha ông truyền lại, mảnh đất này được gọi là đảo Hà Nam. Vào năm 1434, 17 cụ Tiên công gồm quan quân, nho sĩ, thợ thủ công, ngư dân, nông dân nhận lệnh vua xuôi thuyền theo sông Hồng ra phía biển Ðông.

Ðến vùng cửa sông Bạch Ðằng, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) các cụ dừng thuyền nghỉ ngơi. Rạng sáng thì nghe tiếng ếch kêu, các cụ biết rằng khu vực này chắc chắn có nước ngọt, mặc dù xung quanh là nước mặn.

Nhận thấy đây là nơi thuận lợi cho việc sinh sống, làm ăn nên các cụ quai đê lấn biển đặt nền móng cho mảnh đất Hà Nam sau này. Thiên nhiên ưu đãi cho nơi này cá tôm, dòng sông Chanh hiền hòa, nên việc đánh bắt thủy, hải sản phát triển.

Vì vậy 17 vị Tiên công bảo mọi người đóng thuyền gỗ. Cũng từ đó đảo Hà Nam hình thành nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ, không biết thuyền buồm ba vát chạy ngược gió có từ khi nào nhưng nó giúp người dân phát triển kinh tế, vươn khơi bám biển.

Đền thờ tổ nghề được dựng lên ở làng nghề. Tuy nhiên vào năm 1955, sự cố vỡ đê mùa nước lớn đã nhấn chìm khu đảo Hà Nam, nhà thờ tổ nghề bị dùng nước cuốn trôi.

Nghệ nhân Lê Đức Chắn trân trọng những mô hình thuyền buồm ba vát đi ngược gió do chính tay ông làm ra

Nghệ nhân Lê Đức Chắn trân trọng những mô hình thuyền buồm ba vát đi ngược gió do chính tay ông làm ra

"Đây là nghề truyền thống của gia đình, đến tôi là đời thứ 7, hiện 8 người con của tôi cũng đang theo nghề, tất cả đều vững kinh nghiệm và còn dạy lại được cho người muốn theo học", ông Chắn tâm sự.

Chỉ về hướng dòng sông Chanh sau nhà, ông Chắn nhớ lại những năm 1960 khi đang diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ. Huyện Yên Hưng ngày đó nhận được lệnh của trung ương tăng cường phục vụ mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bốn hợp tác xã vận tải thủy là Đại Thành, Hồng Phong, Phong Hải, Bạch Đằng được thành lập. Với mục tiêu nhanh nhất có thuyền chở hàng, vũ khí chi viện cho miền Nam, các hợp tác xã này ngày đêm xẻ gỗ làm ván đóng thuyền, đóng góp những chiếc tàu, thuyền làm nên tuyến vận tải lịch sử, đặc biệt là chiến dịch VT5 năm 1968.

Thuyền buồm ba vát ngược ngó trên dòng sông Chanh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thuyền buồm ba vát ngược ngó trên dòng sông Chanh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Còn theo sử làng ở phường Phong Hải ghi chép lại rằng, trước thế quân Nguyên Mông rất mạnh uy hiếp nước ta bằng đường biển, quan quân nhà Trần đã dùng những chiếc thuyền ba vát buồm cánh dơi chạy ngược nước, ngược cả gió bấc để dẫn dụ quân địch vào thế trận cọc Bạch Đằng, làm nên chiến thắng lịch sử, tiêu diệt hàng trăm tàu giặc.

Xưởng đóng tàu của gia đình ông Chắn bên bờ sông Chanh hiện lớn nhất vùng, đào tạo nghề cho nhiều người muốn theo học

Xưởng đóng tàu của gia đình ông Chắn bên bờ sông Chanh hiện lớn nhất vùng, đào tạo nghề cho nhiều người muốn theo học

Huyền thoại thuyền buồm ngược gió khiến người nước ngoài trầm trồ

Tại nhà riêng của ông Chắn có nhiều mô hình tái hiện lại những chiếc thuyền buồm chạy ngược gió, tất cả đều được để ở những vị trí trang trọng.

Cẩn thận nhấc một mô hình thuyền xuống, ông Chắn lý giải vì sao thuyền buồm nhưng lại chạy được xuôi gió, ngang gió, thậm chí cả ngược gió. Đây cũng chính là điểm đặc biệt mà chỉ thuyền buồm ở mảnh đất Hà Nam mới có.

"Có 3 cách để thuyền chạy và người lái thuyền phải nhanh tay, khéo léo, thuyền chạy xuôi gió thì buộc buồm kiểu cánh tiên, chạy ngang gió thì buộc buồm pha chằng. Nếu muốn thuyền đi ngược gió thì buộc vát buồm, lúc này thuyền phải đi theo hình chữ chi", ông Chắn giải thích.

Ông Chắn nay không trực tiếp đóng tàu mà giao lại cho 8 người con đảm nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của gia đình

Ông Chắn nay không trực tiếp đóng tàu mà giao lại cho 8 người con đảm nhiệm gìn giữ nghề truyền thống của gia đình

Cũng theo ông, gỗ làm thuyền phải là loại gỗ tốt nhất như lim, dẻ, táu. Trong đó, các miếng ván được ghép bằng cách khoan và luồn dây mây rồi thắt lại do thời đó chưa có đinh vít. Phần cánh buồm được làm bằng vải diềm bâu nhuộm vỏ cây đâng.

Lý thuyết là vậy, nhưng đến khi thực hành đóng thuyền thì phức tạp vô cùng, chỉ có ông Chắn và một vài cụ cao niên trong làng đủ kinh nghiệm mới đóng được những chiếc thuyền buồm này. Chính vì lý do đó mà nhiều lần ông đào tạo, truyền lại bí kíp nhưng các tay thợ trẻ không đủ kiên nhẫn theo học.

Năm 2015, ông Chắn được Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình Tri thức dân gian.

Ông Chắn được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2015

Ông Chắn được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2015

Qua lời kể của ông, vào năm 2016, một đoàn chuyên gia từ các nước Nhật, Mỹ, Nga, Bồ Đào Nha đã tìm về tận TX Quảng Yên để nghiên cứu chiếc thuyền buồm ngược gió này.

Âm vang quá khứ trỗi dậy, ông cùng hai người cháu cất công đóng một chiếc thuyền dài 11m rồi chạy thử trên dòng sông Chanh cho đoàn chuyên gia xem.

"Ban đầu tôi cho chạy xuôi gió, sau đó từ vị trí bánh lái, tôi chạy phắt tới chằng lại dây, lật góc buồm, chiếc thuyền cưỡi sóng xoay sang một bên đi theo hình chữ chi để ngược gió, tiếng hô vang trên bờ. Khi tôi lên, đoàn chuyên gia ôm chầm mừng rỡ vì chưa khi nào được chứng kiến cảnh này cả", ông Chắn tự hào.

Sau đó, ông Chắn cũng làm một mô hình thuyền buồm ngược gió tặng cho Bảo tàng Quảng Ninh để trưng bày. Khách du lịch đi qua ngay tiền sảnh là thấy chiếc thuyền với buồm đỏ, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của người dân miền biển Quảng Ninh.

Một chiếc thuyền buồm ba vát chạy ngược gió của ông Chắn được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh

Một chiếc thuyền buồm ba vát chạy ngược gió của ông Chắn được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh

Hiện nay do tuổi cao, ông Chắn không trực tiếp đóng tàu nữa mà giao lại cho 8 người con theo nghề, hàng ngày ông ở trong xưởng để chỉ bảo những thợ đóng thuyền, dạy việc những người mới tới. Đến nay xưởng đóng thuyền của ông Chắn nổi tiếng nhất vùng, tàu thuyền của ngư dân hư hỏng đều tìm tới gia đình ông Chắn để sửa chữa.

Cánh buồm và hệ thống dây là các chi tiết chính để cho chiếc thuyền có thể chạy ngược gió tùy theo cách buộc của người lái

Cánh buồm và hệ thống dây là các chi tiết chính để cho chiếc thuyền có thể chạy ngược gió tùy theo cách buộc của người lái

"Đến giờ thuyền buồm ba vát chạy ngược gió chỉ là hào quang quá khứ, thế hệ chúng tôi ngoài việc giữ nghề thì còn cần phát triển nghề và hội nhập, cập nhật và sử dụng tốt các kỹ thuật hiện đại, tiên tiến. Tuy nhiên mọi thứ phải trên nền tảng, căn cốt là nghề truyền thống, đặc biệt là những kỹ thuật trong làm thuyền buồm ba vát, vì đây là cái nôi và minh chứng cho chiều dài lịch sử của làng, tôi sẽ không để nó mai một", ông Chắn bày tỏ.

Phạm Công

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nguoi-giu-bi-kip-lam-thuyen-buom-di-nguoc-gio-o-lang-nghe-hon-600-tuoi-812415.html