Người giàu ở Lục Thành

Từ những mảnh đất cằn cỗi nơi sườn núi đá và thung sâu, chị Lương Thị Thông đã chăm chỉ phát cỏ, xới đất, bỏ phân, trồng bưởi Diễn, tra hạt ngô, cấy lúa, nuôi lợn… để cùng chồng vươn lên xóa nghèo, trở thành hộ làm kinh tế giỏi ở xóm Lục Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai).

Chị Lương Thị Thông (xóm Lục Thành, xã Thượng Nung, Võ Nhai) bọc nilong cho quả bưởi Diễn, giúp kéo dài thời gian bảo quản sau khi thu hái.

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất ngước mắt thấy núi, nhìn xuống thấy lũng sâu, đất đai đã ít lại khô cằn. Sống ở rẻo cao, chị Thông ít được tiếp cận với cái mới, sự văn minh của xã hội, nhưng từ khi bước chân về nhà chồng, chị đã xác định chỉ sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt, tập trung sức khỏe cho lao động, tăng gia sản xuất.

Cả tuổi thơ của anh chị từng sống trong nghèo khó, lấy nhau về vẫn thuộc diện hộ nghèo, chị đã quá thấm cảnh sống bấp bênh, bí bó nên quyết tâm không để mình nghèo và hướng cho các con phải chịu khó học hành để vươn lên.

Chị kể: Cách đây khoảng 10 năm, tôi sang nhà người quen ở xã Dân Tiến (Võ Nhai) chơi, thấy gia đình họ có mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả nên hỏi cách làm. Sau đó, vợ chồng tôi về tận Hưng Yên để mua giống bưởi Diễn để trồng. 3-4 năm đầu, bưởi bói quả không đều, nhạt, không ai mua, phần lớn phải vứt bỏ. Nhưng vợ chồng tôi không nản chí, vẫn quyết tâm vun trồng, đến nay, 150 cây bưởi Diễn đã cho thu nhập khá.

Không chỉ trồng buổi Diễn, vợ chồng chị Thông còn cấy 5 sào lúa, trồng 1 mẫu ngô, vừa cung cấp nguồn lương thực cho gia đình, vừa phục vụ chăn nuôi lợn, gà… Trung bình trong chuồng lúc nào cũng có hơn 10 lợn thịt, một lợn nái; gà, vịt hơn 100 con. Cứ lấy ngắn nuôi dài, dần dần gia đình chị đã có tích lũy, năm 2007, chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Nhận thấy ở Thượng Nung có nhiều lao động đi làm ở các công ty, nhà máy, phần lớn phải dịch chuyển bằng xe máy, trong khi đường khó đi, vợ chồng chị Thông bàn bạc, thống nhất vay mượn thêm tiền đầu tư mua xe ô tô để chở lao động đi làm. Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, mang lại cho gia đình chị tổng thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm (chưa trừ chi phí).

Trong ngôi nhà sàn to rộng được làm bằng loại gỗ đắt tiền, chúng tôi ai cũng trầm trồ khen ngợi sự chịu khó, siêng năng, thức thời của vợ chồng chị Thông. Chị khiêm tốn bảo: Cuộc sống còn phải cố gắng nhiều vì để đầu tư cho làm ăn, vợ chồng tôi vẫn phải ít nhiều vay nợ ngân hàng. Giờ nhiều người cũng trồng bưởi Diễn nên khó bán hơn. Tôi học cách bảo quản quả bưởi cho tươi lâu, nếu không sẽ nhanh thối hỏng. Quả bưởi nếu bảo quản tốt sẽ để được hơn 3 tháng.

- Chị nên lập kênh để bán hàng trên mạng xã hội? Tôi khuyên.

- Có chứ! Con gái vẫn giao bán hàng trên mạng mà! Còn tôi, khi muốn tìm hiểu vấn đề gì cũng đều xem trên Internet.

Thế mới hay, người vùng cao đã dần thích ứng với công nghệ số. Những năm gần đây, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại, wifi, 4G… đã “vượt núi, băng đèo” mang ánh sáng và sự văn minh, hiện đại đến những bản làng trên rẻo cao, giúp họ tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhìn thấy chiếc máy cày ở góc sân, tôi hỏi chuyện, chị bảo: Cách đây 10 năm gia đình tôi đã mua được máy cày để giảm tải sức lao động. Còn ngôi nhà, gia đình tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng để dựng…

Đôi vợ chồng người dân tộc Tày nơi xóm núi xa xôi khiến chúng tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Điều đó cho chúng tôi niềm hy vọng sẽ có thêm nhiều gia đình vươn lên khá giả nơi rẻo cao Thượng Nung. Chỉ cần họ có ý chí và biết tận dụng những lợi thế sẵn có để đầu tư đúng hướng thì đói nghèo sẽ không có chỗ để đeo bám.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/nguoi-giau-o-luc-thanh-29315d8/