Người già - mục tiêu mới của tội phạm lừa đảo ở Mỹ

Người Mỹ trên 60 tuổi đang trở thành mục tiêu số 1 của tội phạm lừa đảo trực tuyến và qua điện thoại với tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng tỷ USD. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới đây đã cảnh báo rằng, những kẻ lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn trong các thủ đoạn mà chúng sử dụng để đạt được mục đích là buộc các nạn nhân chuyển những khoản tiền lớn.

Từ lừa đảo ái tình

Theo một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội hưu trí Mỹ (AARP), ước tính, mỗi năm, khoảng 28,3 tỷ USD bị mất do các vụ lừa đảo nhằm vào người cao tuổi ở Mỹ. Đáng chú ý là 72% trong số đó (khoảng 20 tỷ USD) được lấy đi bởi những cá nhân quen biết với nạn nhân như thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc cố vấn. Nghiên cứu cũng cho thấy, nhiều vụ lừa đảo khác gây thiệt hại gần 30 tỉ USD không được báo cáo với cảnh sát và FBI hiện đang kêu gọi bất kỳ ai gặp phải hoạt động đáng ngờ trên mạng hãy ngừng thao tác mà báo cáo hành vi này ngay cho cơ quan thực thi pháp luật.

Cảnh báo của FBI về sự gia tăng của các vụ lừa đảo nhằm vào người già ở Mỹ.

Một báo cáo cập nhật vào tháng 10/2022 của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho hay, người tiêu dùng ở Mỹ từ 60 tuổi trở lên đã tố cáo hơn 467.000 vụ lừa đảo trong năm 2021. Dù tỉ lệ người lừa đảo từ 60 tuổi trở lên ít hơn so với người trưởng thành (18 - 59 tuổi), số tiền bị lừa đảo trung bình lại thường cao hơn nhóm này. “Tội phạm lừa đảo này phát triển nhanh và lan truyền như một đại dịch. Các nạn nhân không chỉ gặp nguy hiểm về việc mất tiền mà còn chịu đựng những tác động tiêu cực về tinh thần và sức khỏe”, Kathy Stokes, Giám đốc Phòng chống gian lận tại AARP nói. Thống kê của AARP cũng chỉ rõ, các loại hình lừa đảo phổ biến nhất nhằm người cao tuổi là lừa đảo tình ái, lừa đảo mua sắm trực tuyến qua hệ thống giả mạo, giả nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc quản lý nhà nước.

Giám đốc điều hành của LexisNexis Special Services Inc. (Mỹ) Tarkov trong lần trả lời phỏng vấn báo chí thì cho hay, những năm gần đây, khi công nghệ phát triển, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), những kẻ lừa đảo đã sử dụng AI tạo ra hình ảnh sống động như thật, kết hợp với giọng nói hấp dẫn của con người để làm thành các video “câu” ai đó hẹn hò trực tuyến và sau khi dần chiếm được lòng tin, chúng sẽ đòi tiền của nạn nhân. Chuyện của một luật sư tuổi ngoài 70 ở New York là một ví dụ điển hình. Ông này đã trả lời tin nhắn muốn làm quen của một phụ nữ trên LinkedIn. Trong ảnh, người phụ nữ trông xinh đẹp, trẻ hơn ông, có chuyên môn vững vàng, trình độ học vấn cũng cao và đang sống ở Thái Lan. Sau nhiều lần trò chuyện, từ những dòng tin nhắn mùi mẫn, sự khát khao yêu đương dần sống dậy trong trái tim tưởng như đã giá lạnh của người đàn ông này… Theo hướng dẫn của người phụ nữ, ông đã tải xuống máy tính một phần mềm, tưởng rằng mình đã chuyển tiền đến một ngân hàng mã hóa ở California và thực hiện một loạt giao dịch để đầu tư kiếm lời. Khi truy cập vào tài khoản để theo dõi, ông vẫn thấy đã có khoản lãi được cộng vào hàng tuần. Và thế là, chỉ trong 75 ngày, toàn bộ lương hưu của ông đã bị lừa mất sạch và mối tình kiểu yêu xa mà ông cho là lãng mạn cũng tan biến.

Lừa đảo người già đang trở thành vấn nạn ở Mỹ.

Đến giả danh nhân viên kỹ thuật

Còn ông Rich Brune, 75 tuổi, sống ở Virginia buồn rầu kể với phóng viên hãng CBS News rằng, hồi năm ngoái, ông đã mắc phải một vụ lừa đảo trực tuyến và bị mất gần 800.000 USD. Những tên tội phạm tinh vi đóng giả nhân viên Microsoft đã liên lạc và nói rằng, máy tính của ông bị hack, tài khoản ở ngân hàng bị xâm phạm và ông cần phải thực hiện hành động khắc phục khẩn cấp. Lo lắng quá, cựu chiến binh Hải quân đã không kiểm chứng các thông tin này hay kiểm tra chéo với ngân hàng mà cứ nhất nhất làm theo lời các nhân viên Microsoft giả mạo.

Trong khoảng thời gian 5 tháng, ông Rich Brune đã được hướng dẫn chuyển phần lớn số tiền tiết kiệm cả đời của mình vào một tài khoản tiền điện tử mà những kẻ lừa đảo nói là an toàn trước các tin tặc. Trên thực tế, những kẻ lừa đảo đã cuỗm sạch số tiền của ông Rich Brune. Chưa hết, sau khi phát hiện toàn bộ tiền tiết kiệm đã bị mất, ông Rich Brune đã ngất xỉu khi nghe Sở Thuế vụ thông báo rằng ông nợ khoảng 200.000 USD tiền thuế vì số tiền bị đánh cắp đã được rút từ tài khoản hưu trí của mình. “Tôi có thể sẽ bị buộc phải vay thế chấp ngược. Và ngay cả sau khi tôi trả hết nợ, tôi sẽ gần như không còn một xu dính túi”, ông Rich Brune nói.

Khi phóng viên báo chí hỏi về vụ việc này, đại diện của Sở Thuế vụ Mỹ từ chối bình luận về các tình huống cụ thể của người nộp thuế và viện dẫn đây là luật riêng tư liên bang. Nhưng trong một tuyên bố sau đó, họ cũng cảnh báo người nộp thuế về các trò gian lận trực tuyến và cho biết sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai “bị mắc kẹt trong những tình huống đau lòng này”. Tuy nhiên, luật thuế liên bang hiện không đưa ra ngoại lệ cho những cá nhân như ông Rich Brune - người đã vô tình rút tiền hưu trí trong một vụ lừa đảo trực tuyến.

Rebecca Keithly, đặc vụ giám sát trong đơn vị tội phạm kinh tế của FBI nói với hãng CBS News: “Người lớn tuổi đang mất nhiều tiền nhất trong các vụ lừa đảo. Năm ngoái, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng 350% các vụ lừa đảo đầu tư liên quan đến tiền điện tử được quy cho riêng người lớn tuổi. Đó là mức tăng lớn nhất trong số tất cả các nhóm người ở độ tuổi khác nhau trong các vụ lừa đảo”. FBI cũng đã hỏi ông Rich Brune về vụ lừa và ông này sau đó cũng liên hệ với nghị sĩ của bang Virginia là Don Beyer để tìm sự hỗ trợ.

Còn về phía Microsoft, đại diện hãng này xác nhận với CBS News rằng kẻ lừa đảo đã liên hệ với ông Rich Brune và giả làm nhân viên của Microsoft. Tên này không liên quan đến công ty hoặc thuộc bất kể một nhóm hỗ trợ khách hàng nào của công ty. "Microsoft không bao giờ chủ động gửi tin nhắn không được yêu cầu hoặc thực hiện các cuộc gọi điện thoại không được yêu cầu để hỏi về thông tin cá nhân, tài chính cá nhân để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật sửa chữa máy tính cho bất kỳ khách hàng nào. Mọi liên lạc phải do khách hàng khởi xướng”, phát ngôn viên của Microsoft cho biết.

Thống kê của AARP chỉ rõ, các loại hình lừa đảo phổ biến nhất nhằm người cao tuổi là lừa đảo tình ái, lừa đảo mua sắm trực tuyến qua hệ thống giả mạo, giả nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc quản lý nhà nước.

Và những cuộc gọi từ Ấn Độ

Đáng chú ý, câu chuyện của ông Rich Brune không phải là lạ đối với các nhà điều tra. Đặc vụ FBI Rebecca Keithly nhấn mạnh: “FBI đã chứng kiến sự gia tăng đáng chú ý trong cái mà chúng tôi gọi là các vụ lừa đảo phantom hacker. Chúng bắt đầu bằng lừa đảo hỗ trợ kỹ thuật và kẻ lừa đảo hỗ trợ kỹ thuật thông báo cho nạn nhân rằng tài khoản của họ có nguy cơ bị tấn công… Rất nhiều nạn nhân đã bị phá sản bởi những cú lừa kiểu này”.

Cũng theo FBI, qua điều tra, các đặc vụ phát hiện ra rằng, các cuộc gọi lừa đảo thường xuất phát từ Ấn Độ hoặc một số quốc gia Nam Á. Vì vậy, để điều tra tận gốc vụ việc, cần có sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế. Chẳng hạn như năm 2022, với sự giúp đỡ của các nhà điều tra Mỹ, cảnh sát Ấn Độ đã thực hiện nhiều cuộc đột kích vào các trung tâm cuộc gọi và bắt giữ những cá nhân có liên quan đến các vụ lừa đảo người cao tuổi ở Mỹ.

Amy Nofzinger, Giám đốc hỗ trợ nạn nhân lừa đảo của AARP phân tích, đầu tiên, những kẻ lừa đảo cố gắng lấy lòng tin của nạn nhân, sau đó mới truy lùng thông tin cá nhân và tiền bạc. Hiện các cố vấn của Amy Nofzinger và AARP đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện với người cao tuổi, cảnh báo họ rằng, các cuộc gọi hoặc tin nhắn tìm kiếm số an sinh xã hội và medicare luôn là lừa đảo. AARP cũng có hàng trăm tình nguyện viên làm việc với các nạn nhân là người cao tuổi trong vụ lừa đảo.

Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ tội phạm lừa đảo nhắm vào người Mỹ lớn tuổi và người già vẫn tiếp tục tăng, tăng đến 84% vào năm 2022 so với năm 2021. Các nhà điều tra đã phải kêu gọi các cá nhân tránh xem những tin nhắn rác và không mở các email lạ cũng như từ chối tải xuống phần mềm không xác định xuống máy tính hoặc cấp cho người khác quyền truy cập từ xa vào máy tính cá nhân của mình. FBI cũng ra cảnh báo rằng, chính phủ Mỹ không bao giờ yêu cầu một cá nhân chuyển tiền vào tài khoản do chính phủ điều hành hoặc vào một sàn giao dịch tiền điện tử và bất kỳ yêu cầu nào làm như vậy có thể chỉ ra một âm mưu lừa đảo.

Chu Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nguoi-gia-muc-tieu-moi-cua-toi-pham-lua-dao-o-my-i712551/