Người 'ghép uớc mơ' từ những mảnh thủy tinh vỡ

Từ các mảnh kính và chai, lọ thủy tinh bị bỏ đi sau khi sử dụng, chàng trai 9x Hứa Duy Thanh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã tự nghiên cứu cách tái chế, biến thủy tinh vụn trở thành những bức tranh độc đáo, được nhiều người yêu thích.

Khi làm việc tại nhà hàng và quán bar, Hứa Duy Thanh thấy những vỏ chai thủy tinh nhiều màu sắc thường bị vứt bỏ sau khi sử dụng gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Và ý tưởng thu gom, tái chế những chai thủy tinh, mảnh kính vỡ... thành những món đồ xinh xắn đến với chàng trai 9x khi tình cờ biết đến hình ảnh hàng tỷ viên sỏi thủy tinh được sóng biển mài tròn, nhẵn nhụi, đầy màu sắc phủ kín bãi biển Glass (Mỹ).

Thời gian để tìm, lựa chọn, gắn những viên sỏi thủy tinh phù hợp thành bức tranh nghệ thuật lớn có thể mất từ 7 - 10 ngày.

Theo Hứa Duy Thanh, điều khó khăn nhất trong quá trình xử lý nguyên liệu là công đoạn mài các mảnh thủy tinh. Máy mài phù hợp không có sẵn trên thị trường, Hứa Duy Thanh buộc phải tự mày mò, nghiên cứu, gia công thiết bị...

Vừa làm vừa chỉnh sửa, chiếc máy mài và đánh bóng thủy tinh "độc nhất vô nhị" cũng thành hình và đi vào hoạt động. Dù vậy, để mài một mảnh thủy tinh vỡ trở nên nhẵn nhụi, bóng loáng thì chiếc máy này phải hoạt động liên tục nhiều ngày.

Thời gian rảnh rỗi, anh Thanh thường đi thu gom rác thủy tinh tại các bãi phế liệu, thu mua chai, lọ thủy tinh đã qua sử dụng ở một số nhà hàng, cửa hàng, quán bar... để tái chế.

"Khi mà mình làm máy, mình thử hết động cơ này đến động cơ khác, làm sao cho phù hợp, máy bị cháy khác nhiều, rất tốn kém. Sau khi thử đi thử lại, cấu tạo máy chỗ nào không phù hợp, mình lại cải tiến nó. Đến lúc phù hợp rồi đến vấn đề gây tiếng ồn. Máy này không thể dừng được.

Bởi trong quá trình quay thủy tinh nếu mình dừng lại, gần như sẽ đông kết thành một khối như khối bê tông, khi mình bật lại sẽ không quay được nữa. Bắt buộc phải hoạt động 24/24", Thanh nói.

Chiếc máy do anh Hứa Duy Thanh sáng chế hiện nay có thể mài khoảng 3kg mảnh thủy tinh vụn/lần, hoạt động liên tục từ 10 - 15 ngày.

Để làm được 1 bức tranh, phải xử lý "rác" thủy tinh thành những mảnh vỡ 1-2cm và mang đi mài, đánh bóng (thường kéo dài 10-15 ngày liên tục). Kết thúc quá trình mài, anh Thanh sẽ phân loại, chon những mảnh phù hợp để dùng keo chuyên dụng gắn thành bức tranh hoàn chỉnh với giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/bức.

Khách hàng đa phần đặt mua tranh độc bản và với từng mảnh thủy tinh ngẫu nhiên, những bức tranh hoàn thiện thường làm hài lòng cả những vị khách khó tính nhất.

Công đoạn tìm, lựa chọn, dùng keo gắn thủy tinh lên bề mặt phẳng đã được phác họa trước đòi hỏi người làm tranh sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo.

Để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, ngoài những viên sỏi thủy tinh lấp lánh, một số chất liệu khác như gỗ, giấy màu, màu mực... được kết hợp sử dụng tùy vào sự sáng tạo của mỗi người. Loại tranh này được nhiều bạn trẻ và các em nhỏ ưa thích.

Chia sẻ về dự định tương lai, Hứa Duy Thanh ấp ủ sẽ thành lập nhóm các thành viên cùng đam mê làm tranh từ mảnh thủy tinh; mở không gian trưng bày kết hợp 2 buổi/tuần hướng dẫn các bạn học sinh ghép tranh.... Lan tỏa ý nghĩa của việc tái chế rác thủy tinh, anh Thanh cũng tặng tranh của mình cho bạn bè, các Câu lạc bộ, các buổi workshop để gây quỹ cho các em nhỏ gặp khó khăn hay chương trình "Đổi rác lấy quà" ở các trường phổ thông và đại học.

Tùy vào loại tranh nhỏ đơn giản hay bức tranh lớn cầu kỳ, sản phẩm tranh thủy tinh có giá dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng/bức.

Cô Bùi Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Rèn luyện về kỹ năng sống cho trẻ là một điều rất cần thiết. Thông qua các buổi thực hành ngoại khóa về tái chế ở trường, các con vừa có thể thỏa sức sáng tạo ra sản phẩm để về trang trí góc học tập, tặng bố mẹ; vừa được học được cách “hồi sinh” những loại rác thải như chai, lọ thủy tinh ngay trong chính ngôi nhà của mình. Việc làm này sẽ dần tạo cho các con thói quen phân loại rác thải, tự giác bảo vệ môi trường từ những điều nhỏ nhất".

Các em nhỏ hào hứng với tiết học ngoại khóa về tái chế rác thủy tinh thành những bức tranh sống động.

Ngày càng nhiều bạn trẻ như Duy Thanh sáng tạo nghệ thuật, giúp nâng cao suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến môi trường. Bằng sự sáng tạo, các bạn đã góp phần lan tỏa trong cộng đồng những giá trị tốt đẹp, hướng đến lối sống xanh, lành mạnh và phát triển bền vững.

CTV Huyền Chi/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-ghep-uoc-mo-tu-nhung-manh-thuy-tinh-vo-post1087064.vov