Người đi thu gom quá khứ

'Có những ngày trong túi chỉ còn ít tiền, chúng tôi phải đi chung chiếc xe ôm đến nhà của các tướng để thuyết phục họ tặng cho các kỷ vật về trưng bày tại bảo tàng', bà Hằng kể.

Trước khi tuổi nghỉ hưu ập đến, bà Hằng đã dành trọn thời gian làm việc của mình cho những chuyến đi sưu tầm hiện vật và nghiên cứu về các kỷ vật thời chiến. Đó là những ngày không có nhiều tiền, nhưng đầy ắp niềm vui và sự say mê với công việc đi góp nhặt những mảnh ghép của lịch sử.

Sưu tầm kỷ vật chiến tranh có lẽ là dự án để lại nhiều dấu ấn nhất trong suốt 34 năm xuôi ngược tìm kiếm và lưu trữ tư liệu của bà Trần Thanh Hằng, nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Người đi sưu tầm lịch sử

Trong căn nhà nhỏ trên phố Thái Hà, bà Hằng có riêng một phòng làm việc chứa 2 tủ sách gồm tài liệu, sách viết về lịch sử và một chiếc máy tính lưu giữ bản excel dài ghi chú mã tra cứu, chú thích, hình ảnh của từng kỷ vật lịch sử.

Tốt nghiệp Khoa Sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), bà Hằng về làm việc cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với vai trò đầu tiên là người giữ kho.

Kho hiện vật của bảo tàng chứa đầy những vật chứng của lịch sử được sưu tầm về. Bà phụ trách đánh số, lưu giữ sổ sách và bảo quản hiện vật trước khi một trong số đó được đưa lên trưng bày ở tủ kính.

 Bà Trần Thanh Hằng, nguyên cán bộ sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam kể về những kỷ niệm trong các chuyến đi. Ảnh: Ngọc Tân.

Bà Trần Thanh Hằng, nguyên cán bộ sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam kể về những kỷ niệm trong các chuyến đi. Ảnh: Ngọc Tân.

Sau gần 20 năm làm công việc này, bà Hằng bắt đầu thử sức với việc sưu tầm kỷ vật trên khắp mọi miền đất nước. Từ năm 1993, bà đã cùng đồng nghiệp vào Quảng Nam để sưu tầm những kỷ vật từ chiếc nồi đồng của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đến những khẩu súng của các anh hùng liệt sĩ.

Đến năm 1998, đại tá Lê Mã Lương là Giám đốc bảo tàng lúc đó, điều chuyển bà sang nhóm sưu tầm hiện vật. Kể từ đó, cứ 4 tháng một lần, bà có một chuyến đi kéo dài cả tháng từ Hà Nội đến khắp các tỉnh thành để tìm kiếm nhân vật, thuyết phục gia đình các liệt sĩ trao tặng kỷ vật từ thời chiến cho bảo tàng.

Trước mỗi lần đi, bà phải ngồi đọc tài liệu và tìm kiếm những nơi có nhiều gia đình liệt sĩ để tận dụng thời gian, địa điểm, không phải di chuyển quá nhiều. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm mới.

Bà liên lạc với địa phương rồi lần tìm số điện thoại, địa chỉ nhà ở và đến thuyết phục các gia đình trao tặng hiện vật cho bảo tàng. Nhờ đó, bà cũng được lắng nghe những câu chuyện đằng sau mỗi kỷ vật kháng chiến.

Có được hiện vật xong, bà lại phải nghĩ cách làm thế nào bảo quản được trong quá trình vận chuyển ra Hà Nội. Thông thường, bà sẽ đi tàu hỏa và những hiện vật cũng được bà bọc gói cẩn thận, đặt dưới chân ghế bà ngồi.

Một lần, bà vào TP.HCM và sưu tầm được 200 hiện vật trong vòng gần 1 tháng, đáng giá nhất trong số đó là hơn chục khẩu súng đủ loại. Bà Hằng phải nghĩ cách đặt các khẩu súng này ở dưới một cái thùng, sau đó đặt hoa quả lên trên để “ngụy trang” và luôn canh chừng trên chuyến tàu từ Nam ra Bắc.

“Lúc đưa hiện vật về Hà Nội mới là lúc căng thẳng nhất bởi vì chỉ cần làm mất một thứ thôi là có thể đi tù”, bà Hằng nói.

Câu chuyện với những vị tướng

Công việc này níu giữ bà Hằng bằng niềm vui và sự say mê. Những năm đầu bảo tàng không có nhiều tiền trợ cấp, cán bộ sưu tầm như bà đôi khi phải bỏ tiền túi cho chuyến đi dài ngày.

Một ngày nọ, bà và đồng nghiệp vào TP.HCM, tìm đến nhà Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng - nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân. Do đã có liên lạc từ trước, vị chuẩn đô đốc ra tận đầu đường đón. Thấy 2 cán bộ của bảo tàng đi chung trên một chiếc xe ôm thì ông tỏ ra rất ngạc nhiên.

“Chúng cháu đi nhiều ngày nên giờ trong ví chỉ còn ít tiền, 2 chị em đành tiết kiệm được ít nào hay ít đó”, bà Hằng giãi bày khi ông Nguyễn Dưỡng hỏi chuyện.

 Chiếc chân giả được chế tạo từ các mảnh vỡ của máy bay do thương binh Nguyễn Bằng Phi chế tạo được bà sưu tầm trong chuyến công tác ở TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Chiếc chân giả được chế tạo từ các mảnh vỡ của máy bay do thương binh Nguyễn Bằng Phi chế tạo được bà sưu tầm trong chuyến công tác ở TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Kết thúc buổi làm việc, vị đại tá không những tặng hiện vật mà còn gửi quà bánh bảo bà mang về cho con nhỏ ở nhà. Bà Hằng nhớ mãi chuyện này và luôn xúc động mỗi khi nhắc đến.

Nhưng không phải lúc nào công việc cũng được thuận lợi như vậy. Có nhiều người ngại tiếp những vị khách như bà. Vì vậy, công việc này đòi hỏi cả sự kiên nhẫn và sự thuyết phục khéo léo.

Năm 2000-2003, bà Hằng đi khắp nơi sưu tầm hiện vật về các vị tướng. Bà phải đi đến mấy trăm gia đình để đặt vấn đề, có hôm xin được hiện vật, có hôm không. Có những gia đình thất lạc địa chỉ, thất lạc số điện thoại khiến bà phải cất công đi hỏi thăm rồi lần tìm theo tên họ.

Có lần, bà đến nhà thiếu tướng Lê Phi Long - nguyên Cục phó Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu. Dù đã nhờ bạn bè và lãnh đạo địa phương liên lạc trước nhưng không ai gọi được để ông Long mở cửa tiếp khách.

Hiểu rằng Thiếu tướng Long là người biết rất nhiều câu chuyện về lịch sử cũng như lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị, bà quyết tâm ngồi ngoài cửa chờ cho bằng được.

Đến trưa, con dâu ông Long đi làm về, bà mới biết chuyện con trai ông mới mất. Bà bèn nhờ cô con dâu mở cửa cho vào và chỉ nói với ông Long là muốn vào thắp hương cho con trai ông.

Thấy được sự kiên nhẫn và nhiệt tình của nữ cán bộ bảo tàng, thiếu tướng Long đồng ý tiếp bà và cuối cùng tặng lại cho bảo tàng chiếc máy ghi âm từng ghi lại những ý kiến của các tướng lĩnh về các trận đánh, tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chiếc máy khi đó đương nhiên không còn băng ghi âm nữa, nhưng vẫn là một kỷ vật rất có giá trị do bà Hằng sưu tầm được bằng sự kiên trì của mình với nhân vật.

Mỗi cuộc gặp gỡ là một món quà

Nữ cán bộ sưu tầm hiện vật lịch sử đã về hưu cách đây 10 năm sau 34 năm cống hiến cho bảo tàng. Ở tuổi 67, bà Hằng có một cuộc sống giản dị với những công việc thường nhật trong gia đình và những tài liệu nghiên cứu bên bàn làm việc.

Tại phòng làm việc, tấm ảnh bà chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời được treo trang trọng ở chính giữa tủ. Công việc ở bảo tàng giúp bà có cơ hội được gặp gỡ nhiều chứng nhân lịch sử, từ lãnh đạo cấp cao, các vị tướng đến những thương binh hay thân nhân của các liệt sĩ.

Đối với một người đã đi sưu tầm và lắng nghe nhiều câu chuyện trong quá khứ như bà, bất kỳ ai dù là tướng lĩnh, dân quân, bà mẹ Việt Nam anh hùng hay các anh hùng liệt sĩ cũng đều là những mảnh ghép quan trọng của lịch sử.

 Bức ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bà Hằng treo trang trọng trong phòng làm việc. Ảnh: NVCC.

Bức ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bà Hằng treo trang trọng trong phòng làm việc. Ảnh: NVCC.

Trong suốt hành trình đi tìm kiếm, sưu tầm những hiện vật lịch sử, bà Hằng có thêm nhiều người bạn, chính là thân nhân của gia đình các liệt sĩ; thêm cả những người anh chị em kết nghĩa ở khắp mọi nơi trên cả nước. Đó là những món quà mà công việc mang lại cho bà.

Những ngày rảnh rỗi khi đã về hưu, đôi khi bà mở lại những hình ảnh, âm thanh thu lượm được trong những chuyến đi dọc đất nước để lắng nghe, chạm tay vào lịch sử và hồi tưởng ngày tháng được cùng các đồng nghiệp đi khắp nơi tìm kiếm những vật chứng của một thời đạn bom.

Mỹ Hà - Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-di-thu-gom-qua-khu-post1111357.html